Bình Dương tạo niềm tin cho doanh nghiệp

THÙY LINH 14/07/2022 17:20

Bình Dương đã tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính… tạo lòng tin, phấn khởi cho doanh nghiệp.

>> Bình Dương đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng PCI năm 2021

Kinh tế từng bước phục hồi tích cực

Báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương cho biết, 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Trong số 34 chỉ tiêu kinh tế - xã hội - môi trường - đô thị chủ yếu; đến nay đã có 13/34 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm; các chỉ tiêu còn lại đều duy trì mức tăng ổn định. UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, có giải pháp cụ thể trong từng tháng, từng quý trong 6 tháng cuối năm để phấn đấu hoàn thành 34/34 chỉ tiêu đã đề ra.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham quan mô hình KCN VSIP III

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham quan mô hình KCN VSIP III.

Theo ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, kinh tế từng bước phục hồi tích cực qua từng tháng, từng quý, tăng trưởng GRDP quý I ước tăng 5,3%, quý II tăng 8,35% so với cùng kỳ. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực, đóng góp chính vào mức tăng trưởng chung. Hầu hết các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí sôi động trở lại; sản xuất nông nghiệp ổn định, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Hàng hóa được cung ứng đảm bảo nhu cầu của người dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, phòng, chống dịch; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát; nguồn cung và dự trữ xăng dầu trong tỉnh được bảo đảm.

Các thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông phục hồi mạnh mẽ nên kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19 tỷ 181 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12 tỷ 792 triệu USD; duy trì thặng dư thương mại gần 6,4 tỷ USD.

Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế được tăng lên. Số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp tái gia nhập thị trường tăng trong khi số doanh nghiệp giải thể giảm 37,5% so với cùng kỳ 2021. Thu hút đầu tư nước ngoài 2 tỷ 527 triệu USD (đạt 140% kế hoạch, tăng 91% so với cùng kỳ 2021), gồm 30 dự án mới (1 tỷ 787 triệu USD), 12 dự án điều chỉnh tăng vốn (16 triệu USD), 82 dự án góp vốn (724 triệu USD). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.053 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 39,56 tỷ USD. UBND tỉnh đã tổ chức động thổ Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III; đang triển khai đề án điều chỉnh đối với Khu công nghiệp Bàu Bàng và Cây Trường.

Triển khai nhiều công trình trọng điểm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên các ngành, lĩnh vực; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, tạo lòng tin, phấn khởi cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Lễ cắt băng khánh thành Khu 2, NOXH Định Hòa

Lễ cắt băng khánh thành Khu 2, NOXH Định Hòa.

Nhiều chính sách dài hơi tạo động lực phát triển cho tỉnh được gấp rút hoàn thành: Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phương án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung của các thị xã, thành phố, quy hoạch vùng của cấp huyện để tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

Cùng với đó, UBND cấp huyện, cấp xã đang triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng cấp xã, quy hoạch phân khu các khu chức năng trong đô thị, quy hoạch chi tiết các khu vực tái định cư để làm cơ sở phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Đồng thời phối hợp nghiên cứu, triển khai các dự án giao thông kết nối, liên kết vùng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện, nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị hài hoà, hợp lý để khai thác lợi thế của các sông Sài Gòn, Đồng Nai, dọc các tuyến đường trọng điểm... Bình Dương cũng tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; xúc tiến thủ tục đầu tư các dự án: đường Mỹ Phước - Tân Vạn, mở rộng Quốc lộ 13 và các nút giao, nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1…

10 nhiệm vụ trọng tâm

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, dự báo 6 tháng cuối năm 2022, tuy dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng còn diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, lạm phát tiếp tục ở mức cao, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu còn nhiều khó khăn, xung đột tại Ukraire có thể kéo dài tiềm ẩn nhiều rủi ro tác động đến Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.

Thành phố mới Bình Dương

Thành phố mới Bình Dương.

Để đạt và vượt các mục tiêu đề ra của năm 2022, tỉnh tập trung vào 10 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai kịp thời, đầy đủ các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động để tác động mạnh mẽ hơn nữa quá trình phục hồi sản xuất - kinh doanh sau đại dịch; triển khai nhanh, hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất. Phát triển mô hình liên kết các thành phần kinh tế từ sản xuất đến tiêu thụ; quan tâm xúc tiến, giới thiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thu, chi ngân sách. Khai thác tốt các nguồn thu, nhất là tăng thu từ nguồn lực đất đai để bổ sung đủ nhu cầu vốn đầu tư các dự án trọng điểm; chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, không tăng chi thường xuyên ngoài dự toán. Phân tích, đánh giá các hạn chế, yếu kém trong điều hành giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch, xác định đây là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm.

Đối với công tác quy hoạch tỉnh, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, phương án phân bổ đất đai; thường xuyên rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển các khu đô thị để tạo không gian phát triển mới và tạo nguồn thu phục vụ cho đầu tư hạ tầng.

Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất của hộ gia đình, doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân; chủ động nghiên cứu, đề xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.

Triển khai thực hiện các dự án có tác động liên vùng như: Vành đai 3, 4, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua địa bàn tỉnh. Phối hợp các địa phương thực hiện các dự án cầu Bạch Đằng 2 nối tỉnh Đồng Nai - Bình Dương; nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên sông Sài Gòn và các dự án giao thông quan trọng nội tỉnh như: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, nút giao thông Phước Kiến, cầu vượt Sóng Thần, kết nối với đường Phạm Văn Đồng, TP. Hồ Chí Minh.

Hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển ngành Y tế tỉnh năm 2030; Hoàn thiện Đề án "Củng cố, tăng cường, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của ngành Giáo dục tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"...

Tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng thể chế trên các ngành, lĩnh vực tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp; trước mắt là rà soát bổ sung, sửa đổi, xây dựng một số chính sách, biện pháp có tính chất đặc thù như quy trình, thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đơn giá bồi thường, hỗ trợ tài sản khi Nhà nước thu hồi đất; thu hút nguồn lao động, phát triển công nghiệp, đô thị, tiêu chí thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh, chính sách an sinh xã hội….

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyển đổi số là yếu tố cốt lõi để Bình Dương phát triển bền vững

    Chuyển đổi số là yếu tố cốt lõi để Bình Dương phát triển bền vững

    20:00, 19/04/2022

  • Bình Dương chính thức vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh

    Bình Dương chính thức vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh

    12:01, 19/04/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bình Dương phát triển hạ tầng số, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bình Dương phát triển hạ tầng số, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu

    20:05, 04/04/2022

THÙY LINH