Hải Dương: Hỗ trợ người sản xuất đưa sản phẩm lên sàn điện tử
Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa cho nông dân, tỉnh Hải Dưởng đã chuyển phương thức kết nối từ trực tiếp sang trực tuyến, hỗ trợ nông dân đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử.
>>>Hải Dương: Lấy Doanh nghiệp và người dân là trung tâm chuyển đổi số
>>>Doanh nghiệp Hải Dương nỗ lực chuyển đổi số
Qua dịch bệnh, phương thức sản xuất, kinh doanh và thói quen mua sắm, tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, nông dân của nhiều địa phương của tỉnh Hải Dương đang dần thích ứng với tình hình mới, từng bước đưa sản phẩm lên website, sàn thương mại điện tử (TMĐT) và các kênh phân phối online khác để đẩy mạnh tiêu thụ. Đặc biệt, bán hàng trên sàn TMĐT không chỉ cho thấy hiệu quả mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho các hộ sản xuất.
Làm quen cách bán hàng
Gần 1 năm nay, chị Nguyễn Thị Vân Tứ Kỳ – Hải Dương đã quen dần việc kiểm tra đơn hàng trên gian hàng TMĐT của gia đình mình. Nhờ sàn TMĐT sản lượng hàng chị bán được tăng gấp đôi so với trước. Vì vậy, chị tiếp tục tham gia và từ giờ sẽ đưa hàng hóa lên website, lên sàn thương mại điện tử của chương trình.
>>>Hải Dương: Doanh nghiêp liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp đa giá trị
Theo chị Vân cho biết: “Trang trại của gia đình tôi nuôi 50.000 gà đẻ và 20.000 gà hậu bị, lượng trứng từ 40.000-45.000 quả/ngày. Trong đợt dịch COVID-19 đầu năm 2021, mọi giao dịch mua bán trực tiếp gặp khó khăn, nếu không tiêu thụ qua sàn TMĐT thì lượng trứng tồn đọng nhiều. Được cán bộ của huyện và sự hỗ trợ của Viettel, chúng tôi đã mở một gian hàng trên website Voso.vn, lượng trứng tiêu thụ qua kênh này đạt từ 1,5 - 2 vạn quả/ngày, chiếm 1/3 sản lượng trứng. Hiện nay, mỗi tháng chúng tôi bán khoảng 10.000 quả trứng qua sàn TMĐT”.
Thông qua giới thiệu, chị Nguyễn Thị Sơn ở xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) đã biết đến sàn Voso.vn. Kinh Môn từ lâu đã nổi tiếng là đất trồng hành thế nhưng sau khi thu hoạch, đa phần hành ở đây được nông dân phơi khô rồi bán cho thương lái nên giá cả bấp bênh. Tháng 9/2021, được sự giúp đỡ từ phía sàn TMĐT Voso.vn, chị đã “mở” gian hàng với sản phẩm hành phi. “Sàn TMĐT giúp công việc kinh doanh thuận lợi, thị trường tiêu thụ được mở rộng khắp cả nước thay vì bó hẹp trong tỉnh như trước. Từ tháng 9 tới nay, tôi có khoảng 200 đơn hàng với lượng hàng bán ra đạt gần 2 tấn hành phi, doanh thu ước đạt 400 triệu đồng”, chị Sơn nói.
Trong những năm gần đây, các sàn TMĐT phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, người tiêu dùng có xu hướng chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến. Việc tiêu thụ sản phẩm qua giao dịch TMĐT giúp nhiều loại nông sản tìm được đầu ra ổn định, tránh tình trạng bị thương lái ép giá.
Hỗ trợ người sản xuất đưa sản phẩm lên sàn
Hiện nay, các hộ sản xuất nông nghiệp trong tỉnh chủ yếu tham gia giao dịch trên 2 sàn TMĐT là sàn Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và sàn Voso.vn của Tổng công ty CP Bưu chính Viettel với tổng số gần 600 sản phẩm. Hơn 108.000 hộ sản xuất trong tỉnh đã có tài khoản trên các sàn TMĐT, 117.000 hộ được đào tạo kỹ năng số, đạt tỷ lệ 33% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hải Dương là tỉnh đứng thứ 16 trong cả nước về số hộ có gian hàng trên sàn TMĐT.
Sau một thời gian đi vào hoạt động, các sàn TMĐT đã cho thấy hiệu quả trong việc cung cấp nhiều thông tin hữu ích như thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ… Dù đã phát huy hiệu quả nhưng việc tiêu thụ hàng hóa qua các sàn TMĐT vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân do phương thức bán hàng này còn khá mới mẻ, trong khi đó nông dân lại có thói quen bán hàng qua các thương lái, việc tiếp cận hướng dẫn, đào tạo cho các hộ sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều sản phẩm chưa bảo đảm chất lượng tiêu chuẩn.
Ông Phạm Huy Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Mua bán trên các sàn TMĐT là xu hướng tất yếu để phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Sắp tới, tỉnh sẽ có kế hoạch thành lập các Tổ công nghệ cộng đồng ở các thôn, khu dân cư để hỗ trợ các hộ xây dựng gian hàng số trên các sàn TMĐT nhằm đẩy mạnh hình thức giao dịch hiện đại, chuyển đổi phương thức giao dịch truyền thống và hướng tới mục tiêu “Mỗi hộ sản xuất nông nghiệp là một gian hàng số”.
Trong kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu hỗ trợ 50% số hộ đủ điều kiện tham gia các sàn TMĐT. Tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ các hộ sản xuất có đủ điều kiện, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, OCOP... Các ngành chức năng và đơn vị liên quan sẽ hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn kỹ năng số, cách thức đăng ký tài khoản thanh toán, mở gian hàng và các hoạt động bán hàng trên sàn TMĐT. Việc triển khai kế hoạch sẽ góp phần hỗ trợ các hộ sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT, thúc đẩy tiêu thụ nhanh với giá cả ổn định, góp phần tránh tình trạng ùn ứ nông sản khi vào cao điểm mùa thu hoạch.
Được biết tính đến năm 2021 Hải Dương đã có gần 98.000 hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng thương mại điện tử. Theo số liệu được cập nhật tại Cổng thông tin điện tử hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại địa chỉ https://tmdt.mic.gov.vn (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), đến ngày 29.12, toàn tỉnh đã có 97.827 hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, 289 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn, 107.112 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo các kỹ năng số.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT phê duyệt kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. UBND tỉnh sau đó ban hành Kế hoạch số 3928/KH-UBND để thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Được biết, toàn tỉnh Hải Dương hiện có gần 100 sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao, cung cấp số lượng lớn nông sản cho thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tỉnh đã có những giải pháp cụ thể để duy trì, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản; đưa sản phẩm nông nghiệp chủ lực lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ.
Việc ứng dụng chuyển đổi số, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông minh từ khâu sản xuất đến tiêu thụ là một trong những giải pháp hiệu quả để kết nối, bảo vệ và phát huy giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trong thời điểm dịch COVID-19 như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm