Tuyên Quang: Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai
Tuyên Quang đã và đang tăng cường các giải pháp để cải thiện, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, góp phần phấn đấu cùng tỉnh nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
>> Tuyên Quang: Tăng hạng PCI, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư
Các thủ tục trong tiếp cận đất đai đã được Sở TN&MT Tuyên Quang công khai, minh bạch góp phần tích cực vào việc tiết kiệm thời gian, chi phí trong giải quyết công việc của doanh nghiệp và người dân.
Công khai, minh bạch hóa quy trình
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021 của Tuyên Quang xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố với 64,76 điểm, nằm trong các tỉnh có điểm số khá của cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần, chỉ số tiếp cận đất đai tăng 0,6 điểm, đạt 6,73 điểm, tăng 5 bậc so với năm 2020. Đây là một trong những chỉ số thành phần quan trọng của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giúp cải thiện môi trường, tạo điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy cho nhà đầu tư.
Ông Phạm Mạnh Duyệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, một trong những yếu tố góp phần tăng điểm chỉ số tiếp cận đất đai là tính minh bạch. Ngành Tài nguyên và Môi trường hiện đã công khai tất cả các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất, danh mục hồ, ao không được san lấp trên địa bàn tỉnh... trên trang thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của ngành để người dân, doanh nghiệp nắm bắt và nghiên cứu.
Minh bạch thủ tục hành chính và cải cách thủ tục hành chính cũng là ưu tiên của ngành Tài nguyên và Môi trường thời gian qua. Hiện đã có 95/103 thủ tục hành chính được đưa lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó số lượng thủ tục dịch vụ công mức độ 4 là 75 thủ tục.
Từ tháng 7/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bưu điện tỉnh trong việc tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Mục tiêu là khắc phục được rào cản về khoảng cách khi người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện nộp hồ sơ tại các bưu điểm văn hóa xã, không cần đến nơi giải quyết; minh bạch trong quá trình thực hiện, chủ động tra cứu thông tin kiểm tra tiến độ, giám sát cơ quan giải quyết; số hóa được hồ sơ của ngành; giảm bớt chi phí đi lại; hạn chế tiêu cực phát sinh các chi phí không chính thức. Sau 1 năm triển khai, đến thời điểm này, đã có hơn 10.000 hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Đây được xem là thành công bước đầu của ngành, khi những nỗ lực thay đổi thói quen của người dân, doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, Cục Thuế tỉnh và Bưu điện tỉnh. Theo quy chế, các thông tin liên quan như thông báo nghĩa vụ tài chính, thu nộp các khoản nghĩa vụ tài chính... sẽ được ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong việc thông báo thông tin 2 chiều tới người dân. Sở Tài nguyên và Môi trường bố trí cán bộ có đủ năng lực, nhiệt tình trong công việc để cụ thể hóa thành hướng dẫn chi tiết quy trình thực hiện thỏa thuận hợp tác đã ký; kịp thời thông tin 2 chiều trong quá trình thực hiện để giải quyết vướng mắc không để ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết thủ tục hành chính.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
Theo ông Phạm Mạnh Duyệt, tỉnh Tuyên Quang luôn xác định đồng hành, coi thành công của nhà đầu tư, doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh. Do đó, ngành Tài nguyên và Môi trường cũng luôn sát cánh với nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh mỗi khi đã chọn Tuyên Quang làm điểm đến.
Ngoài việc công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất, ngành Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát các thủ tục hành chính về đất đai tại cấp tỉnh, cấp huyện để điều chỉnh, bổ sung theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, thuận lợi cho người sử dụng đất tham gia thực hiện các giao dịch về đất đai.
Hiện nay, ngành đang chạy thử nghiệm song song 2 phần mềm ILIS do VNPT cung cấp và phần mềm VBDLIS do Viettel cung cấp. 2 phần mềm này sẽ vận hành cơ sở dữ liệu đất đai liên thông với một cửa điện tử, dữ liệu ngành thuế, dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, tận dụng tối đa dữ liệu dân cư có sẵn, tăng khả năng tiếp cận thông tin đất đai của người dân, doanh nghiệp; tối ưu hóa quy trình và thời gian thực hiện các thủ tục liên quan của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế thấp nhất tình trạng hồ sơ phải trả lại, bổ sung giấy tờ nhiều lần... Sở cũng chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án lớn, trọng điểm, tổ chức giải đáp trực tiếp các vướng mắc về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Ngành Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang công khai đường dây nóng, xây dựng trang Fanpape của Sở qua mạng xã hội để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế thấp nhất tình trạng hồ sơ phải trả lại, bổ sung giấy tờ nhiều lần; xử lý nghiêm cán bộ cố tình nhũng nhiễu...
Việc triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, cùng với sự quan tâm phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các sở, ngành, địa phương sẽ góp phần cải thiện thứ hạng trong năm 2022 về chỉ số tiếp cận đất đai nói riêng và PCI của tỉnh nói chung.
Có thể bạn quan tâm