Tìm "lời giải" liên kết vùng ĐBSCL
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và logistics ĐBSCL để tăng cường liên kết vùng là vấn đề cấp bách.
>> 3 “điểm nghẽn” ĐBSCL
Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới. Và điều này hiển nhiên đồng nghĩa ĐBSCL là một vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước.
- ĐBSCL được đánh giá là khu vực rất tiềm năng nhưng lại vướng khá nhiều những hạn chế, đặc biệt thiếu hệ thống hạ tầng giao thông và các trung tâm logistics. Điều này đã và đang cản trở giao thương hàng hóa của vùng. Theo ông, cần có giải pháp gì để gỡ nút thắt này?
Hàng năm ĐBSCL có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn hàng hóa. Tuy nhiên, vùng này còn thiếu và yếu về hệ thống hạ tầng giao thông thuỷ, bộ; đồng thời cũng thiếu luôn các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container... Và một khi thiếu hệ thống kho và các cảng hệ thống cảng biển để phục vụ cho tàu vận chuyển container xuất khẩu, thì rõ ràng đây chính là những mặt hạn chế và yếu kém mà chúng ta phải đi tìm lời giải.
Hiện nay, hàng hóa nói chung và hàng nông sản nói riêng đang phải vận chuyển lên TP.HCM để xuất đi các nơi khác đã gây rất nhiều chi phí cho nông dân và doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê thì có tới 70% lượng hàng hóa này phải được vận chuyển đến các cảng lớn ở TP.HCM và cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu), khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40%, tùy theo từng chuyến, ảnh hưởng rất lớn đến sự cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Do đó, đây chính là vấn đề mà chúng ta phải bàn đến để đi tìm lời giải và cuối cùng phải có một đáp án chính xác để trả lời cho câu hỏi vì sao phải sớm liên kết vùng ĐBSCL?
- Vậy điều kiện cần và đủ để giải bài toán liên kết vùng này bao gồm những tiêu chí gì, thưa ông?
Trước tiên, việc các địa phương trong vùng phải hướng tới cái chung, trong đó cần tập trung tăng cường liên kết vùng một cách đi vào trọng tâm để tạo điều kiện thông thương hàng hóa, đặc biệt là nông sản là vấn đề cấp bách, để giúp kinh tế vùng phát triển nhanh hơn với những lợi thế sẵn có.
>> 6 giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương cần nâng cao chất lượng thực hiện các nội dung đã được đưa ra trong quy hoạch. Trong đó, tập trung vào quy hoạch phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông thuỷ, bộ, logistics toàn vùng, hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư trong hoạt động logistics, nhất là hoạt đồng đầu tư của các dự án. Đồng thời, tạo cơ chế cho nhà đầu tư; thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL giai đoạn 2022 - 2025; điều chỉnh việc phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; xúc tiến đầu tư theo hợp tác công-tư.
- Mấu chốt mà ông muốn nói ở đây là giải bài toán lưu thông cho nông sản ĐBSCL. Vậy cần phải sớm đồng bộ hạ tầng giao thông thuỷ, bộ và hệ thống logistics, thưa ông?
Đúng vậy, việc đẩy mạnh đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông thuỷ, bộ và những trung tâm logistics là yêu cầu cấp bách nhằm phục vụ hàng nông sản cho ĐBSCL với những dịch vụ chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng.
Do đó, việc tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản: Người nông dân - thương lái - nhà máy chế biến - doanh nghiệp thương mại - doanh nghiệp logistics và cuối cùng đến tay người tiêu dùng với chi phí rẻ nhất thì lúc đó mới chính thức thành công.
Tuy nhiên, sau khi đảm bảo những tiêu chí trên thì việc nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực logistics cũng rất cần thiết để làm động lực đẩy mạnh ứng dụng hiện đại hóa hoạt động sản xuất, chế biến theo chiều sâu.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm