Thái Bình đẩy mạnh hạ tầng giao thông kết nối vùng
Nhận thức rõ tầm quan trọng của hạ tầng giao thông trong kết nối vùng, nhất là khu kinh tế Thái Bình đang được triển khai thực hiện.
>>“Sức bật” nào cho kinh tế Thái Bình?
Thái Bình đang ưu tiên mọi nguồn lực để gấp rút triển khai hoàn thiện nhiều hạng mục giao thông quan trọng.
Ông Vũ Xuân Thành, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Bình cho biết: Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình có chiều dài trên 34km, đi qua 19 xã thuộc huyện Thái Thụy và Tiền Hải đã hoàn thành được trên 60% khối lượng. Khi hoàn thành sẽ kết nối khu kinh tế Thái Bình với các vùng kinh tế trọng điểm thuộc hành lang phía đông nam của cả nước.
Bên cạnh đó nhiều dự án giao thông đối nội, đối ngoại trong khu kinh tế Thái Bình, các dự án kết nối Thái Bình với các tỉnh trong khu vực cũng đã được gia tăng mật độ và đang được gấp rút triển khai như dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 37, tuyến đường từ Thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn.
Đặc biệt, Thái Bình đang phối hợp với các Bộ, ngành trung ương và các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ để giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng với tổng chiều dài tuyến khoảng 80 km, rộng 6 làn xe.
Chưa bao giờ Thái Bình được hưởng lợi từ nhiều dự án giao thông quan trọng như hiện nay. Các dự án giao thông sau khi được hoàn thành sẽ kết nối Thái Bình với sân bay, cảng biển, tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế tỉnh Thái Bình nói riêng và khu vực phía nam Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ nói chung.
Nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư vào các Khu công nghiệp
Nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn có chất lượng và các Khu công nghiệp, đặc biệt là Khu công nghiệp Liên Hà Thái trong Khu kinh tế Thái Bình, ngoài những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của tỉnh, nhà đầu tư còn được hưởng nhiều cơ chế hỗ trợ từ nhà đầu tư hạ tầng Công ty Cổ phần Green i-Park.
Trưởng ban - Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình - Phạm Tùng Lâmcho biết: Theo chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh, các nhà đầu tư có dự án đầu tư vào KCN Liên Hà Thái sẽ được hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó miễn 100% tiền thuế trong 4 năm đầu; miễn toàn bộ thuế xuất nhập khẩu hàng hóa, vật tư để thực hiện dự án và trong 5 năm đầu sản xuất. Nhà đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào; hỗ trợ san lấp mặt bằng; hỗ trợ xây dựng trạm xử lý nước thải; hỗ trợ xây dựng và kinh doanh nhà xưởng; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xúc tiến thương mại và các thủ tục hành chính về đầu tư.
Ngoài ra, các nhà đầu tư thứ cấp còn được Công ty Cổ phần Green i-Park hỗ trợ miễn phí thực hiện các thủ tục dự án: chủ trương đầu tư, hồ sơ quy hoạch tỷ lệ 1/500; hồ sơ thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường ĐTM; giấy phép xây dựng. Nhà đầu tư hạ tầng cũng tích cực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, san nền để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư đúng hạn thực hiện dự án theo tiến độ đã đề ra.
Lựa chọn nhà đầu tư
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định: “Với nhiều chính sách ưu đãi, Thái Bình đang tăng cường đổi mới các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, đưa nhiều tập đoàn thương hiệu mạnh trong và ngoài nước dừng chân tại đây, tạo “sức bật” cho nền kinh tế”.
>>Tạo “đường băng” cho Thái Bình “cất cánh”
Thái Bình đang có chủ trương mở rộng quy hoạch theo hướng lấn biển. Do đó, theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình sẽ có một số phân khu chức năng có diện tích lớn, quy hoạch nằm ngoài đê biển hiện hữu theo định hướng lấn biển nhằm mở rộng quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội.
Các khu bao gồm: Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Thái Thượng và Cảng Diêm Điền, huyện Thái Thụy Thụy ( khoảng 1.000 ha); Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hoàng Long, huyện Tiền Hải ( khoảng 800 ha); Khu phố biển Đồng Châu, huyện Tiền Hải ( khoảng 837 ha); Khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ, huyện Tiền Hải ( khoảng 3.450 ha).
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh thu hút được 05 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, phấn đấu thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư thứ cấp khoảng 5 tỷ USD, thu hút một số dự án lớn thuộc lĩnh vực đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch tại khu vực thị trấn Diêm Điền, Đông Minh, Cồn Đen, Cồn Vành... Đồng thời, hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc, tuyến đường bộ ven biểnkết nối với thành phố Hải Phòng, một số tuyến đường trục chính kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế. Đến năm 2030, hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình tương đối đồng bộ; mỗi năm thu hút đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD.
Hiện tại, công tác thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình đã có những kết quả bước đầu hiện thực hóa trên thực địa. Năm 2021, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 730 triệu USD, trong đó vốn FDI là 540 triệu USD, đưa Thái Bình vươn lên xếp thứ 15 cả nước về thu hút đầu tư FDI năm 2021. KCN Liên Hà Thái đã cơ bản hoàn thành GPMB, thực hiện song trùng vừa GPMB, vừa đầu tư xây dựng hạ tầng, vừa xúc tiến thu hút nhà đầu thứ cấp. Hiện tại, KCN này đã thu hút được 4 dự án thứ cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 440 triệu USD. Với kết quả nêu trên, KCN Liên Hà Thái sẽ sớm lấp đầy, tạo động lực cho phát triển Khu kinh tế Thái Bình.
>>> Thái Bình: Tập trung thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp
Ông Nguyễn Khắc Thận cho rằng, việc Thái Bình xác định việc lập quy hoạch, khoanh định quản lý, sử dụng không gian biển để lấn biển, tiến ra biển, phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ hết sức cần thiết và quan trọng; phù hợp với Nghị quyết Đại hội XX của tỉnh, cụ thể hóa kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 08/5/2022. Khu kinh tế Thái Bình sẽ tạo sự bứt phá, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Bình đã vào cuộc trong hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút những nhà đầu tư lớn là các tập đoàn kinh tế trong nước, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc... Năm 2021, Thái Bình đã thu hút được 08 dự án FDI, vốn đầu tư trên 545 triệu USD. Một số dự án có quy mô lớn đã được tiếp nhận trong năm đang triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2022 như: Dự án đầu tư nhà máy LOTES Thái Thụy Việt (120 triệu USD); Dự án nhà máy Greenworks (200 triệu USD); Dự án nhà máy sản xuất phụ kiện gia đình, phòng tắm, đèn chiếu sáng và đồ nội, ngoại thất của Công ty Jeanson Industrial Limited tại KCN Tiền Hải, (75 triệu USD),...
Những dự án này sẽ tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế xã hội, thu hút lao động tại địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện thu ngân sách. Từ đó tạo sức bật cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 93 về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình”. Trong bối cảnh Thái Bình đang nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, chủ trương này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân" - Ông Thận nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Cộng đồng doanh nghiệp có đóng góp lớn trong tăng trưởng GRDP
04:40, 26/07/2022
Thái Bình "bắt tay" Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hợp tác đào tạo, cung ứng nhân lực
22:14, 16/07/2022
Thái Bình: Nỗ lực phục hồi ngành “công nghiệp không khói”
03:05, 14/07/2022
Thái Bình ra “tối hậu thư” cho nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
10:12, 06/07/2022
“Sức bật” nào cho kinh tế Thái Bình?
21:44, 08/07/2022