Tây Ninh tăng tốc chuyển đổi số

THÙY LINH 15/04/2022 11:31

Xây dựng chính quyền điện tử trong những năm qua là tiền đề để Tây Ninh hướng đến chính quyền số.

>>Tây Ninh khơi thông nguồn lực đầu tư

Đây cũng là một trong những giải pháp để Tây Ninh hiện đại hoá nền hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

 Trung tâm điều hành thông minh IOC Tây Ninh

Trung tâm điều hành thông minh IOC Tây Ninh

Tây Ninh là một trong số ít địa phương trong cả nước sớm ban hành nghị quyết của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện thành công việc chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới.

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, trên cơ sở chương trình chuyển đổi số quốc gia, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 713/QĐ-UBND về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tính đến nay, theo Nghị quyết 02-NQ/TU, chuyển đổi số giúp định hình tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc, tiêu thụ và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số; là nhu cầu tất yếu trong lãnh đạo, điều hành kinh tế-xã hội của địa phương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng 4.0.

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng hạ tầng CNTT - viễn thông, xây dựng các nền tảng công nghệ phục vụ cho chuyển đổi số, thời gian qua Tây Ninh đã tập trung các nguồn lực để xây dựng hạ tầng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số của tỉnh. Đến nay, hệ thống văn phòng điện tử của tỉnh đã được nâng cấp đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 về việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hệ thống hành chính Nhà nước. Các văn bản điện tử trao đổi và xử lý trên môi trường mạng được liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã nhanh chóng; thông tin chỉ đạo kịp thời, chính xác; nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hệ thống văn phòng điện tử đã được kết nối trên trục liên thông văn bản quốc gia...

Cổng thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được xây dựng và đưa vào vận hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh chóng tại địa chỉ truy cập https://dichvucong.tayninh.gov.vn. Đến nay, Cổng thông tin điện tử tỉnh hiện cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên mức 4 (1.818/1.877 TTHC).

Ngoài ra, Trung tâm giám sát, điều hành kinh tế - xã hội tập trung của tỉnh được đưa vào hoạt động từ năm 2020 là một trong những "đột phá" của tỉnh.

 Hệ thống giám sát an ninh giao thông.

Hệ thống giám sát an ninh giao thông.

Đồng bộ giải pháp

Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030 vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá; hình thành đầy đủ nền tảng phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong thời gian tới, Tây Ninh sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp.

Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, trong đó, chú trọng đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số. Bên cạnh đó, xây dựng chính quyền số, trong đó, sẽ tích hợp các dịch vụ theo nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp, chỉ cần sử dụng một tài khoản đăng nhập cho tất cả các ứng dụng, dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân; hoàn thiện hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; tận dụng các kênh xã hội để tương tác và gia tăng sự tham gia của người dân; hoàn thiện hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

>>Tây Ninh: Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất

>>Tây Ninh cần nhanh chóng xác định được vùng an toàn

Để phát triển kinh tế số, Tây Ninh tiếp tục tập trung hỗ trợ phát triển thương mại điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; phổ biến kiến thức về công nghệ số, các loại mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm của những doanh nghiệp đang thành công. Mặt khác, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số, hình thành văn hoá số...

Năm 2022, tỉnh Tây Ninh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh uỷ, kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện chuyển đổi số. Trọng tâm là đột phá liên thông, tích hợp dữ liệu các ngành trực tuyến lên Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế- xã hội tập trung của tỉnh, nhất là dữ liệu tài chính, ngân sách, đầu tư công... 

Có thể bạn quan tâm

  • Tây Ninh: Sẵn sàng cho ngày bầu cử

    Tây Ninh: Sẵn sàng cho ngày bầu cử

    11:14, 16/05/2021

  • Tây Ninh: Hình thành không gian phát triển mới

    Tây Ninh: Hình thành không gian phát triển mới

    08:36, 20/02/2021

  • Tây Ninh hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành công đô thị thông minh

    Tây Ninh hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành công đô thị thông minh

    13:00, 18/07/2019

THÙY LINH