TP.HCM: Quận 7 sẽ là điểm đến toàn cầu!
Đầu tư hạ tầng, xây dựng đô thị thông minh, tạo không gian đa văn hóa, tích hợp tạo động lực cho sự phát triển, xây dựng chính quyền điện tử, tận dụng lợi thế sông nước để quận 7 là điểm đến toàn cầu.
>>Nới “tấm áo” đô thị TP.HCM sao cho hiệu quả?
Đó là nội dung được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu tại hội thảo khoa học chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, hội thảo này nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập quận.
Tạo điểm nhấn đối xứng với bờ sông Sài Gòn…
Theo đó, sáng 28/6/2022, Học viện Cán bộ TP.HCM phối hợp với Quận ủy quận 7 tổ chức hội thảo khoa học chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, hội thảo này nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập quận.
Liên quan đến chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, quận 7 đề xuất điều chỉnh quy hoạch các cảng dọc sông gồm: cảng Gas (2 ha), cảng Vict (18 ha), cảng Bến Nghé (23,3 ha), cảng Tân Thuận (40 ha), cảng rau quả (5,6 ha) trên địa bàn P.Tân Thuận Đông thành y tế, giáo dục, nhà ở; cảng Lotus (16,8 ha ở P.Tân Thuận Đông) thành khu nhà ở cao tầng và thương mại dịch vụ.
Đối với cụm công nghiệp Phú Mỹ (49,7 ha), quận đề xuất chuyển sang chức năng đất hỗn hợp, phù hợp với định hướng phát triển đô thị y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ kết hợp du lịch.
Cụm công nghiệp này có đặc điểm phía tây giáp với đường Đào Trí và phía đông chạy dọc theo bờ sông Sài Gòn nên có thể bố trí nhà ở cao tầng ở phía bắc và chuyển quy mô thấp tầng chạy dài về phía nam. Cuối khu đất giáp với đường Hoàng Quốc Việt bố trí chức năng bệnh viện để phục vụ cho cư dân trong khu vực.
Với định hướng trên, quận 7 đề xuất bổ sung dân số đến năm 2030 tăng thêm 200.000 người. Theo quy hoạch, dân số năm 2010 của quận là 267.000 người, năm 2020 là 424.000 người, tăng 157.000 dân trong 10 năm.
Với định hướng thành trung tâm dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao của khu vực phía Nam thành phố, UBND quận 7 tham khảo kinh nghiệm quốc tế và nhận thấy cần hình thành hệ sinh thái các trường học, đại học, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên cơ sở các nguồn quỹ đất phát triển, dự kiến khoảng trên 500 ha.
Hiện khu chế xuất Tân Thuận rộng khoảng 300 ha, hết hạn thuê đất vào tháng 9.2041, trong đó có khoảng 195 ha xây dựng nhà máy, nhà kho được cần chuyển đổi và di dời sớm do công năng sử dụng không còn phù hợp và đem lại nguồn thu ngân sách thấp, không tương xứng với quy mô diện tích, gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, UBND quận 7 cũng đề xuất điều chỉnh thành khu công nghệ cao xen kẽ đất ở và dịch vụ thương mại, kết nối khu đô thị Thủ Thiêm thành một quần thể đem lại lợi ích phát triển kinh tế và tạo điểm nhấn đối xứng với bờ sông Sài Gòn.
Theo UBND quận 7, việc điều chỉnh quy hoạch khu chế xuất Tân Thuận nhận được nhiều ý kiến đồng tình tại hội thảo.
Đồng quan điểm với đề xuất của quận 7, ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho rằng, khu chế xuất Tân Thuận với công nghệ cách đây 20 - 30 năm đã dần lạc hậu.
Do đó, xét trong mối quan hệ gần gũi của khu chế xuất này, có 2 yếu tố tác động, bao gồm: Khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị cảng Hiệp Phước. Bởi, khi cầu Thủ Thiêm 4 hình thành, khu chế xuất Tân Thuận có thể cùng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Thủ Thiêm với tư cách một trung tâm dịch vụ chất lượng cao nhằm thỏa mãn nhu cầu sống tốt ngày càng tăng.
Khi đó, các nhà máy thâm dụng lao động sẽ được chuyển dịch nhường chỗ cho các trường học, bệnh viện, nhà hát, trung tâm thương mại, khách sạn có chất lượng, đạt trình độ châu Á và thế giới. Các nhà máy này có thể dịch chuyển về các khu công nghiệp khác tại TP.HCM hoặc các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, mà gần nhất là khu công nghiệp Hiệp Phước.
Với lợi thế đó, ông Đua đề xuất nghiên cứu điều chỉnh chức năng khu chế xuất Tân Thuận sang dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, văn phòng làm việc, khách sạn, thương mại chất lượng cao làm “hậu cần” cho trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm.
>>Thay đổi chiến lược phòng dịch tại TP HCM: Lấy Huyện Củ Chi và Quận 7 làm thí điểm
… để quận 7 là điểm đến toàn cầu …
Phát biểu và nhận định tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, nhìn nhận: việc định vị quận 7 trong khu Nam, trong thành phố và kết nối vùng là rất quan trọng nhưng chưa đủ. Với vị trí thuận lợi cả đường bộ, đường thủy, ông Mãi đề nghị phân tích sâu, đặt trong bối cảnh không gian, sự phát triển rộng lớn hơn, nhất là hướng ra biển.
“TP.HCM là trung tâm giao thương quốc tế thì Q.7 phải làm sao tận dụng lợi thế sông nước để Q.7 là điểm đến toàn cầu” - ông Mãi đặt vấn đề.
Cũng theo ông Mãi, bên cạnh đó, quận 7 cần quan tâm đầu tư hạ tầng, xây dựng đô thị thông minh, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đủ sức thực hiện các mục tiêu, tạo không gian đa văn hóa, tích hợp tạo động lực cho sự phát triển, xây dựng chính quyền điện tử…
“TP.HCM đặt vấn đề với Trung ương để xin cơ chế đặc thù thì quận 7 phải nghĩ là mình đặc thù trong đặc thù. Tất nhiên là phải theo cái chung nhưng phải đi trước, phải vận dụng cách làm hiệu quả để có cơ chế thu hút không chỉ về tài chính, mà còn các điều kiện khác cho sự phát triển của quận” - ông Mãi nói.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Quy hoạch TP. Phú Quốc đến năm 2040
21:12, 24/06/2022
Tầm nhìn chiến lược của người làm quy hoạch
01:00, 23/06/2022
Hàng loạt nhà máy được quy hoạch ra sao sau di dời?
01:07, 24/06/2022
Đô thị tương lai “thách thức” quy hoạch: Tăng cường giám sát quy hoạch
17:05, 21/06/2022
Công bố 6 nội dung quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021-2030
11:30, 21/06/2022
Tìm hướng quy hoạch ngành du lịch Quảng Nam
03:00, 20/06/2022
“Đại phẫu” tư duy quy hoạch
11:00, 19/06/2022
Không tuỳ tiện điều chỉnh quy hoạch
11:11, 18/06/2022