Quảng Bình: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hai khu kinh tế trọng điểm

TÂM ĐAN 19/06/2022 01:52

Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp cùng với hệ thống hạ tầng “cứng”, Quảng Bình đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế trên địa bàn.

>>Khu kinh tế Vân Đồn phát triển nhiều dự án dịch vụ, du lịch đẳng cấp quốc tế

Tập trung nguồn lực đồng bộ hạ tầng

Quảng Bình có hai Khu kinh tế (KKT) Hòn La và KKT Cửa khẩu Cha Lo là một trong những động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Những năm qua, tỉnh đã tận dụng các nguồn lực Trung ương đến địa phương nhằm đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế để thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Khu kinh tế Hòn La là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp phụ trợ theo Quy hoạch Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình.

Khu kinh tế Hòn La là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp phụ trợ theo Quy hoạch Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình.

KKT Hòn La có lợi thế là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế đường 12A và KKT cửa khẩu Cha Lo. KKT Hòn La cũng là con đường ngắn nhất của Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan đi ra biển thông qua QL12A. Đây là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp phụ trợ theo Quy hoạch Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình.

Để phát triển KKT Hòn La, thời gian qua tỉnh Quảng Bình đã tập trung các nguồn hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, doanh nghiệp để nâng cấp cơ sở hạ tầng như xây dựng KCN cảng biển Hòn La, KCN Hòn La II, hệ thống các đường trục ngang, đường trục dọc trong KKT, nhà máy xử lý nước thải, đường nối KKT Hòn La với KCN xi măng tập trung Tiến- Châu – Văn Hoá… Đến nay, tổng số vốn thực hiện các dự án hạ tầng đạt khoảng 1.350 tỷ đồng.

Nhờ hạ tầng đồng bộ, KKT Hòn La đã thu hút được 56 dự án với tổng mức đầu tư 91.000 tỷ đồng. Một số dự án lớn vẫn đang triển khai xây dựng, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh như Trung tâm điện lực Quảng Trạch, nhà máy viên nén năng lượng Dowha…

KKT cửa khẩu Cha Lo, là 1 trong 9 KKT cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ tập trung đầu tư giai đoạn 2016-2020 và là trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây. KKT có đường 8 và đường 12 kết nối 9 tỉnh của 3 nước Việt Nam – Lào – Thái Lan. Tính đến nay, tổng vốn đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại KKT cửa khẩu Cha Lo đạt khoảng 610 tỷ đồng, trong đó ưu tiên đầu tư một số hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại 2 khu vực là Khu trung tâm cửa khẩu và Khu vực Bãi Dinh. KKT này đã thu hút được 25 dự án, tổng vốn đăng ký 580 tỷ đồng, trong đó, số vốn thực hiện mới chỉ ước đạt 325 tỷ đồng.

Theo báo cáo BQL Khu kinh tế Quảng Bình, trong năm 2022, số vốn bố trí cho đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật tại các KKT và KCN của tỉnh là 49,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 19,2 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 30 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2022, số vốn giải ngân mới chỉ đạt 512 triệu đồng.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó trưởng ban, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Bình cho biết, đến nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 162 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 106.000 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án quy mô lớn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương trong các lĩnh vực nhiệt điện, cảng biển nước sâu, chế biến vật liệu xây dựng…

đến nay, tổng vốn đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại KKT cửa khẩu Cha Lo đạt khoảng 610 tỷ đồng

Đến nay, tổng vốn đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại KKT cửa khẩu Cha Lo đạt khoảng 610 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Bình

“BQL KKT sẽ tham mưu tỉnh bố trí từ nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và các khu chức năng trong KKT. Hiện BQL đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Đồng thời, tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư có nhu cầu, tiềm năng, giới thiệu kết nối với các đối tác trong và ngoài nước về các dự án đầu tư vào KKT của tỉnh”, ông Khánh chia sẻ.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian qua, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp đã được Quảng Bình quan tâm đầu tư mạnh mẽ, tạo điều kiện thu hút đầu tư, khai thác tốt thế mạnh của địa phương để phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư được chú trọng; một số dự án đầu tư mới trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đã đi vào hoạt động, đang phát huy hiệu quả như các dự án may xuất khẩu, chế biến gỗ, sản xuất kính cường lực, thu hồi nhiệt thải phát điện, chế biến hải sản, các nhà máy gạch không nung...

“Trong thời gian tới, Quảng Bình tiếp tục chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; phát triển công nghiệp và tăng cường liên kết vùng với các khu kinh tế trọng điểm trong khu vực. Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế động lực của tỉnh, gồm Khu kinh tế Hòn La, Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo gắn với hành lang Quốc lộ 12A; hoàn thiện kết cấu hạ tầng cứng, tăng tỷ lệ lấp đầy, phát huy hiệu quả các khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, Quán Hàu, Cam Liên và các cụm công nghiệp”, ông Thắng cho hay.

Có thể bạn quan tâm

  • Regal Food Legend Quảng Bình: Làn gió mới cho trải nghiệm mua sắm giới thượng lưu

    Regal Food Legend Quảng Bình: Làn gió mới cho trải nghiệm mua sắm giới thượng lưu

    15:38, 15/06/2022

  • Quảng Bình phát triển BHXH tự nguyện vượt bình quân chung cả nước

    Quảng Bình phát triển BHXH tự nguyện vượt bình quân chung cả nước

    10:50, 03/06/2022

  • Quảng Bình: Đẩy nhanh tiến độ cắm mốc thực địa giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

    Quảng Bình: Đẩy nhanh tiến độ cắm mốc thực địa giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

    01:23, 31/05/2022

TÂM ĐAN