Hà Tĩnh: Chính quyền “bất lực” với sạt lở bờ sông
Hàng chục héc ta đất sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở bờ sông đoạn qua huyện Cẩm Xuyên và Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Sông Lam đoạn chảy qua địa phận xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân) đều có hiện tượng sạt lở bờ sông với hàng loạt điểm xung yếu.
>>Hà Tĩnh: Những “đống sắt khổng lồ” tại nhà máy tuyển quặng 158 tỷ đồng
Nguy cơ mất đất sản xuất
Ông Nguyễn Văn Tình (xã Xuân Lam) cho biết: Trước đây, ruộng của người dân nằm cách mép bờ sông hiện tại hàng chục mét. Do tình trạng sạt lở bờ sông nên diện tích đất sản xuất bị thu hẹp dần, nhất là sau mỗi đợt mưa bão”.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, bờ sông Lam đoạn qua xã Xuân Lam bị “nuốt chửng” từ 5 – 7m với chiều dài khoảng 1,5km, xoá sổ nhiều héc ta đất sản xuất. Những năm có lũ lụt lớn đã thu hẹp đất sản xuất của khoảng 50 - 60 hộ dân các thôn 1, 2, 3. Mặc dù vậy, nơi đây chưa có bờ kè chống sạt lở.
Tại huyện Cẩm Xuyên, hai bên bờ sông Rác đoạn chảy qua xã Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên) cũng xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, vào tháng 10/2021, hồ chứa nước Sông Rác điều tiết nước để xả lũ khiến hai bên bờ sông Rác bị sạt lở nhiều hơn. Tình trạng sạt lở đã đe doạ nhiều diện tích đất nông nghiệp tại thôn Lạc Thọ và đất ở của người dân thôn Hà Văn (xã Cẩm Lạc).
Hàng năm, cây cối và nhiều khối đất lớn dọc bờ sông bị cuốn trôi xuống lòng sông Rác. Dù chính quyền địa phương đặt biển cảnh báo người dân, nhưng tình trạng này không được xử lý dứt điểm, khiến người dân không khỏi lo lắng.
Chưa có kinh phí để khắc phục
Trước sự mất an toàn do sạt lở bờ sông Rác ở thôn Hà Văn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho huyện Cẩm Xuyên triển khai dự án xây dựng bờ kè dài hơn 500m ở thôn Hà Văn nhằm bảo vệ đất sản xuất, đất vườn, nhà ở cho các hộ dân thôn này. Tổng nguồn vốn đầu tư hơn 13,8 tỷ đồng. Riêng tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến đất nông nghiệp tại cánh đồng Tùng thuộc thôn Lạc Thọ, hiện vẫn chưa có giải pháp khắc phục.
Ông Võ Kim Diệp, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc cho biết: “Cánh đồng Tùng (thôn Lạc Thọ) có khoảng 20ha đất sản xuất nông nghiệp. Mùa mưa lũ năm 2021 tình trạng sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn với 3 điểm, mỗi điểm dài khoảng 100m, sâu 25 – 30m. Do nền đất khá yếu nên khi nước sông chảy mạnh, cuốn trôi phần đất cát dẫn tới việc sạt lở”.
Cũng theo ông Diệp, nếu không có biện pháp khắc phục hiệu quả thì nguy cơ bờ sông Rác “nuốt” đất sản xuất luôn hiện hữu và trở thành nỗi bất an cho người dân, nhất là khi mùa mưa lũ năm nay đang đến gần. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng sạt lở như hiện nay cần nguồn kinh phí rất lớn, ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng trong khi nguồn ngân sách của địa phương hạn hẹp. Hiện địa phương đã kiến nghị lên cấp trên để sớm có phương án xử lý.
Được biết, tỉnh Hà Tĩnh đã lập kế hoạch thực hiện đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 với kinh phí dự kiến 715 tỉ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã đề nghị Chính phủ có chương trình hỗ trợ ngân sách chống sạt lở bờ sông, bờ biển để hỗ trợ thêm để xử lý các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với kinh phí ước tính 250 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch này chưa được thực hiện.
Trao đổi với phóng viên DĐDN, ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, trước mắt huyện đang lên phương án di dời 5 hộ dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở tại xã Cẩm Lạc. Còn khắc phục tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến đất sản xuất, Huyện sẽ tiếp tục bàn phương án…
Có thể bạn quan tâm