Phú Thọ: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

THUỲ LINH thực hiện 13/10/2022 07:59

Phú Thọ đang trở thành điểm sáng trong khu vực các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.

>>Tam Nông (Phú Thọ): Cải cách hành chính để thu hút đầu tư

Chia sẻ với DĐDN, ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ khẳng định: Với môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, Chỉ số PCI được cải thiện, thủ tục hành chính (TTHC) nhanh gọn, Phú Thọ đã thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao. 

- Theo ông, đâu là điểm đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Phú Thọ?

Để thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 61-NQ/TU về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh.

Phú Thọ là một trong những tỉnh đi đầu trong việc cải cách TTHC theo hướng đơn giản hóa, công khai, thông thoáng để giảm thiểu chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, trọng tâm là rà soát quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp theo phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm tốt”, nhất là thủ tục đầu tư về đất đai, quy hoạch, đầu tư...

Triển khai có hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Tỉnh cũng đã thực hiện công khai, minh bạch các hồ sơ, thủ tục, thời gian giải quyết ở từng cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm người đứng đầu; triển khai nhanh, kịp thời mô hình “một cửa, một đầu mối và chính quyền điện tử”; Triển khai đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh đến 2025, tầm nhìn đến năm 2030...

Kết quả xếp hạng 4 chỉ số: Par Index, PCI, SIPAS, PAPI năm 2021 có tiến bộ vượt bậc như: Chỉ số PCI xếp thứ 20/63 tỉnh, tăng 2 bậc, đứng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc; Chỉ số PAPI xếp thứ 6/63 tỉnh, tăng 32 bậc; Chỉ số PAR Index xếp thứ 9/63 tỉnh, tăng 1 bậc; Chỉ số SIPAS đạt 89,3%, xếp thứ 13/63, tăng 8 bậc so năm 2020.

Ông Trịnh Thế Truyền - Giám đốc Sở KH&ĐT Phú Thọ giới thiệu cơ hội đầu tư tại Phú Thọ với các doanh nghiệp Mỹ.

Ông Trịnh Thế Truyền - Giám đốc Sở KH&ĐT Phú Thọ giới thiệu cơ hội đầu tư tại Phú Thọ với các doanh nghiệp Mỹ.

- Ông có thể chia sẻ đôi nét về kết quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Năm 2021, toàn tỉnh thu hút 86 dự án đăng ký mới, vốn đăng ký 19.495 tỉ đồng. Trong đó 12 dự án FDI, vốn đăng ký trên 800 triệu USD, đưa Phú Thọ xếp thứ 14/63 tỉnh về thu hút FDI. Có 46 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, vốn thực hiện 8.500 tỉ đồng.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 58 dự án (05 dự án FDI), vốn đăng ký 18.172 tỷ đồng và 197,3 triệu USD. Đến 15/9/2022, có 33 dự án hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động, vốn thực hiện ước đạt 2.418 tỷ đồng.

Tính đến ngày 20/9/2022, trên địa bàn tỉnh cũng đã có 705 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 9.721 tỷ đồng (tăng 25,67 % về số doanh nghiệp và tăng 63,76 % về số vốn đăng ký so cùng kỳ), đưa tổng số doanh nghiệp lũy kế đến nay có 10.278 doanh nghiệp.

- Để tiếp tục vươn lên, tạo dấu ấn riêng trong công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới Phú Thọ sẽ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực nào, thưa ông?

Đối với hạ tầng KCN, tỉnh đang triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng 4 KCN, gồm: mở rộng 29 ha KCN Thụy Vân; bàn giao 474,1 ha đất sạch để nhà đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Phú Hà, Cẩm Khê; tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB đối với KCN Trung Hà. Tỉnh cũng đã hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với KCN Hạ Hòa (450 ha), KCN Tam Nông (300 ha).

Đối với hạ tầng CCN, đã quy hoạch bổ sung 04 CCN: Quảng Yên, Phú Hộ, Nam Đoan Hùng, Tam Nông vào giai đoạn 2021- 2025. Đến nay Phú Thọ có 21/28 CCN đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng với tổng diện tích quy hoạch hơn 1.023 ha.

>>Phú Thọ: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn bền vững

Xác định giao thông “đi trước mở đường”, do đó việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh nhiều dự án đã hoàn thành được đưa vào sử dụng hiệu quả, Phú Thọ tiếp tục ưu tiên bố trí hơn 5.007 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 cho đầu tư xây dựng mới, cải tạo 18 tuyến đường giao thông với chiều dài 251 km.

Trong đó cải tạo, nâng cấp 129 km tỉnh lộ, huyện lộ; đầu tư mới 122 km đường liên vùng, kết nối các khu công nghiệp, vùng nguyên liệu với các tuyến đường giao thông quốc gia và các tỉnh lân cận (Hòa Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Yên Bái).

Đối với hạ tầng dịch vụ, hạ tầng phụ trợ sẽ tiếp tục triển khai nhanh các dự án trọng điểm khu đô thị, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đã có chủ trương đầu tư và xúc tiến triển khai dự án trung tâm logistics…

Phú Thọ cũng chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo cung cấp điện, cấp nước và xử lý nước thải; quan tâm đầu tư các dự án nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa, dịch vụ cần thiết tại các khu công nghiệp; Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Phú Thọ phải xác định là trung tâm liên kết vùng

    Phú Thọ phải xác định là trung tâm liên kết vùng

    17:24, 13/07/2022

  • Phú Thọ quyết tâm đổi mới và khát vọng phát triển

    Phú Thọ quyết tâm đổi mới và khát vọng phát triển

    20:22, 12/07/2022

  • Phú Thọ: Đảng bộ huyện Tam Nông 75 năm xây dựng và trưởng thành

    Phú Thọ: Đảng bộ huyện Tam Nông 75 năm xây dựng và trưởng thành

    15:12, 29/04/2022

THUỲ LINH thực hiện