Sơn La thu hút nhà đầu tư hiện thực khát vọng “trung tâm chế biến nông sản Tây Bắc”

ANH DUY 08/04/2022 11:22

Sơn La đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản, sữa, hoa quả, cây dược liệu của vùng Tây Bắc, do đó, kỳ vọng thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến.

>>>Câu chuyện xuất khẩu nông sản: “Xuất ngoại” mía và khát vọng vươn tầm

Phát biểu tại Hội nghị “Định hướng phát triển logistics trong tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La”, ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, Sơn La có diện tích lớn thứ 3 cả nước.

Hội nghị “Định hướng phát triển logistics trong tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La ngày 8/4.

Hội nghị “Định hướng phát triển logistics trong tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La ngày 8/4.

Điểm yếu logistics "kìm chân"

Năm 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, kinh tế của tỉnh Sơn La vẫn duy trì tăng trưởng, điểm sáng là khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 7,19%, cao hơn 2,29 điểm % so với kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 4.250 tỷ đồng, bằng 120,2% dự toán Trung ương giao; GRDP bình quân đạt 45,2 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 1 triệu so với năm 2020). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 19.000 nghìn tỷ đồng.

Thống kê đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thuỷ sản an toàn, có 702 hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, có 20.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; có 24 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 2 sản phẩm được bảo hộ tại Châu Âu và Thái Lan.

“Đặc biệt, Sơn La hiện có trên 500 cơ sở chế biến nông sản, trong đó, 50 cơ sở chế biến xuất khẩu với các sản phẩm như sữa, đường, cafe, chè và các sản phẩm rau quả như chanh leo, xoài,…” ông Lê Hồng Minh cho biết.

Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.

Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản lớn có thể kể đến Tập đoàn TH, Tập đoàn Vingroup, Đồng Giao, Nafoods, Phúc Sinh, Tập đoàn Quế Lâm, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam,…

Đặc biệt, Sơn La đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc, do đó, địa phương kỳ vọng thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến. Chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tập trung, hỗ trợ xuất khẩu, tìm kiếm mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, để hiện thực mục tiêu trung tâm chế biến nông sản của Tây Bắc, Sơn La còn gặp khó khăn trong phát triển logistics. “Trong đó, hạ tầng logistics còn manh mún, thiếu đồng bộ, hình thức và các loại hình logisyics còn đơn điệu thiếu liên kết”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thẳng thắn.

Sơn La đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc.

Sơn La đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc.

Cụ thể, về kết cấu hạ tầng của Sơn La hiện có quốc lộ 6, nhưng Sơn La nói riêng và các tỉnh phía Tây Tây Bắc nói chung còn chưa có tuyến đường cao tốc.

“Nhưng tin vui là hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường cao tốc và hoàn thành trước năm 2030 đưa Sơn La cùng với Hoà Bình trở thành cực tăng trưởng phía Tây Tây Bắc”, ông Lê Hồng Minh nhấn mạnh.

Được biết, bên cạnh chủ trương đầu tư đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Sơn La - Điện Biên, Sơn La cũng dự kiến xây dựng sân bay Nà Sản. Đây là bệ phóng hạ tầng quan trọng phát triển logistics cũng như thúc đẩy tăng trưởng cho tỉnh thời gian tới.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương.

Phân tích thực tế về logistics của tỉnh Sơn La, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, Sơn La là tỉnh có sản lượng hoa quả lớn nhất miền Bắc. Sơn La cũng có định hướng trở thành trung tâm chế biến nông sản và phát triển công nghiệp của Tây Bắc.

“Là tỉnh miền núi khó khăn về giao thông nên tỉnh cần làm tốt logistics để vượt qua các hạn chế của điều kiện tự nhiên. Đồng thời nhận thức đúng, rõ từ cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cũng như của doanh nghiệp. Triển khai phát triển logistics quyết liệt với sự đồng hành của Bộ, Hiệp hội doanh nghiệp”, Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ông Hải nhấn mạnh là tỉnh miền núi khó khăn về giao thông nên tỉnh cần làm tốt logistics để vượt qua các hạn chế của điều kiện tự nhiên.

Ông Hải nhấn mạnh là tỉnh miền núi khó khăn về giao thông nên tỉnh cần làm tốt logistics để vượt qua các hạn chế của điều kiện tự nhiên.

Theo bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương Sơn La, nhìn chung, các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn. Chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như: Hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ…), đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật…hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

>>>“Gỡ bí” cho nông sản Việt

>>>Doanh nghiệp "bán tháo" nông sản vì khó đầu ra

Đặc biệt, hạ tầng giao thông của Sơn La còn hạn chế. Trong đó, hạ tầng đường bộ có các tuyến quốc lộ như quốc lộ 6, quốc lộ 37, quốc lộ 279 và 279D nhưng mặt đường cấp cao còn chiếm tỷ lệ thấp, quy mô nhỏ chủ yếu là 01 làn xe. Trên các tuyến còn nhiều cầu yếu, ngầm, tràn, nhiều đèo dốc nguy hiểm... dẫn đến năng lực thông hành của các tuyến đường thấp, các phương tiện vận chuyển hàng hóa có kích thước, tải trọng vận chuyển lớn khó tiếp cận sâu vào hệ thống đường giao thông nông thôn đến trung tâm các xã, cụm xã, các khu vực sản xuất, vùng nguyên liệu... Chưa có đường cao tốc qua tỉnh.

“Hạ tầng đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, năng lực bốc xếp cũng như khả năng kết nối với các tuyến đường bộ còn hạn chế. Hiện địa bàn tỉnh Sơn La không có các tuyến đường sắt và đường hàng không vận chuyển hàng hóa trực tiếp từ tỉnh Sơn La”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Sơn La cho biết.

Đại biểu tham dự Hội nghị.

Đại biểu tham dự Hội nghị.

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất tại cửa khẩu Lóng Sập và Chiềng Khương còn tương đối sơ sài, mới chỉ có nhà kiểm soát liên hợp và bãi tập kết hàng hóa (với diện tích tương đối hạn chế khoảng 1.000 m2 với Cửa khẩu Lóng Sập và 2.000 m2 với cửa khẩu Chiềng Khương).

Các hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu khác như kho ngoại quan, kho chung chuyển, khu vực giành cho hoạt động dịch vụ thương mại, tài chính, khu phi thuế quan, thiết bị hỗ trợ sang tải, bốc rỡ hàng hóa …chưa được đầu tư, phát triển. Khối lượng và giá trị hàng hóa thông quan qua 2 cửa khẩu còn tương đối khiêm tốn và không ổn định.

Hệ thống kho, bãi, nhà lạnh phục vụ cho mục đích tập kết, bảo quản hàng đã được đầu tư xây dựng tuy nhiên mới chỉ quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, phục vụ nhu cầu bảo quản, lưu trữ trong ngắn hạn của các hộ sản xuất, HTX.

Trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có cơ sở chuyên sản xuất các vật liệu, sản phẩm phục vụ hoạt.

Năm giải pháp đồng bộ

Để khắc phục điểm nghẽn từ thực tế này, hiện thực mục tiêu thành “trung tâm chế biến nông sản của Tây Bắc”, Sơn La đang rất quan tâm tới việc thúc đẩy phát triển logistics làm đòn bẩy cho hoạt thương mại, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương Sơn La.

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương Sơn La.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, Sở Công Thương cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý hoạt động thương mại trên địa bàn đề xuất, thứ nhất, tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, ưu tiên các tuyến trọng yếu, các tuyến đường dẫn tới các cửa khẩu, vùng nguyên liệu chính của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ việc đầu tư xây dựng tuyến Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu nhằm rút ngắn thời gian và chi phí vận tải hàng hóa.

Thứ hai, đầu tư, phát triển các cơ sở hạ tầng logistics. Trong đó, tập trung cải thiện hệ thống kho, bãi, cảng, bến thủy nội địa...Quy hoạch và khuyến khích đầu tư hệ thống kho bãi dịch vụ vệ tinh xung quanh các trung tâm đô thị, cửa khẩu, trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Cải tạo cửa khẩu Lóng Sập đáp ứng các điều kiện theo quy định đối với Cửa khẩu quốc tế. Trong đó chú trọng đầu tư các hạng mục logistics hỗ trợ việc thông quan, xuất khẩu hàng hóa.

Khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu khảo sát đầu tư xây dựng Chợ đầu mối nông sản gắn với cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản, phân loại, bao gói tập trung.

Thứ ba, tăng cường việc liên kết trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa nông sản. Nghiên cứu lựa chọn, hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm liên kết toàn diện, chuỗi cung ứng lạnh giữa đơn vị sản xuất, đơn vị tiêu thụ, đơn vị logistics từ khâu canh tác - thu hoạch - thu mua - vận chuyển –sở chế - lưu trữ cho đến thông quan - xuất khẩu, tiêu thụ.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Thứ bốn, đẩy mạnh việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến vào các Khu công nghiệp, gắn việc việc hình thành và phát triển các trung tâm/tổ hợp dịch vụ logistics với việc phát triển các cụm công nghiệp, KCN trên địa bàn. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất các loại vật tư, vật liệu hàng hóa phục vụ sản xuất, bảo quản, xuất khẩu nông sản…

Thứ năm, các doanh nghiệp, HTX sản xuất cần đổi mới tư duy,nâng cao chất lượng sản phẩm hàng, thay đổi tư duy, từ sản xuất chạy theo quy mô, số lượng, chuyển dịch sản xuất theo quy chuẩn, đơn đặt hàng của từng thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm. Áp dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc, tích cực, chủ động tham gia các chương trình đưa các phẩm hàng hóa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, vừa góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa tận dụng các chính sách hỗ trợ và hạ tầng logisitcs của sàn thương mại điện tử.

Có thể bạn quan tâm

  • Làm gì để thương hiệu nông sản Việt vươn xa?

    11:00, 08/04/2022

  • Câu chuyện xuất khẩu nông sản: “Xuất ngoại” mía và khát vọng vươn tầm

    08:00, 04/04/2022

  • “Gỡ bí” cho nông sản Việt

    19:17, 30/03/2022

  • Doanh nghiệp "bán tháo" nông sản vì khó đầu ra

    15:57, 23/03/2022

  • Câu chuyện xuất khẩu nông sản: Nội lực của doanh nghiệp mới là quan trọng

    10:00, 21/03/2022

  • Chiến lược sản xuất tiêu thụ nông sản còn luẩn quẩn, bế tắc

    02:00, 17/03/2022

ANH DUY