Tân Yên (Bắc Giang): Tạo đột phá trong thu hút đầu tư
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Tân Yên tập trung phát triển kinh tế với 3 trụ cột: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
>> Bắc Giang là bến đỗ lý tưởng cho các doanh nghiệp FDI
Thời gian qua, huyện Tân Yên đã thực hiện quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao... Đồng thời, tăng cường đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh thu hút đầu tư và thực hiện các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Với phương châm phát triển công nghiệp tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, về nông nghiệp tập trung vào các chính sách hỗ trợ phát triển có quy mô hàng hóa, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến; phát triển dịch vụ trên cơ sở khai thác một số tiềm năng, thế mạnh của huyện như tâm linh, sinh thái,…
Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Viết Toàn - Chủ tịch UBND huyện Tân Yên về định hướng sớm đưa huyện Tân Yên phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong tương lai.
- Tiềm năng, thế mạnh của huyện Tân Yên là một lợi thế để thu hút các nhà đầu tư. Vậy ông hãy cho biết huyện đã tạo nền tảng phát huy lợi thế sẵn có, tạo đà phát triển kinh tế như thế nào?
Huyện Tân Yên nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Bắc Giang, tiếp giáp với TP. Bắc Giang có nhiều tiềm năng, điều kiện và dư địa để phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Đây sẽ là “kiềng 3 chân” giúp huyện bứt phá phát triển và là động lực để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2025”.
Là địa phương có thế mạnh phát triển nông nghiệp, trong giai đoạn 2020 - 2025, Tân Yên đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Tân Yên là bức tranh sáng màu đã hình thành và duy trì sản xuất 24 cánh đồng mẫu lớn; 78 vùng sản xuất tập trung; có trên 400 trang trại chăn nuôi theo quy trình VietGAP được công nhận, với hơn 10% sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết; Diện tích cây ăn quả của huyện trên 3.525ha (sản xuất tập trung theo hướng VietGAP 1.500ha), với các loại chủ lực như: thương hiệu “Vải sớm Tân Yên” xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; bưởi, nhãn muộn, vú sữa, ổi… cho thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/ha/năm,…
Năm 2020, huyện Tân Yên được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Huyện đang tập trung, quan tâm ưu tiên nguồn lực, có cơ chế chính sách xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao như: hỗ trợ thí điểm theo đặc thù của từng dự án về nông nghiệp công nghệ cao; thực hiện khu dân cư sinh thái nhà vườn (khoảng 190ha) ở 3 xã Việt Lập, Liên Chung, Quế Nham. Có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện nghĩa trang An Lạc Viên (đã quy hoạch khoảng 40ha ở xã Liên Sơn); đầu tư xây dựng bến thủy nội địa tại xã Hợp Đức, bến cảng tại thôn Bến, xã Quế Nham….
Tân Yên chủ động xây dựng cơ chế thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chú ý phát triển chuỗi liên kết trong tiêu thụ chế biến nông sản; chú trọng xây dựng sản phẩm thế mạnh, mang đặc trưng của địa phương. Mặt khác, huyện xây dựng các vùng nguyên liệu trọng điểm để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thu nhập cao và tiến tới nông nghiệp hiệu quả cao. Xây dựng NTM nâng cao hướng tới mục tiêu phải thực chất, thực sự là vùng quê đáng sống.
- Để phát triển “3 trụ cột” kinh tế, ông hãy cho biếthuyện Tân Yên đã tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông tạo giải pháp đột phá giúp tăng tính kết nối vùng, là đòn bẩy thu hút đầu tư, khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của địa phương và tạo tiền đề quan trọng để Tân Yên bứt phá phát triển về công nghiệp dịch vụ như thế nào?
Xác định địa phương có vị trí địa lý không thuận lợi, hạ tầng giao thông kém, xuống cấp và thiếu kết nối vùng là nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển nên Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Huyện sẽ đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng KCN và hạ tầng đô thị; tập trung cao giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng các tuyến đường quan trọng trên địa bàn huyện. Mục tiêu của huyện là kết nối các tuyến đường huyện cũ và mới quy hoạch với các hệ thống đường tỉnh một cách liên hoàn, phát triển liên kết vùng, coi đây là một lợi thế cạnh tranh địa phương nhằm thu hút đầu tư.
Tân Yên có lợi thế đất đai rộng. Dư địa để phát triển công nghiệp, đô thị là rất lớn. Dự báo tốc độ phát triển kinh tế của huyện khá nhanh trong những năm tới cộng với hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh ngày càng hoàn thiện, huyện đầu tư, thu hút nhiều dự án KĐT, KDC mới. Riêng năm 2022, huyện đề xuất 41 dự án KĐT, KDC mới. Từ nay đến năm 2025, huyện tập trung cho phát triển giao thông kết nối để tạo tiền đề, sự bứt phá cho nhiệm kỳ sau. Chúng tôi sẽ tập trung làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng. “Xác định diện tích đất này sử dụng vào mục đích gì, công nghiệp, nông nghiệp hay đô thị,…
Những năm gần đây, huyện Tân Yên đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Huyện đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp.
Hiện nay, Tân Yên đã quy hoạch và đề nghị tỉnh điều chỉnh bổ sung 5 KCN, 8 CCN với diện tích 915ha, tạo tiền đề, thế mạnh của huyện trong thu hút phát triển công nghiệp, dịch vụ; với các khu cụm công nghiệp gồm: KCN Phúc Sơn (thuộc xã Phúc Sơn và Lam Cốt, 125ha), KCN Minh Đức -Thượng Lan- Ngọc Thiện (thuộc xã Ngọc Thiện, 212ha), KCN Ngọc Thiện (thuộc xã Ngọc Thiện, 150ha), KCN Ngọc Lý (140ha), KCN Đông Phú (xã Quế Nham, diện tích 200ha) và 8 CCN: Ngọc Vân (66ha), Đồng Đình (66,1ha), Lăng Cao (48ha), Kim Tràng (52ha), Ngọc Châu (75ha), Liên Sơn (40 ha), Việt Ngọc (49ha), Minh Đức (75ha, trong đó: Việt Yên 40ha, xã Ngọc Lý, Tân Yên 35ha); đã hình thành 2 cụm công nghiệp đang đầu tư hạ tầng có thể thu hút đầu tư và hiện đã có nhà đầu tư thứ cấp thuê và hoạt động, thu hút hơn 8.500 lao động; Huyện đang kêu gọi thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, CCN.
Để Tân Yên phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai, quan trọng nhất là giao thông phải mở, có sự kết nối với cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ bảo đảm đi lại thuận tiện và nhanh hơn. Vì vậy, trước mắt dành nguồn vốn đầu tư công để mở mới các tuyến đường hướng ra bên ngoài kết nối đường vành đai V thủ đô (dự kiến khởi công năm 2023) và đường nối từ QL17-QL37 đi Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên (ĐT.294B); Đường 398b, kết nối từ QL.37-QL.17- ĐT.292 (đoạn Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang), tỉnh Bắc Giang (khởi công cuối năm 2021); nâng cấp, mở rộng các tuyến đường cũ. Như vậy, cùng với đường vành đai IV thủ đô, QL37, các vùng kinh tế của Tân Yên sẽ được khai phá, đi lên.
>> TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại
>> Bắc Giang sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch để doanh nghiệp phát triển
Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn rà soát toàn bộ quy hoạch ngành, quy hoạch vùng để triển khai xây dựng phương án phát triển huyện, tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tạo hướng mở các tuyến giao thông kết nối vào các khu, CCN được quy hoạch của huyện với các trung tâm kinh tế của tỉnh và không gian phát triển công nghiệp, đô thị. Triển khai các dự án dân cư - đô thị và thương mại dịch vụ.
Bên cạnh đó những tuyến giao thông đối ngoại, Huyện Tân Yên tập trung đầu tư các tuyến giao thông đối nội, kết nối các vùng kinh tế trong huyện; HĐND huyện Tân Yên vừa ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, như: đầu tư 03 dự án giao thông trọng điểm: Dự án Đường từ CCN Đồng Đình đi tỉnh lộ 298; Dự án Đường từ QL.17 đi Đồng Điều Tân Trung; Dự án Đường từ KCN Phúc Sơn - Khu dân cư Đồng Điểm đi TL 294. Tổng mức đầu tư 3 dự án dự kiến là 331 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng mới tuyến đường từ Tân Sỏi đi Phúc Sơn thực hiện từ năm 2022 đến 2025, với tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng do UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt, tăng tính kết nối giữa KĐT, KCN với hệ thống giao thông để thu hút các nhà đầu tư.
Tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông vùng phụ cận như: Cải tạo, sửa chữa QL 17 đoạn Việt Yên - Tân Yên và đoạn Tân Yên - Yên Thế; Cải tạo, nâng cấp ĐT.298 đoạn Đình Nẻo (huyện Tân Yên) - Phúc Lâm (huyện Việt Yên); ĐT295 đoạn từ Cầu Bến Tuần (xã Hợp Đức) đi Cầu Bỉ (xã Ngọc Thiện).
Ngoài ra, Tân Yên cũng đẩy mạnh phát triển các khu đô thị và khu dân cư nông thôn; thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ hiện đại. Đặc biệt, huyện chú trọng phát triển các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp sân golf, trong đó đã quy hoạch một số dự án như: Khu sinh thái tâm linh và sân golf núi Dành (xã Liên Chung); Đền thờ Lương Văn Nắm (xã Tân Trung); Khu sinh thái núi Đót (xã Phúc Sơn);…
Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng kết nối, mang tính đột phá; Huyện Tân Yên cũng xác định phát triển phải mang tầm dài hạn, đề cao tính bền vững, chú trọng làm tốt công tác quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ, bám sát định hướng phát triển của tỉnh.
Nhằm thu hút đầu tư vào các KCN, CCN, huyện đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ về địa điểm khảo sát đầu tư, đền bù GPMB, xây dựng hạ tầng trong và ngoài khu cụm công nghiệp,... đảm bảo định hướng phát triển của tỉnh, lựa chọn các dự án, nhà đầu tư phù hợp với tiến trình phát triển của huyện. Hỗ trợ tối đa cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Từ năm 2020 đến nay, huyện đã giải ngân trên 200 tỷ đồng cho công tác đền bù, GPMB thực hiện các dự án đường kết nối và khu dân cư đô thị, tăng cường công tác phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức GPMB để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án.
Tân Yên chú trọng phát triển công nghiệp đảm bảo tính kết nối, bảo vệ môi trường; rà soát và công khai quy hoạch để tạo sự đồng thuận của nhân dân... “Các cấp chính quyền đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư…, từ đó tạo thêm lợi thế cạnh tranh của địa phương. Với quan điểm Tân Yên không thu hút đầu tư ồ ạt, thiếu hiệu quả; không vì mục tiêu trước mắt mà vội vàng mà sẽ tập trung phát triển toàn diện và bền vững. Đó cũng là những yếu tố để xây dựng một Tân Yên năng động, thân thiện; là nơi đáng sống và hợp tác, đầu tư”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Viết Toàn nhận định.
Trong bối cảnh khó khăn chung của đại dịch COVID-19, với sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của Huyện ủy, UBND huyện, tình hình kinh tế - xã hội của huyện vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực; sản xuất công nghiệp, dịch vụ được duy trì ở mức tăng khá; sản xuất nông nghiệp được đảm bảo; thu hút đầu tư tiếp tục khởi sắc. Tân Yên tin tưởng rằng sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra. Trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn, hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao, có đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm đô thị trung tâm của tỉnh Bắc Giang trong tương lai.
- Trân trọng cám ơn ông!
Có thể bạn quan tâm