Nghệ An: Lối đi nào cho hàng công nghiệp nông thôn?
Sản phẩm công nghiệp nông thôn đã được cấp giấy công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh nhưng sản phẩm trên đường đến với khách hàng còn nhiều gian nan...
Tạo động lực cho nhà sản xuất
84 sản phẩm của doanh nghiệp, nhà sản xuất đã tham gia chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ở Nghệ An năm 2022. Các sản phẩm phân thành các nhóm như sau: Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ gồm 9 sản phẩm như: gỗ mỹ nghệ, mây tre đan, dệt thổ cẩm…; nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống có 72 sản phẩm; nhóm sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí có 2 sản phẩm; nhóm các sản phẩm khác có 1 sản phẩm.
>>Tháo “vòng kim cô” cho nông nghiệp
Sau thời gian xét duyệt, đến ngày 31/5/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1481/QĐ-UBND công nhận 25 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2022.
Để được công nhận, sản phẩm của các doanh nghiệp phải đạt các tiêu chí: Doanh thu, đáp ứng được nhu cầu thị trường, các chỉ tiêu về kinh tế - kỹ thuật - xã hội; bảo đảm tính văn hóa, thẩm mỹ… Sản phẩm còn phải vượt qua các vòng được tuyển chọn ở 3 cấp: xã – huyện – tỉnh.
Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Nghệ An được tổ chức 2 năm một lần. Đây là một trong những nội dung của hoạt động của Chương trình khuyến công, nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Được biết, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh ở Nghệ An được tổ chức từ năm 2012. Đến nay, sau 5 kỳ bình chọn, cấp huyện công nhận 233 sản phẩm; cấp tỉnh 87 sản phẩm; cấp khu vực 15 sản phẩm và 11 sản phẩm quốc gia.
>>Liên kết cho vay theo chuỗi: Gỡ khó về vốn cho nông nghiệp
Ông Phạm Văn Hoá, Giám đốc Sở Công thương Nghệ An cho biết, những sản phẩm được UBND tỉnh công nhận có giá trị kinh tế cao, có tính kỹ thuật, mỹ thuật độc đáo, được thị trường chấp nhận. Tỉnh Nghệ An cũng khuyến khích các làng nghề chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tạo việc làm cho người dân.
Để hỗ trợ cho các nghệ nhân, làng nghề, thời gian tới, Nghệ An sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình khuyến công quốc gia và Chương trình khuyến công tỉnh Nghệ An, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn theo hướng bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch theo hướng công nghiệp, hiện đại. Qua đó, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phục hồi và thích ứng an toàn trong tình hình mới, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh.
Vẫn còn những “rào cản”
Trong năm 2021, từ quỹ khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An đã hỗ trợ 1 đề án, với kinh phí 300 triệu đồng hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất vật liệu xây dựng cho Công ty CP Thương mại kính Việt Đức (tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An).
Từ quỹ khuyến công Nghệ An được phê duyệt 4,5 tỷ đồng đã hỗ trợ 15 đề án máy móc thiết bị, tiên tiến, dây chuyền công nghệ vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ 3 đề án tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề ngắn hạn; 5 đề án tổ chức tập huấn, hội thảo; tham quan, khảo sát, mở rộng thị trường, học tập kinh nghiệm trong nước; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề cấp tỉnh, huyện…
>>Kinh tế nông nghiệp Quảng Trị - nhìn từ “chuỗi cung ứng ngắn”
Theo đánh giá của một số chuyên gia, không riêng gì ở Nghệ An mà các sản phẩm công nghiệp nông thôn ở những địa phương khác cần khắc phục những hạn chế trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như mẫu mã, bao bì. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, cổ động ở các địa phương chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều cơ sở không nắm được kế hoạch để tham gia.
Còn nữa, hiện nay, quy định mức thưởng bằng tiền cho mỗi sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được bình chọn từ Trung ương đến địa phương còn thấp hơn so với mức thưởng của các giải thưởng khác. Trong khi, kinh phí khuyến công hỗ trợ cho các cơ sở đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu còn chưa nhiều, nội dung mới tập trung vào hỗ trợ đổi mới ứng dụng khoa học, máy móc tiên tiến vào sản xuất; nội dung hỗ trợ xây dựng phòng trưng bày cho các sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia còn đang hạn chế.
Ngoài ra, quy mô hỗ trợ còn nhỏ, năm 2021, trong nguồn khuyến công quốc gia hỗ trợ, tính ra bình quân mỗi tỉnh chỉ có 1 tỷ đồng. Thêm đó, một số chính sách tạo sự lan toả của sản phẩm còn hạn chế, nhiều chính sách chưa phù hợp; cơ chế quản lý, chỉ đạo còn chồng chéo dẫn đến thiếu đồng bộ.
Theo tìm hiểu của PV, các sản phẩm công nghiệp nông thôn ở nhiều nơi đang đối mặt với không ít thách thức. Trước hết là sự cạnh tranh gay gắt từ các mặt hàng nhập khẩu. Đây là thách thức lớn khi các mặt hàng nhập khẩu thường có giá rẻ, mẫu mã bao bì đẹp.
Thách thức nữa là các chủ thể của sản phẩm công nghiệp nông thôn là một số doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi phương thức sản xuất, kinh doanh cũ và chưa dám đầu tư mạnh để nâng cấp sản phẩm. Ngoài ra, truyền thông về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thời gian qua còn hạn chế khiến cho nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn chưa chiếm được ưu thế so với các sản phẩm khác.
Có thể bạn quan tâm
Vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán nước thô ở Nghệ An: Vì sao bị đơn kháng cáo?
03:00, 17/09/2022
“Nóng” tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở Nghệ An, Hà Tĩnh
06:18, 14/09/2022
Nghệ An: "Hô biến” dự án chế biến gỗ thành xưởng gỗ băm?
13:30, 13/09/2022
Nghệ An: Nhan nhản sai phạm của Công ty CP Tân Hoàng Khang
00:06, 11/09/2022