Hải Phòng: Đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá để ngành thủy sản phát triển bền vững
Với khoảng 1.000 tàu khai thác, đánh bắt thủy sản, tuy nhiên cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nghề cá, nhất là hệ thống cảng cá và khu neo đậu tại Hải Phòng lại chưa theo kịp sự phát triển.
>>>Cảng Hải Phòng đưa hệ thống quản lý thông minh vào sản xuất
Bồi lắng…
Cảng cá Ngọc Hải (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) được biết đến là nơi neo đậu, tránh bão của không chỉ tàu cá trên địa bàn TP Hải Phòng mà còn của các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, sau gần 20 năm đưa vào khai thác, luồng vào cảng Ngọc Hải bị đất, cát sa bồi nghiêm trọng, gây khó khăn lớn đối với các tàu, thuyền ra vào trao đổi hàng hoá và tránh trú bão.
Ông Lưu Đình Dũng – Chủ tàu đánh cá lâu năm tại phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, do luồng lạch bị sa bồi nên khi biển động, gió bão, nếu thuỷ triều xuống thấp thì tàu bè ra vào khó khăn, ảnh hưởng đến việc tránh trú bão của các phương tiện.
Theo ban quản lý cảng cá, bến cá thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, do luồng cảng cá Ngọc Hải sa bồi nghiêm trọng, tàu thuyền ra vào rất khó khăn. Bởi vậy, cùng lúc bến không đáp ứng hết nhu cầu của tất cả tàu thuyền mà bắt buộc các phương tiện phải thay phiên ra, vào cảng. Khi thủy triều rút, hầu hết tàu nằm bệt trên bùn. Vì vậy, các tàu canh thuỷ triều lên to thì mới xuất bến được.
Còn tại khu đậu tàu thuyền Mắt Rồng, xã Lập Lễ, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng, những ngày đầu tháng 7, khi cơn bão số 1 xuất hiện, các tàu cá được thông báo, gọi về để tránh bão khá nhiều. Tuy nhiên, âu tàu nhỏ hẹp, bị xa bờ do không được nạo vét thường xuyên nên chỉ đáp ứng được khoảng hơn một nửa số tàu thuyền của ngư dân.
Theo ông Vũ Văn Cư - Trưởng Liên tập đoàn đánh cá Nam Triệu cho biết, liên tập đoàn có 500 phương tiện đánh bắt thủy sản có công suất máy từ 40 CV trở lên. Mỗi khi có mưa bão hoặc kết thúc chuyến ra khơi, nhiều ngư dân phải đưa phương tiện về neo tại cảng cảng Ngọc Hải (quận Đồ Sơn); Quán Chánh (huyện Kiến Thụy); Trân Châu (huyện Cát Hải) do luồng vào khu vực neo đậu Mắt Rồng bị sa bồi khá nhiều.
Đi tìm giải pháp
TP Hải Phòng hiện có khoảng 1000 tàu khai thác, đánh bắt thủy sản, trong đó, số lượng tàu thuyền có công suất lớn được ngư dân đầu tư đóng mới tăng nhanh. Tuy nhiên, do hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng yêu cầu, luồng vào các cảng và khu neo đậu bị sa bồi nên các bến cá, khu neo gặp nhiều khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc hải sản. Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bến cá diễn ra lâu nay nhưng chưa được quan tâm xử lý triệt để.
>>>Hải Phòng - Thái Bình: Cần bố trí đủ vốn cho dự án tuyến đường bộ ven biển
>>>Hải Phòng và những công trình kết nối vùng
Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, TP Hải Phòng được quy hoạch các cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá gồm cảng cá: Ngọc Hải, Trân Châu, Bạch Long Vĩ, Hạ Long (cảng cá Hạ Long, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền) và khu neo đậu: Mắt Rồng, Đông Xuân, Quán Chánh, Vạn Hương, Thuỷ Giang, Nam Hải, cửa sông Văn Úc.
Tuy nhiên, những năm qua, kinh phí đầu tư cảng cá và khu neo đậu còn hạn chế. Ngoài cảng cá Trân Trâu được đầu tư quy mô gần 300 tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu cấp bách chuyển toàn bộ hoạt động cảng cá Cát Bà về cảng Trân Châu thì hầu như các cảng cá và khu neo đậu chưa được đầu tư xứng tầm.
Theo ông Phù Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát cảng cá, khu neo đậu cá để triển khai dự án "Phát triển thuỷ sản bền vững", kịp thời bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng nghề cá. Do vậy, TP Hải Phòng cần nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch chung, nhất là quy hoạch cảng cá, khu neo đạu để tranh thủ nguồn lực đầu tư từ Trung ương để đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá theo hướng công nghiệp, hiện đại.
Được biết, TP Hải Phòng đã quy hoạch diện tích hơn 83ha xây dựng trung tâm trên tại xã Lập Lễ, huyện Thuỷ Nguyên. Đồng thời, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với mức kinh phí dự kiến 1.368 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thuỷ sản trung tâm trên; sớm đưa vào kế hoạch đầu tư công giao đoạn 2021-2025, đầu tư dự án nâng cấp cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá phía Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ thành cảng cá loại 1 và khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng.
Trước đó, vào năm 2020, TP Hải Phòng cũng đã công bố mở cảng cá Ngọc Hải và cảng cá Trân Châu. Theo đó, cảng cá Trân Châu thuộc cảng cá loại II có độ sâu của luồng từ 3,5m đến 5,0m; chiều dài cầu cảng 684,5m; tàu có công suất 600CV có thể cập cảng, năng lực bốc dỡ hàng hóa tại cảng là 24.000 tấn/năm.
Còn đối với cảng cá Ngọc Hải quận Đồ Sơn thuộc cảng cá loại II có độ sâu của luồng từ 1,0m đến 2,0m; chiều dài cầu cảng 280m; tàu có công suất dưới 400CV có thể cập cảng; năng lực bốc dỡ hàng hóa 9.000 tấn/năm.
Theo thiết kế, cảng cá Trân Châu và cảng cá Ngọc Hải có các dịch vụ cầu cảng, bến bãi, bốc xếp, phân loại, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, xếp dỡ và vận chuyển thủy sản sau thu hoạch. Dịch vụ kinh doanh xăng dầu, nước ngọt; sản xuất đá lạnh, kho lạnh; cung ứng lương thực, thực phẩm, điện lưới, vật tư, ngư cụ và các nhu yếu phẩm khác cho hoạt động nghề cá. Cung cấp dịch vụ gia công, sửa chữa ngư lưới cụ, đóng mới, sửa chữa tàu cá, cơ khí, trang thiết bị hàng hải, máy tàu… Dịch vụ ăn uống, giải khát và sinh hoạt cho thuyền viên.
Thực hiện các hoạt động liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác để thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá theo quy định của pháp luật. Tham gia cứu hộ, cứu nạn cho tàu cá. Bảo vệ tàu thuyền khi cập cảng xếp dỡ vận chuyển sản phẩm thủy sản và neo đậu tránh trú bão. Các dịch vụ hậu cần nghề cá khác được pháp luật cho phép.
Với việc đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng nghề cá, nhu cầu về cảng cá, bến cập phục vụ đánh bắt thuỷ, hải sản trên địa bàn TP Hải Phòng và các địa phương lân cận sẽ sớm được đáp ứng. Điều này không chỉ góp phần quan trọng trong việc gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) mà còn tạo ra được nền tảng cho phát triển bền vững ngành thủy sản.
Có thể bạn quan tâm