Ngôi nhà chung của doanh nghiệp Đắk Nông
Những hoạt động của Hiệp hội thời gian qua đã trở thành cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Đó là chia sẻ của ông Ngô Tùng Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông với Diễn đàn Doanh nghiệp.
>>Đắk Nông khát vọng đón các nhà đầu tư
- Thưa ông với vai trò là cầu nối, kết nối các doanh nghiệp Đắk Nông trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng, thời gian qua Hiệp hội đã thực hiện công tác này như thế nào?
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông đã, đang ngày càng phát huy vai trò là cầu nối gắn kết giữa các doanh nghiệp, cũng như giữa chính quyền với doanh nghiệp. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã chủ động trao đổi với các doanh nghiệp hội viên để nắm bắt tình hình... Nhiều khó khăn của doanh nghiệp đã được Hiệp hội phản ánh, kiến nghị, đề xuất đến lãnh đạo tỉnh và sở, ngành liên quan được giải quyết kip thời.
Hiệp hội đã thường xuyên phối hợp với các sở, ngành và địa phương trong tỉnh tổ chức chương trình “Café doanh nhân”, tạo diễn đàn để các doanh nghiệp trực tiếp nói lên những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Nhiều ý kiến cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biển pháp luật là nhiệm vụ không hề đơn giản. Vậy ở Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông công tác này được thực hiện ra sao, thưa ông?
Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được Hiệp hội triển khai thường xuyên, và là một trong những hoạt động quan trọng được Ban Thường trực Hiệp hội đặc biệt quan tâm. Các doanh nghiệp Đắk Nông phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên trình độ năng lực quản lý và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nên trong những năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật luôn là một trong những nhiệm vụ được Hiệp hội quan tâm hàng đầu. Hiệp hội thường xuyên cập nhật, lựa chọn những nội dung pháp luật để thông tin, tuyên truyền bảo đảm yêu cầu thiết thực, phù hợp. Việc tuyên truyền cũng được thực hiện dưới nhiều hình thức, như: đăng trên các kênh thông tin của Hiệp hội như Website, zalo… để các doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đã thành lập Ban hỗ trợ pháp lý để giải quyết các yêu cầu thắc mắc, khiếu nại liên quan tới pháp luật của doanh nghiệp. Hiệp hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: tổ chức hội nghị/tọa đàm/hội nghị đối thoại, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật…
- Ông nhìn nhận thế nào về các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua?
Thời gian qua, Ðắk Nông đã tập trung mọi nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển thân thiện và hiệu quả trong thu hút đầu tư. Các cấp, các ngành đã đẩy manh cải cách hành chính, ban hành các chính sách phù hợp với thực tiễn, các chính sách ưu đãi về đầu tư như: đất đai, tín dụng, cơ sở hạ tầng…; xây dựng qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và qui hoạch các ngành, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng … Đặc biệt, năm 2021, Chỉ số PCI tỉnh Đắk Nông tăng 8 bậc so với năm 2020. Điều này cho thấy, các cấp chính quyền Đắk Nông đã rất quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư đến với Đắk Nông.
Hy vọng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh Đắk Nông ngày càng khởi sắc, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
- Vậy, đối với hoạt động khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn thời gian qua thì sao, thưa ông?
Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông liên tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thông qua nhiều chủ trương chính sách khuyến khích nâng cao nhận thức và tinh thần khởi nghiệp trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên và doanh nghiệp trẻ. Qua 2 năm triển khai cuộc thi khởi nghiệp đã có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ quan tâm và có nhiều dự án khởi nghiệp rất thành công, nhất là các dự án kinh doanh nông sản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông sản và đưa sản phẩm tỉnh Đắk Nông lên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Theo thống kê của Cục Thống kê tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện nay có 2.225 doanh nghiệp đang hoạt động. So với thời điểm năm 2016, đến nay toàn tỉnh đã tăng thêm 755 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đang không ngừng nỗ lực, tìm tòi, ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất vào sản xuất để xây dựng thương hiệu, tạo việc làm cho người lao động. Sản phẩm của doanh nghiệp Đắk Nông hiện nay không chỉ có thương hiệu trong tỉnh, trong nước mà còn sẵn sàng trên đà hội nhập, chinh phục thị trường quốc tế. Trong đó, nhiều sản phẩm có sức ảnh hưởng cao và khả năng cạnh tranh trên thương trường như: alumin, mắc ca, gạo Buôn Choáh, hạt điều, cà phê...
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm