Kiên Giang: Thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh
Năm 2021 toàn toàn tỉnh đã thu hút 17 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 3.093,97 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã thu hút 5 dự án mới, tổng vốn đăng ký 6.397,5 tỷ đồng.
Đây là quan điểm xuyên suốt của ban lãnh đạo tỉnh kiên giang được ông Giang Thanh Khoa, Giám đốc Sở KH&ĐT chia sẻ với DĐDN về chính sách thu hút đầu tư vào Kiên Giang..., trên nền hành chính minh bạch, phục vụ, hiệu quả.
>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế tỉnh Kiên Giang
Theo ông Khoa, tiềm năng, lợi thế của địa phương cần có doanh nghiệp đồng hành để khơi dậy hiệu quả. Khi doanh nghiệp thành công, sẽ đóng góp cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm và sự phát triển trên địa bàn hoạt động. Tỉnh Kiên Giang đang có nhiều chính sách cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp...
- 2 năm dịch bệnh khiến thu hút đầu tư vào nhiều địa phương chững lại. Với Kiên Giang, dòng vốn đầu tư vào tỉnh thời gian qua như thế nào, thưa ông?
Để nắm bắt cơ hội phục hồi, Tỉnh đã tập trung kêu gọi đầu tư trên 4 lĩnh vực trọng tâm là: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và kinh tế biển. Đồng thời, triển khai thực hiện đề án liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng bán đảo Cà Mau.
Năm 2021 toàn toàn tỉnh đã thu hút 17 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 3.093,97 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã thu hút 5 dự án mới, tổng vốn đăng ký 6.397,5 tỷ đồng. Lũy kế đến tháng 9/2022, toàn tỉnh đã thu hút 778 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 591.121 tỷ đồng.
Đặc biệt, hiện Kiên Giang đang tập trung thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, nhà đầu tư có tiềm lực như: Vin Group, Sun Group, Bim Group, Ceo Group, Phú Cường Group, CIC Group,... tham gia đầu tư và triển khai dự án trên nhiều lĩnh vực.
- Kiên Giang đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước rót vốn vào tỉnh. Vậy còn có khó khăn gì khiến việc thu hút đầu tư vào tỉnh chưa đạt như mong muốn?
Bên cạnh dịch bệnh kéo dài như tôi nói ở trên khiến các nhà đầu tư gặp khó, thì công tác rà soát, lập điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch xây dựng của một số địa phương còn chậm được phê duyệt, đã ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư, thu hút các dự án đầu tư.
Ngoài ra, một số dự án đầu tư, theo quy định do nhà đầu tư tự thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên phần lớn các dự án đều gặp khó khăn do không thỏa thuận giá chuyển nhượng, dẫn đến thời gian dự án kéo dài, không hoàn thành đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ cam kết trong quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư.
Nhu cầu thực hiện các dự án lấn biển phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là rất lớn (các dự án cơ bản phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành,...). Tuy nhiên, theo pháp luật về đầu tư chưa có quy định cụ thể, đây cũng là điểm nghẽn làm hạn chế các dự án kêu gọi đầu tư.
- Để tháo gỡ những khó khăn này nhằm tạo lập một môi trường đầu tư hấp dẫn, tỉnh đã làm gì thưa ông?
Trước những khó khăn, thách thức trên, Kiên Giang đã thực hiện rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa quy trình TTHC; thực hiện tốt chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử tạo động lực nâng cao hiệu quả CCHC, tiếp tục triển khai, nhân rộng một số ứng dụng, mô hình có hiệu quả.
Riêng đối với lĩnh vực do Sở quản lý như: Lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp giảm còn 1,5 ngày (giảm 1,5 ngày so với quy định); cấp đăng ký thay đổi 01 ngày và đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt trên 60%; rút ngắn thời gian cấp quyết định chủ trương đầu tư còn 30 ngày (theo quy định Luật Đầu tư 35 ngày).
Mặt khác, nâng cao năng lực của công chức tiếp nhận hồ sơ và xử lý kết quả trả hồ sơ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh gắn với tăng cường thanh tra công vụ và xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Điều đáng ghi nhận, để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là giải quyết thủ tục về đất đai, bồi thường và GPMB,...; kịp thời tháo gỡ những khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư.
Chúng tôi xem thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là thành công của mình. Vì thế, tỉnh nỗ lực tạo dựng một nền hành chính minh bạch, phục vụ, hiệu quả nhằm tạo niềm tin cho doanh nghiệp đến với Kiên Giang.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm