Bình Dương: Phát triển công nghiệp phụ trợ để tự chủ nguồn nguyên phụ liệu
Thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ để từng bước tự chủ nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện trong nước.
>>Cơ hội để doanh nghiệp Việt "chen chân" vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp phụ trợ
Đó là nội dung mà các doanh nghiệp FDI cam kết và mong muốn được hợp tác phát triển với các đối tác của Việt Nam nhằm đảm chất lượng, giảm thiểu nguồn nguyên liệu nhập khẩu với lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
Tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ…
Theo ông Mizushima Kozo - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM cho biết, nhiều doanh nghiệp FDI đang tăng cường tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa để phục hồi sản xuất, tiết kiệm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh... Và về cơ bản, các doanh nghiệp FDI mong muốn được hợp tác phát triển trên tiêu chí bảo đảm chất lượng, giảm thiểu nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Cũng theo ông Mizushima Kozo, việc ảnh hưởng bởi đợt dịch COVID-19 khiến không ít doanh nghiệp ở Bình Dương lao đao tìm kiếm nguồn nguyên liệu để sản xuất. Tình trạng nhà máy tạm ngưng, cắt giảm giờ làm đang diễn ra ở nhiều doanh nghiệp vì phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.
Theo ông Mizushima Kozo, trên thực tế, “công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Bình Dương vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng (đáp ứng được từ 40 - 45% cho ngành dệt may, da giày; 10 - 20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ, 15% cho điện tử, tin học, viễn thông, 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ”. Do đó, Bình Dương cần tập trung và wu tiên thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ để từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Lương - Giám đốc Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Bình Dương, chia sẻ: hầu hết doanh nghiệp đều phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thành phẩm. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh các ngành công nghiệp.
Đặc biệt, trong đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất, nhất là ngành điện tử, dệt may, da giày, hóa chất. Áp lực từ giá nguyên liệu, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao đã khiến các doanh nghiệp FDI có nhu cầu tìm kiếm các doanh nghiệp cung ứng trong nước. Vì vậy, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng trong nước và thế giới - ông Lương nói.
>>Dòng vốn FDI công nghệ cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
… để nâng tầm chuỗi cung ứng
Liên quan các doanh nghiệp đề xuất phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, hiện đơn vị đã phối hợp với Bộ Công thương xem xét, xác nhận cho 2 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này được hưởng chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định (Công ty TNHH Yokohama Tyre Việt Nam sản xuất lốp xe và Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing sản xuất hàng dệt may).
Cũng theo ông Toàn, đây là chính sách tối ưu nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Hiện trên địa bàn có 2.277 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, ngành dệt may có 442 doanh nghiệp, da giày 172 doanh nghiệp, cơ khí 710 doanh nghiệp. Do đó, thực hiện chương trình khuyến công địa phương năm 2022, Sở Công thương Bình Dương đã hỗ trợ Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đức Kim Tinh (TP Dĩ An) đầu tư hệ thống máy móc, bao gồm máy bắn cát xử lý bề mặt, máy dập khuôn cát, thùng hút bụi trong dây chuyền sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng tầm chuỗi cung ứng – ông Toàn cho hay.
Về phía xúc tiến đầu tư, thương mại, bà Nguyễn Thúy Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp - Sở Công thương Bình Dương, cho rằng: việc hỗ trợ cho công ty mua sắm thiết bị máy móc từ nguồn vốn khuyến công được thực hiện theo đúng đối tượng và các quy trình, tạo hiệu quả trong sản xuất đã giúp các doanh nghiệp thay đổi công nghệ để bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp FDI – bà Hằng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển công nghiệp phụ trợ điện gió: Góc nhìn từ nhà sản xuất Trung Quốc
03:00, 07/09/2022
Tập đoàn Thành Công khởi động dự án xây dựng công nghiệp phụ trợ ô tô tại Quảng Ninh
15:01, 22/09/2020
Phó Thủ tướng trả lời chất vấn về xuất xứ sản phẩm và công nghiệp phụ trợ
19:54, 24/09/2019
23-26/5: Triển lãm Quốc tế lần thứ 15 về Ô tô, Xe máy, Xe điện và Công nghiệp phụ trợ
15:14, 18/03/2019
Cơ hội cho doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ ô tô
03:30, 21/11/2018
Cơ hội để doanh nghiệp Việt "chen chân" vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp phụ trợ
11:10, 25/06/2018
“Chen chân” vào chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ Nhật Bản: Doanh nghiệp Việt cần gì?
08:19, 14/05/2018