Bản quyền giống thanh long LD1 Kỳ III: Chuyên gia nói gì?

NGUYỄN HÙNG thực hiện 27/07/2022 13:02

Công ty Hoàng Phát Fruits đang nắm giữ bản quyền bảo hộ giống thanh long LD1, nhưng vẫn để cho bà con nông dân sản xuất. Tuy nhiên, chưa khẳng định được về lâu dài tình hình sẽ như thế nào?

>>Độc quyền giống thanh long LD1 Kỳ II: Có nên mua lại bản quyền?

Phóng viên DĐDN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hải Vân – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xung quanh vấn đề này.

- Ông nhận định như thế nào về những thông tin xoay quanh vụ việc độc quyền giống thanh long LD1 tại Long An vừa qua? Theo ông, doanh nghiệp có vi phạm quy định của Luật sở hữu trí tuệ?

Có thể nói, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế toàn cầu thì việc các doanh nghiệp quan tâm đến hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, do xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, là lẽ hiển nhiên. Và đây là việc nên làm để tránh những rủi ro không đáng có.

Việc Công ty Hoàng Phát Fruits đăng ký bảo hộ bản quyền giống thành long LD1 được thực hiện đúng theo Luật sở hữu trí tuệ, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người có công lai tạo giống mới. Do đó, Công ty Hoàng Phát Fruit có quyền sở hữu giống thành long LD1.

Việc bảo hộ giống thanh long LD1 nói riêng và giống cây trồng nói chung là xu thế tất yếu để tiếp cận thị trường quốc tế. Việc bảo hộ quyền sở hữu giống thanh long LD1 của doanh nghiệp chỉ thực hiện khi xuất khẩu ra nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc), các thị trường khác không đòi hỏi bản quyền. Do đó, việc bảo hộ này yêu cầu phải trả tiền tác giả là đúng theo luật pháp, đồng thời việc bảo hộ này được khuyến khích nhằm tránh việc bảo hộ giống thanh long này rơi vào quyền sở hữu của nước ngoài sẽ gây thêm khó khăn cho chính doanh nghiệp và cho bà con nông dân về tương lai.

 Việc bảo hộ quyền sở hữu giống thanh long LD1 áp dụng với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Việc bảo hộ quyền sở hữu giống thanh long LD1 áp dụng với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

- Vậy, các điều kiện bắt buộc khi tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng là gì? Trong trường hợp này, Nhà nước có nên mua lại bản quyền để tránh hiện tượng độc quyền và tranh chấp xảy ra, thưa ông?

Theo quy định tại Điều 164 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 và 2019, các tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng, bao gồm: Tác giả trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng bằng công sức và chi phí của mình; Tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; Tổ chức, cá nhân được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng.

Do đó, trong trường hợp giống thanh long ruột đỏ LD1, Nhà nước chỉ nên mua lại giống cây trồng khi giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển do sử dụng ngân sách Nhà nước hoặc từ dự án do Nhà nước quản lý.

Được biết, dự án thanh long LD1 do Viện nghiên cứu cây trồng miền Nam phát triển bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, Viện này có quyền thương mại hóa giống cây này thông qua hợp đồng chuyển giao, cụ thể ở đây là Công ty Hoàng Phát Fruit. Do đó, quyền sở hữu trí tuệ đối với giống thanh long LD1 được xác lập cho Công ty Hoàng Phát Fruit, trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định.

Hiện nay, Công ty Hoàng Phát Fruits đang nắm giữ bản quyền bảo hộ giống nhưng vẫn để cho bà con nông dân sản xuất. Công ty Hoàng Phát Fruit chỉ thu phí bản quyền giống thanh long LD1 khi xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó, việc Nhà nước mua lại bản quyền giống thanh long LD1 là không cần thiết, trừ khi Công ty Hoàng Phát Fruits không cho bà con nông dân sản xuất thanh long LD1.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Xây dựng hệ sinh thái cho thanh long

    Xây dựng hệ sinh thái cho thanh long

    11:00, 28/02/2022

  • Giải cứu thanh long: Không thể trông chờ vào một thị trường

    Giải cứu thanh long: Không thể trông chờ vào một thị trường

    15:59, 22/02/2022

  • Bộ Công Thương đề nghị gỡ khó cho tiêu thụ thanh long

    Bộ Công Thương đề nghị gỡ khó cho tiêu thụ thanh long

    02:30, 11/01/2022

NGUYỄN HÙNG thực hiện