Huyện Thanh Oai góp phần nâng cao PCI cho TP Hà Nội
Với nhiều tiềm năng, thế mạnh, huyện Thanh Oai đang vững tin để đồng hành cùng thành phố Hà Nội cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
>>> “Hà Nội - Đến để yêu”
Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam Thủ đô Hà Nội, huyện Thanh Oai được biết đến là vùng đất có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế, trên địa bàn huyện cũng đang có nhiều dự án lớn của thành phố. Trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng của huyện Thanh Oai là đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC, chú trọng công tác GPMB và phát triển hạ tầng giao thông nhằm thu hút đầu tư vào huyện. Đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai - Bùi Văn Sáng với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ về cải cách hành chính (CCHC)
- Thưa ông, CCHC trọng tâm là cải cách TTHC đang được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Hiện nay, huyện đang thực hiện công tác này như thế nào để tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các TTHC một cách thuận lợi, nhanh chóng nhất?
Có thể nói, công tác CCHC có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đồng thời tạo sự thông thoáng, minh bạch trong việc giao dịch giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy đầu tư, phát triển. Đặc biệt, công tác CCHC có ảnh hưởng trực tiếp tới nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của TP Hà Nội.
Vì vậy, để thực hiện đơn giản hóa TTHC và niêm yết TTHC theo quy định, UBND huyện Thanh Oai luôn chỉ đạo các cơ quan chuyện môn, các xã, thị trấn tích cực rà soát, đề xuất ý kiến đơn giản hóa TTHC nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. UBND huyện đã thực hiện niêm yết 269 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện, 152 TTHC thuộc thẩm quyền cấp xã.
Thực hiện công khai danh mục, quy trình giải quyết TTHC tại phòng làm việc của cơ quan chuyên môn, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện và các xã, thị trấn, Cổng giao tiếp điện tử của UBND huyện. Đảm bảo 100% TTHC được công khai danh mục, quy trình giải quyết theo đúng quy định tại nơi tiếp nhận và giải quyết TTHC và Cổng thông tin điện tử của UBND huyện.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn huyện về ý nghĩa, mục tiêu tầm quan trọng của công tác kiểm soát, đánh giá TTHC. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể trong công tác tuyên truyền kiểm soát TTHC; kết hợp hình thức tuyên truyền truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin tuyên truyền nhằm mang lại hiệu quả cao.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, UBND huyện luôn duy trì thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC và thực hiện Cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Kết quả chỉ số CCHC năm 2020 của Thanh Oai tăng 10 bậc; năm 2021 tăng 2 bậc đã minh chứng cho sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện Thanh Oai “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước”.
>>> Cải cách hành chính: Nói là làm, không hình thức!
- Vậy ông cho biết, huyện đã thực hiện việc công khai, minh bạch thông tin cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn thông tin như thế nào?
Hướng đến nền hành chính phục vụ, huyện Thanh Oai tiếp tục thực hiện công khai minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp, tập trung trên các lĩnh vực quản lý xây dựng, đất đai, cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, kê khai nộp thuế, phí và lệ phí. Công bố, công khai minh bạch bằng nhiều hình thức về quy trình thủ tục, thành phần hồ sơ, các loại biểu mẫu, hướng dẫn chi tiết để hoàn thiện mẫu thủ tục hành chính, quy định thời gian giải quyết, các mức phí, lệ phí theo quy định để người dân và doanh nghiệp dễ hiểu và dễ thực hiện.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định, cơ chế chính sách qua nhiều kênh thông tin đặc biệt là cổng thông tin điện tử, đài phát thanh huyện, xã, thị trấn. Nâng cao ý thức tự giác và nghiêm túc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân trong quan hệ tiếp xúc, làm việc với các cơ quan Nhà nước
- Tình hình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hiện nay trên địa bàn huyện như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, huyện Thanh Oai xác định phát triển công nghiệp là mục tiêu quan trọng hàng đầu, là thế mạnh mũi nhọn để thúc đẩy KT-XH của huyện.
Tính riêng Quý I/2022, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản ước đạt 2.094 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện đã dần đi vào ổn định sau đại dịch. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng dịch; tập trung phát triển chủ yếu ở các xã có CCN và làng nghề như: Thanh Thùy, Cao Viên, Bích Hòa, Bình Minh, Dân Hòa... Cùng với các ngành nghề thủ công truyền thống vẫn duy trì và phát triển ở các làng nghề như: Giò chả Ước Lễ - xã Tân Ước, sản xuất lồng chim xã Dân Hòa, nón mũ lá - xã Phương Trung, làng nghề điêu khắc và kim khí xã Thanh Thùy…
Đối với các CCN, Thanh Oai tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư CCN trên địa bàn huyện đã được thành lập triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN đảm bảo tiến độ đã cam kết. Thực hiện khởi công đối với CCN làng nghề Thanh Thùy, giai đoạn 2. Đề nghị Thành phố thành lập mở rộng CCN Thanh Thùy, xã Thanh Thùy với quy mô diện tích khoảng 20ha trên địa bàn 02 xã Thanh Thùy và Tam Hưng.
Cũng cần phải nói thêm, huyện Thanh Oai đã thẩm định và phê duyệt chi tiết (tỷ lệ 1/500) 05 cụm công nghiệp gồm: CCN Thanh Thùy - Giai đoạn 2, CCN Phương Trung, CCN Thanh Văn - Tân Ước, CCN Hồng Dương, CCN Kim Bài). Đồng thời, đang đẩy nhanh tiến độ triển khai 5 CCN này nhằm sớm hoàn thành công tác GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thu hút các DN vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Khi đó, không chỉ nguồn thu ngân sách sẽ bền vững hơn mà còn tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động cũng như bảo đảm công tác an sinh xã hội.
Chú trọng phát triển hạ tầng xã hội
- Để tạo dấu ấn cho các nhà đầu tư thì hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông có vai trò vô cùng quan trọng. Ông có thể cho biết việc phát triển hạ tầng của huyện trong thời gian gần đây?
Hiện nay, huyện đang tích cực triển khai hàng loạt dự án liên quan đến xây dựng, quy hoạch để từng bước hoàn thiện hạ tầng. Đến nay, toàn bộ hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn, đường trục chính nội đồng được nhựa hóa, bê-tông hóa; 100% trạm y tế, nhà văn hóa đạt chuẩn; 57/74 trường đạt chuẩn quốc gia; toàn huyện đã có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có hai xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện Thanh Oai được Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn nữa.
Vừa qua, huyện đã tổ chức kiểm tra, rà soát và có văn bản đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho ý kiến về định hướng mạng lưới giao thông huyện Thanh Oai làm cơ sở trong việc lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai. Ngày 08/3/2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có văn bản số 921/SGTVT-KHTC về việc tham gia ý kiến đối với định hướng quy hoạch một số tuyến đường giao thông dự kiến cập nhập vào đồ án quy hoạch vùng huyện Thanh Oai.
UBND huyện có văn bản gửi Sở Quy hoạch – Kiến trúc về việc xin ý kiến góp ý các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 điểm dân cư nông thôn, khu trung tâm các xã trên địa bàn huyện Thanh Oai; xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mở rộng nhà máy sản xuất nhựa Việt Nhật, huyện Thanh Oai.
>>Động lực cho Hà Nội đổi mới chính quyền đô thị
>>Thường Tín (Hà Nội): Phát huy hiệu quả từ công nghiệp
Chúng tôi xác định rằng, muốn thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, huyện Thanh Oai cần phải phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Từ đó, cùng với các chính sách “trải thảm” đón các nhà đầu tư, Thanh Oai sẽ là điểm đến và lựa chọn đúng đắn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp xa gần.
- Quy hoạch xây dựng vùng huyện được coi là cơ hội vàng đối với Thanh Oai để huyện dự báo, tính toán, cân nhắc phát triển trong 10 năm tới, đặc biệt là bứt phá trở thành quận trong tương lai gần. Ông hãy cho biết định hướng, giải pháp của huyện để đạt mục tiêu trên như thế nào?
Ngày 10/5/2022, chúng tôi đã tổ chức tọa đàm “Với mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Thanh Oai trở thành quận xanh của Hà Nội”.
Xác định rõ động lực phát triển, vì vậy UBND huyện Thanh Oai đã gợi mở một số nội dung để các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia đóng góp, thảo luận tại tọa đàm. Mục tiêu của huyện Thanh Oai là phấn đấu lên quận vào giai đoạn 2028 - 2030, trong đó đến năm 2025 là huyện NTM nâng cao.
Khi xác định nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện, chúng tôi từng bước khẳng định tầm nhìn là quận đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ kết hợp với công nghiệp. Mong muốn của huyện là phía trước trục đường ngang trục phát triển kinh tế của huyện trở lên phía Bắc là đô thị, đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ là chính; từ trục trở xuống đến phía Nam là công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch kết hợp nông nghiệp sinh thái. Cùng với đó, tranh thủ các trục đường QL21B và đường trục phát triển phía Nam, vành đai 4 để tạo động lực phát triển.
Đặc biệt, Thanh Oai là huyện có bề dày truyền thống với nhiều làng nghề, di tích, cảnh quan, đình đền chùa là cơ sở cho phát triển văn hóa gắn với du lịch tâm linh cần trùng tu tôn tạo, bảo tồn, phát huy, khai thác. “ Huyện cũng mong muốn, ngoài KĐT Thanh Hà, KĐT Mỹ Hưng sẽ phát triển một số KĐT như dọc theo vành đai 4. Cùng với đó là các điểm dân cư nông thôn, bãi đỗ xe tĩnh, vườn hoa, hệ thông khu vui chơi, thể dục thể thao, các dịch vụ logistics, bệnh viên, khu thương mại dịch vụ… sau khi hình thành vành đai 4”.
Bên cạnh đó, Tận dụng khai thác vành đai xanh, Thanh Oai là huyện ven đô của Hà Nội, có vị trí quan trọng khi gắn liền với khu vực nội thành. Do đó, cần xác định rõ Quy hoạch vùng huyện Thanh Oai phải vừa hài hòa với sự phát triển của địa phương và phù hợp với sự phát triển của Thủ đô. Đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện cũng cần phát triển bền vững từ thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến tạo việc làm cho lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, Quy hoạch vùng huyện chú trọng yếu tố nâng cao giá trị sử dụng đất nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện trong vành đai xanh. “Với mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Thanh Oai trở thành quận xanh của Hà Nội. Các chuyên gia, nhà khoa học có những tư vấn cho huyện xây dựng nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện Thanh Oai sớm trình UBND TP Hà Nội phê duyệt”.
Hà Nội đang triển khai thực hiện quy hoạch chung TP Hà Nội và điều chỉnh quy hoạch chung TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nên thời điểm này rất thuận lợi để Thanh Oai xây dựng quy hoạch vùng huyện thuộc hành lang xanh của thành phố, do vậy Thanh Oai quy hoạch làm sao để vẫn phát triển kinh tế mũi nhọn, có tính cạnh tranh so với các vùng khu vực khác.
Để phát triển lên quận, vấn đề quan trọng nhất của chúng tôi là phát triển giao thông, đường ngang kết nối 2 trục đường dọc chính của huyện và phát triển lợi thế, giữ được bản sắc riêng của Thanh Oai. “Quy hoạch xây dựng vùng huyện được coi là cơ hội vàng đối với Thanh Oai để huyện dự báo, tính toán, cân nhắc phát triển trong 10 năm tới, đặc biệt là bứt phá trở thành quận trong tương lai gần.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Công nghệ 4.0 - Nét nổi bật tại Lễ hội Du lịch Hà Nội 2022
14:42, 14/05/2022
Khai mạc lễ hội du lịch Hà Nội năm 2022: “Hà Nội – Đến để yêu”
05:00, 14/05/2022
Động lực cho Hà Nội đổi mới chính quyền đô thị
17:27, 12/05/2022
SEA Games 31: Các điểm đến Hà Nội đã sẵn sàng
01:30, 11/05/2022
Ông Nguyễn Hữu Cường tái đắc cử Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội
22:31, 09/05/2022