Hải Dương: Tìm lời giải cho bài toán “xuất khẩu” trái cây
Hiện nay, một số loại trái cây của Hải Dương đã được cấp mã số vùng trồng để phục vụ cho việc xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều loại trái cây của tỉnh vẫn chưa thể xuất khẩu do còn nhiều hạn chế.
>>>Hải Dương hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động như thế nào?
Từ hạn chế…
Dù có tiềm năng nhưng nhiều loại trái cây của Hải Dương vẫn chưa thể xuất khẩu thành công do không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, sản lượng của một số nước. Hiện đã một số loại trái cây của tỉnh đã được cấp mã số vùng trồng để phục vụ cho việc xuất khẩu như: Vải và nhãn, tuy nhiên, còn lại các loại trái cây khác của tỉnh vẫn chưa thể xuất khẩu do còn nhiều hạn chế.
Theo lãnh đạo xã Bạch Đăng – Kinh Môn cho viết: Từ lâu địa phương đã nổi tiếng là vựa sản xuất thanh long lớn của tỉnh. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên diện tích thanh long ở đây không ngừng được mở rộng. Hiện toàn xã có hơn 60 ha trồng thanh long ruột đỏ. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành nông nghiệp và địa phương đã hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Trong đó có 11,5 ha trồng thanh long của HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng ở thôn Đại Uyên đã được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Australia, Mỹ và Trung Quốc.
Năm 2021, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã lấy mẫu quả thanh long tại đây để kiểm định chất lượng. Kết quả cho thấy thanh long ở đây bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu khi gần 800 hoạt chất đều ở ngưỡng cho phép, song thanh long vẫn chưa xuất khẩu được.
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng HTX cho biết: HTX đã phối hợp với Công ty CP Ameii Việt Nam mang trái thanh long đi chào hàng tại Singapore. Sau khi đạt được thỏa thuận với đối tác, Công ty CP Ameii đã đặt 20 tấn thanh long của HTX để chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu đầu tiên. Tuy nhiên, lô hàng này đã bị hủy ngay sau đó vì không đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Theo ông Thuấn: Mỗi đợt, sản lượng thanh long có thể xuất khẩu chỉ từ 5-10 tấn. Do vậy HTX không thể nhận đơn hàng của doanh nghiệp dù giá thu mua cao gấp 3 lần giá thị trường hiện nay. Nông dân sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, vẫn sử dụng thuốc cỏ vô tội vạ nên chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Được biết, ngoài thanh long thì ổi cũng là cây trồng chủ lực của tỉnh. Năm 2020, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (TP Hồ Chí Minh) lần đầu tiên mang 5 tấn ổi Hải Dương xuất sang thị trường Dubai. Sau lần xuất thử nghiệm đầu tiên, việc xuất khẩu ổi cũng không được thực hiện như kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân vì chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.
Theo ông Mai Xuân Thìn - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ cho biết: Hiện nay doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến xuất khẩu quả vải tại Hải Dương vì có chất lượng vượt trội hơn các địa phương khác. Với quả nhãn, đơn vị đang chuẩn bị các thủ tục để xuất khẩu sang Nhật Bản vào những năm tới. Riêng với các loại trái cây khác như ổi, thanh long, chuối… doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư, tìm hiểu nhiều. Nguyên nhân do những loại trái cây này của Hải Dương không có lợi thế so với sản phẩm cùng loại trồng ở các tỉnh, thành phố khác.
… đến đưa khoa học công nghệ để tìm lời giải
Hải Dương có diện tích trồng cây ăn quả tương đối lớn với khoảng 21.000 ha. Ngoài vải, nhãn đã được xuất khẩu thành công thì còn nhiều loại có tiềm năng như ổi, chuối, thanh long…
Ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa cho biết, đơn vị đang liên kết với nông dân ở thôn Lập Lễ, xã Thanh Hồng (Thanh Hà) sản xuất bưởi đào theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nhưng do chất lượng chưa bảo đảm nên sản lượng bưởi này vẫn chỉ tiêu thụ ở các chợ đầu mối.
“Ngoài vùng trồng vải, nông dân Hải Dương chưa thực sự đầu tư cho các vùng trồng cây ăn quả để hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Bên cạnh đó, với một số vùng trồng cây ăn quả như thanh long, ổi, nhãn… nông dân chưa có kinh nghiệm sản xuất nên mẫu mã, chất lượng sản phẩm không bằng các tỉnh, thành phố ở phía Nam”, ông Thức nói.
Thực tế sản xuất cho thấy, tại các vùng chuyên canh cây ăn quả nông dân vẫn chưa chú trọng đầu tư để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu do quy trình khắt khe, chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán sản phẩm không có sự khác biệt với sản phẩm thông thường. Đây là điều khiến các hộ nông dân tham gia vùng trồng không mặn mà với sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, 15 ha trồng bưởi GlobalGAP ở thôn Lập Lễ, xã Thanh Hồng đã được cấp mã số xuất khẩu sang các nước Nga, Canada, Singapore… Đây là năm đầu tiên vùng trồng này được gắn mã số xuất khẩu. Ngoài diện tích bưởi trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, xã Thanh Hồng còn 40 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Các vùng trồng bưởi trong mô hình VietGAP, GlobalGAP đều được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn; hỗ trợ một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Được biết, xã Thanh Hồng có 130 ha bưởi đào. Hiện bưởi đang bước vào thời kỳ thu hoạch rộ, sản lượng ước đạt 2.100 tấn, tăng 200 tấn so với năm trước. Bưởi đào tiêu thụ thuận lợi với giá bán trung bình từ 12.000 - 13.000 đồng/quả, chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Ông Nguyễn Tiến Tráng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khẳng định: “Nông dân hoàn toàn có thể sản xuất ra những sản phẩm trái cây đáp ứng điều kiện xuất khẩu sang thị trường các nước khó tính.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là ở khâu định hướng thị trường. Mỗi quốc gia có yêu cầu nhập khẩu về hàng hóa khác nhau. Nếu doanh nghiệp sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu ở những vùng trồng cụ thể, hướng dẫn nông dân quy trình, kỹ thuật trồng đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của từng quốc gia thì việc xuất khẩu sẽ thuận hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ngoài quả vải thì các mặt hàng trái cây khác của tỉnh vẫn sản xuất theo kiểu mù thị trường”.
Sản xuất theo nhu cầu của thị trường không quá khó nhưng cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của doanh nghiệp. Để xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây thì nông dân phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp thông qua HTX. Với sự định hướng của doanh nghiệp, nông dân sẽ sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của từng thị trường, tránh tình trạng sản xuất mù mờ như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm