Đà Nẵng sẽ định hình phát triển logictics như thế nào?
TP. Đà Nẵng đang định hình phát triển công nghiệp gắn với logictics để trở thành đầu mối vận chuyển của miền Trung- Tây Nguyên cũng như là đường ra biển của hành lang kinh tế Đông- Tây.
>> Đà Nẵng: Phương án nào cho cảng Liên Chiểu?
Ông Đặng Nam Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng, cho biết theo quy hoạch, đến năm 2030 tầm nhìn 2045, tổng diện tích quy hoạch ngành logictics của TP. Đà Nẵng là 229ha với 5 trung tâm logictics được bố trí tại các đầu mối giao thông khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Theo ông Sơn, các trung tâm logictics tập trung của Đà Nẵng bao gồm cảng Liên Chiểu (69ha), trung tâm logictics đường bộ Hòa Nhơn (54ha), trung tâm logictics đường sắt Hòa Liên (10ha), cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (8ha) và trung tâm logictics tại Khu công nghệ cao (20ha). Ngoài ra, ông Sơn cho hay Đà Nẵng dự kiến sẽ phát triển nhiều trung tâm logictics nhỏ lẻ và kho bãi để hỗ trợ các trung tâm logictics tập trung và phân phối hàng hóa cho thành phố cùng các vùng lân cận với diện tích 65ha vào năm 2045.
“Thành phố sẽ xây dựng hệ thống giao thông kết nối với các trung tâm logictics với các trục giao thông chính Bắc- Nam. Về cảng biển, Đà Nẵng sẽ phát triển Cảng Liên Chiểu thành cảng hàng hóa container gắn với tổ chức không gian đô thị tại khu vực và chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, bến du thuyển, quân sự, đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển hàng hóa, container”, ông Đặng Nam Sơn thông tin.
Được biết, Cảng biển Liên Chiểu được quy hoạch có thể đón tàu lớn nhất thế giới 200.000DWT (18.000 Teu). Đây là dự án quy mô, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logictics lớn nhất miền Trung – Tây Nguyên và thu hút được nguồn hàng lớn từ hành lang kinh tế Đông – Tây.
Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết hiện nay đang phát triển trên 3 lĩnh vực du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, địa phương chú trọng 1 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn đó là cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logictics.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để thực hiện mục tiêu nói trên, TP. Đà Nẵng cần có giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của việc xây dựng cảng Liên Chiểu đối với các khu du lịch đã được quy hoạch ở khu vực Tây Bắc như Xuân Thiều, Nam Ô, Làng Vân… do ô nhiễm tiếng ồn, không khí. Ngoài ra, Cảng Liên Chiểu không chỉ là vùng đệm thu hút hàng hóa trong nước, mà còn trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc gia. Chính vì vậy, Cảng Liên Chiểu sẽ không tránh được việc cạnh tranh khốc liệt với các cảng biển của các tỉnh lân cận như cảng Chu Lai (Quảng Nam), cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế). Bởi vậy, Đà Nẵng cần nâng cao chất lượng dịch vụ, giá cả vì lợi ích của khách hàng.
Có thể bạn quan tâm