PCI Lai Châu: Doanh nghiệp đánh giá cao các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp
Theo kết quả PCI2021, Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Lai Châu đạt 7,38 điểm, tăng 1,74 điểm so với năm 2020. Đây là kết quả từ sự đồng hành của chính quyền đối với doanh nghiệp.
>>Lai Châu: Xây dựng sản phẩm và thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam
Sáng nay (27/04), VCCI công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021. Theo báo cáo PCI 2021, giai đoạn dịch bệnh căng thẳng ở Việt Nam như hai năm vừa qua thì vai trò của chính quyền các tỉnh, thành phố lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Vừa tổ chức phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì, không bị đứt đoạn là nỗ lực rất lớn của nhiều chính quyền địa phương.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, khảo sát PCI 2021 đã diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp cả nước phải gồng mình chống chịu những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Trong bối cảnh khó khăn ấy, chúng ta ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành và các chính quyền địa phương đã đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nhằm “vượt bão” COVID-19. Có thể nói, doanh nghiệp trên cả nước đã dồn toàn lực để vượt khó và chủ động thích ứng để tồn tại qua đại dịch.
Tại Lai Châu, lãnh đạo tỉnh Lai Châu chỉ đạo trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, phải luôn đảm bảo yếu tố an sinh xã hội, chia sẻ yêu thương; các ngành phải cùng vào cuộc để sớm tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất. Địa phương này đã tập trung hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp để góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển.
Toàn tỉnh Lai Châu hiện có 1.680 doanh nghiệp đăng ký với tổng số vốn 35.650 tỷ đồng, trong đó có 1.390 doanh nghiệp kê khai thuế, chiếm 83% tổng số doanh nghiệp. Hết năm 2021, khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đóng góp cho ngân sách nhà nước đạt 1.365 triệu đồng đạt 100% kế hoạch. Điều đó cho thấy cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn vững vàng vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.
>>Chính thức ra mắt Chi hội Chè Lai Châu
>>Sức hút văn hoá - du lịch Tam Đường (Lai Châu)
Theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu, để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh tăng cường gặp gỡ thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, kịp thời nắm bắt những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp để có những giải pháp tháo gỡ. Mặt khác, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhờ đó, doanh nghiệp đánh giá cao về sự năng động, sự nỗ lực cải cách của các cấp chính quyền trong tỉnh. Trong đó, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong những năm gần đây được đánh giá rất tốt.
Theo kết quả PCI năm 2021, tỉnh Lai Châu đạt 61,22 điểm, xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc so với năm 2020 và tăng 07 bậc so với năm 2019. Năm 2021, doanh nghiệp đánh giá cao các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh, Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 7,38 điểm, tăng 1,74 điểm so với năm 2020. Bên cạnh đó, các chỉ số như Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch đều tăng điểm.
Được biết, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung khắc phục các chỉ số còn thấp điểm như: đẩy mạnh chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; có cơ chế thu hút nhân tài, phát huy nhân tài tại chỗ; cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin ở vùng sâu, vùng xa…
Trong thời gian tới, phát huy những lợi thế sẵn có, những chính sách hấp dẫn cùng lợi thế mềm về cải thiện môi trường kinh doanh, địa phương này sẽ tiếp tục thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực có thế mạnh, quy hoạch các dự án bài bản thành danh mục khả thi như: Nông nghiệp hàng hóa tập trung, chế biến sâu gắn với bao tiêu sản phẩm; Các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, mạo hiểm, du lịch văn hóa cộng đồng; du lịch nông nghiệp sinh thái, lòng hồ thủy điện; các hoạt động thương mại, dịch vụ gắn với kinh tế cửa khẩu quốc tế, kinh tế biên mậu,... Cùng với đó là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược liệu; khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là đất hiếm; phát triển thủy điện theo quy hoạch,... các dự án gắn Khu kinh tế cửa khẩu.
Có thể bạn quan tâm