Thanh Hóa: Đột phá nâng cao chỉ số PCI

KIM OANH - HOÀI ANH 01/11/2022 20:49

Bên cạnh việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính tỉnh Thanh Hóa chú trọng công tác chuyển đổi số, tạo “cú hích” cho thu hút đầu tư của tỉnh.

 >>Thanh Hóa: Chuyển đổi số thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh

>>Thanh Hóa: Chuyên gia, doanh nghiệp hiến kế chuyển đổi số

Đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI

Xác định phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư là khâu đột phá cho phát triển kinh tế, tỉnh Thanh Hóa đã, đang và chuẩn bị đầu tư nhiều dự án giao thông lớn, với sự đa dạng các nguồn vốn.

Nhiều tuyến giao thông trọng điểm được Thanh Hóa chú trọng đầu tư

Nhiều tuyến giao thông trọng điểm được Thanh Hóa chú trọng đầu tư

Những dự án giao thông trọng điểm liên tục được triển khai đang dần phá bỏ điểm nghẽn cố hữu về hạ tầng, những “nút thắt cổ trai” đã không còn hiện hữu trên giao thông của xứ Thanh . Đây cũng là nền tảng để Thanh Hóa bứt phá, hướng đến mục tiêu là 1 trong 4 cực tăng trưởng phía Bắc.

Nhiều dự án giao thông  lớn như Cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đây được ví như huyết mạch kết nối Thanh Hóa với Thủ đô Hà Nội, mở ra dư địa phát triển mạnh mẽ cho xứ Thanh. Trong giai đoạn 1, tuyến đường được xây dựng 4 làn xe, vận tốc 80km/h, tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng.

Song song với đó là một dự án giao thông trọng điểm khác là tuyến đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân nhằm kết nối sân bay với trung tâm tỉnh trở nên dễ dàng, thuận tiện.

Tại tuyến huyện cũng được chú trọng đầu tư nhiều tuyến đường như Quốc lộ 1A - ngã tư Goòng và tuyến đường Goòng - Hải Tiến, tuyến đường quy mô 4 làn xe, như các tuyến Quý - Xuyên, Thịnh - Đông, Kim - Quý, Goòng - Quăng... tại huyện Hoằng Hóa hoàn thành đưa vào sử dụng đã làm thay đổi diện mạo giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bởi vậy, trong nhiều năm qua, Thanh Hóa là địa chỉ đỏ tin cậy thu hút nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước chọn nơi đây là bến đỗ như loạt doanh nghiệp lớn trên thế giới Foxconn, AEON, WHA Industrial Development PLC… tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Chuyển đổi số là tất yếu

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho rằng, chuyển đổi số hiện nay không còn là một ý tưởng hay tầm nhìn trong tương lai mà đây là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0. Nhận thức được những cơ hội, thách thức và xu thế tất yếu của chuyển đổi số, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã của Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chỉ đạo, điều hành, công khai, minh bạch các hoạt động; phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Nhiều mô hình chuyển đổi số được tỉnh tổ chức

Thanh Hóa tổ chức triển lãm nhiều mô hình chuyển đổi số

>>Thanh Hóa: Triển lãm chuyển đổi số quy tụ nhiều sản phẩm trí tuệ nhân tạo

Điểm nhấn của chính quyền số Thanh Hóa là đã tích hợp 26 hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; xử lý văn bản hồ sơ trên môi trường mạng; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến; kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cấp chính quyền, từ đó tạo điều kiện cho nhân dân theo dõi, giám sát và thực hiện thủ tục hành chính thuận lợi, tiết kiệm thời gian.

Về kinh tế số, tỉnh cũng liên tục tổ chức hội nghị, hội thảo để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, hộ sản xuất từng bước chuyển đổi số như: Kê khai, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; đưa các sản phẩm, sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử và Cổng kết nối cầu nông sản an toàn; triển khai việc kết nối thanh toán trực tuyến, các điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học, bệnh viện, khu chợ, khu công nghiệp, các cửa hàng kinh doanh.

Hiện nay, Thanh Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số, được xếp đứng thứ 12/63 tỉnh, thành trên cả nước. Mục tiêu của Thanh Hóa là sẽ đưa tỉnh nằm trong top 10 của cả nước về chuyển đổi số. Chính vì thế, các cấp, ngành trong tỉnh đang tập trung cao cho chuyển đổi số, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu, để hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu mà Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là trở thành một trung tâm chuyển đổi số.

Để xây dựng một chính quyền số, kinh tế số, xã hội số phát triển, ông Mai Xuân Liêm nhấn mạnh: “Với tinh thần Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải được triển khai sâu rộng, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp”.

Những thay đổi này được xem như “cánh tay nối dài” tăng cường thêm kênh tương tác giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp giúp xã hội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. 

Có thể bạn quan tâm

  • Thanh Hóa: 3 gương mặt Doanh nhân trẻ xuất sắc lọt top 100 Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022

    Thanh Hóa: 3 gương mặt Doanh nhân trẻ xuất sắc lọt top 100 Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022

    08:35, 01/11/2022

  • Thanh Hóa tôn vinh 60 doanh nhân và 10 sản phẩm hàng hóa tiêu biểu 2022

    Thanh Hóa tôn vinh 60 doanh nhân và 10 sản phẩm hàng hóa tiêu biểu 2022

    21:44, 12/10/2022

  • Thanh Hóa: Giải Golf doanh nhân đóng góp 800 triệu chung tay vì cộng đồng

    Thanh Hóa: Giải Golf doanh nhân đóng góp 800 triệu chung tay vì cộng đồng

    11:58, 12/10/2022

KIM OANH - HOÀI ANH