Thái Nguyên: Cần những bước đi đột phá để nâng cao PCI
Để cải thiện và nâng cao các chỉ số PCI, chính quyền tỉnh Thái Nguyên xác định cần có những bước đi đột phá, dám nghĩ dám làm và hành động quyết liệt hơn từ các ngành, các cấp.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, thước đo quan trọng trong cải thiện chỉ số PCI chính là những chỉ số về thu hút đầu tư.
>>Thái Nguyên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
- Tình hình thu hút đầu tư các dự án FDI của Thái Nguyên thời gian qua đã thể hiện rõ nỗ lực cải cách của tỉnh, thưa ông?
Tính lũy kế đến hết tháng 9 năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 843 dự án đầu tư trong nước được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký khoảng 148.154 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư FDI: Thái Nguyên tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ những lợi thế sẵn có cùng với sự chỉ đạo cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cấp chất lượng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Trong 9 tháng năm 2022: Tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 19 lượt dự án với tổng số vốn đăng ký trên 1,52 tỷ USD. Trong đó, Tập đoàn Samsung đã tăng vốn đầu tư của dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên thêm 1,187 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 2,537 tỷ USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đang có 172 dự án FDI còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đăng ký đạt trên 10,3 tỷ USD.
- Ông có thể chia sẻ về những định hướng chiến lược và những cách làm hay của tỉnh trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Thái Nguyên?
Sức hút đầu tư của Thái Nguyên không chỉ nằm ở vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại mà còn đến từ quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của hệ thống chính trị trong tỉnh. Trong đó, yếu tố then chốt là việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, kịp thời hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, UBND tỉnh cũng thường xuyên tổ chức đối thoại với nhiều hình thức đa dạng như chương trình Trà - Cà phê doanh nhân với chủ đề “Đồng hành doanh nghiệp - Kết nối thành công”; Chương trình gặp mặt và tôn vinh “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân tiêu biểu”…
- Hiện Thái Nguyên đang đứng ở nhóm Khá trên Bảng xếp hạng PCI. Để nâng hạng hơn nữa, theo ông, tỉnh cần có những bước đi đột phá nào trong thời gian tới để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp?
Năm 2021, PCI của Thái Nguyên thuộc nhóm điều hành khá so với cả nước. Để cải thiện vị trí hơn nữa, tỉnh Thái Nguyên cần có những bước đi đột phá trong thời gian tới với các giải pháp sau:
Một là, các sở, ngành, địa phương căn cứ vào 10 chỉ số thành phần của PCI, liên quan đến trách nhiệm của sở, ngành, địa phương tự đánh giá, xem xét nhận định của doanh nghiệp đúng hay sai và đánh giá cả công tác cán bộ, đưa ra bằng được giải pháp khắc phục.
Hai là, tập trung thực hiện tốt các giải pháp cụ thể theo từng chỉ số thành phần của Bộ chỉ số PCI đã được giao theo Kế hoạch của UBND tỉnh và Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Ba là, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cấp chính quyền.
Bốn là, giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải nghiêm túc nhìn nhận những mặt hạn chế, dám nhận trách nhiệm và phải đưa ra giải pháp cụ thể để khắc phục cho được những yếu kém.
Năm là, Ban chỉ đạo PCI của tỉnh phối hợp UBND các huyện, thành phố tăng cường tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn. Các thành viên Ban chỉ đạo PCI của tỉnh trực tiếp đối thoại, tăng cường trao đổi tiếp xúc với các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp tại các địa phương.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm