Lương Sơn tạo bước đột phá phát triển kinh tế từ nông nghiệp công nghệ cao
Đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu tiên sản xuất ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp để phát huy được tìm năng, thế mạnh của địa phương đã giúp Lương Sơn tiến tới thành công trong phát triển kinh tế bền vững
>>Điểm sáng kinh tế tại xã miền núi Lương Sơn
Những năm qua, xã Lương Sơn (Thường Xuân, Thanh Hóa) đã tập trung chỉ đạo việc ứng dụng khoa học và công nghệ, chủ động lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản nông nghiệp. Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã hình thành, từng bước thay đổi tập quán canh tác của xã miền núi, góp phần chuyển đổi, nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững.
Ðể khoa học và công nghệ luôn được coi là giải pháp then chốt, thúc đẩy năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả trong phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt là xã miền núi cần thêm các chính sách mang tính đột phá, các chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi để chuyển khó khăn thành cơ hội, tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, Lương Sơn, là xã miền núi có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, người dân chủ yếu trồng keo, mía, lúa, ngô và một số loại cây rau màu theo phương pháp truyền thống nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Từ năm 2016, UBND xã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa; đồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC. Nhờ đó, đến tháng 9/2022, toàn xã đã tích tụ được hơn 40 ha để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC và hình thành được hàng chục chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Binh, tổ trưởng tổ hợp tác dưa vàng công nghệ cao Lương Sơn, cho biết: Từ hỗ trợ, khuyến khích của UBND xã, cuối năm 2020 gia đình tôi cùng 2 hộ nữa đã thành lập tổ hợp tác và mạnh dạn xây dựng nhà lưới diện tích gần 1 ha. Đồng thời, phân công nhân lực đi học tập, chuyển giao công nghệ sản xuất dưa vàng từ Công ty TNHH Trung tâm nghiên cứu và phát triển CNC Lam Sơn. Nhờ đó, đầu năm 2021, tổ hợp tác đã sản xuất 5.000m2 dưa vàng. Cây dưa phù hợp với chất đất và kỹ thuật chăm sóc bảo đảm nên năng suất đạt 60 tấn/ha, doanh thu đạt 1,8 tỷ đồng/ha/năm.
Được biết, đầu năm 2022, tổ hợp tác sản xuất dưa vàng CNC Lương Sơn đã mở rộng diện tích lên khoảng 12.000m2. Trong đó, 10.000m2 sản xuất ổn định 3 vụ dưa vàng và 2.000m2 để trồng một số loại rau, quả mới. Ngoài ra, với diện tích đất chưa xây dựng nhà lưới, các thành viên tổ hợp tác còn phát triển cây ăn quả, như cam, bưởi, ổi... và chăn nuôi lợn mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Từ thành công của mô hình sản xuất trong nhà lưới của tổ hợp tác dưa vàng CNC Lương Sơn, tính đến tháng 9/2022, Nhân dân trên địa bàn đã mở rộng diện tích nhà lưới, sản xuất ứng dụng CNC lên 18.000m2, đối tượng cây trồng sản xuất ngày càng đa dạng.
Ngoài ra, HTX Nông nghiệp dược liệu Lương Sơn, nơi đang sản xuất giống sachi đem lại giá trị kinh tế cao. Qua nhiều năm bén rễ trên vùng đồi thôn Ngọc Sơn, cây sachi đã khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội và triển vọng “thoát nghèo” cho Nhân dân xã vùng cao Lương Sơn. Hiện nay, UBND xã khuyến khích và tuyên truyền để những hộ dân có điều kiện phát triển cây sachi thương phẩm mở rộng diện tích, thay thế cho những cây trồng hiệu quả kinh tế thấp. Nhờ đó, HTX Nông nghiệp dược liệu Lương Sơn đã có 30 hộ tham gia sản xuất, diện tích cây sachi đạt gần 5ha.
Cùng với đó, để hỗ trợ HTX phát triển, xã sẽ cân đối nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án được thụ hưởng để hỗ trợ HTX đầu tư phát triển sản xuất, định hướng các hộ trồng phát triển theo chuỗi giá trị, bảo đảm hiệu quả kinh tế ổn định, góp phần đưa cây sachi trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Với các sản phẩm từ cây sachi, như tinh dầu, trà sachi, dầu ăn sachi... xã đang định hướng để HTX phát triển mạnh hơn theo các quy chuẩn được cơ quan chuyên môn quy định, từng bước đưa bộ sản phẩm từ cây sachi trở thành sản phẩm OCOP, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và từng bước xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương.
Bên cạnh đó, hằng năm, UBND xã Lương Sơn chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Sơn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân và các hộ sản xuất đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Thông qua các lớp tập huấn, Nhân dân đã ứng dụng các biện pháp thâm canh, xen canh, tăng vụ, ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp, sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong trồng trọt và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Nhờ đó, trong nhiều mô hình sản xuất truyền thống, như trồng mía, keo tai tượng, dược liệu... Nhân dân đã áp dụng phát triển hệ thống nước tưới tiên tiến, mở rộng diện tích sử dụng giống mía, keo nuôi cấy mô... mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 1,5 đến 2 lần so với trước đây.
Ông Lương Xuân Thiêm, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, cho biết: Xác định khoa học - kỹ thuật là chìa khóa nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, UBND xã đã vận động, tuyên truyền để Nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đưa các giống cây con hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất thay thế cho những cây trồng, vật nuôi truyền thống hiệu quả kinh tế thấp. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuận hiện đại vào sản xuất. Đến nay, trên địa bàn xã đã thực hiện chuyển đổi được hơn 300 ha đất trồng lúa, keo, mía hiệu quả kinh tế thấp sang các đối tượng cây trồng hiệu quả kinh tế cao hơn; phát triển 40 ha sản xuất mía cao sản LS1 áp dụng cơ giới hóa 100%, xây dựng được gần 10 ha trồng cây ăn quả quy mô lớn, diện tích từ 1 ha trở lên và gần 1,5 ha sản xuất dưa vàng được chứng nhận VietGAP...
Nhờ việc mở rộng diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ, tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp ở các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch của xã Lương Sơn ngày càng tăng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp chính vì vậy nâng cao tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 320 tỷ đồng/năm, cao gấp 2 lần so với những năm 2015.
Có thể bạn quan tâm
Thanh Hóa: Chuyển đổi số thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh
14:10, 06/10/2022
Thanh Hóa: Sự phục hồi của ngành du lịch
02:00, 06/10/2022
Thanh Hóa: Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng tại các cụm công nghiệp
15:53, 20/09/2022
Nga Sơn (Thanh Hóa): Khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế
16:59, 18/09/2022
Thanh Hóa: Đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ về thành lập doanh nghiệp mới
11:03, 11/09/2022
Doanh nghiệp Thanh Hóa đẩy mạnh liên kết, hợp tác xúc tiến đầu tư
08:26, 11/09/2022