TP.HCM đầu tư 17.000 tỷ đồng làm đường vành đai 2
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM sẽ trình HĐND TP HCM, thông qua chủ trương đầu tư 17.000 tỷ đồng làm đường vành đai 2, đoạn đi qua TP Thủ Đức vào cuối năm 2022.
>>Điều chuyển hơn 31.000 tỷ vốn đầu tư công trung hạn làm 2 dự án vành đai
Theo Sở GTVT TP.HCM, sau nhiều năm chưa thể triển khai, hai đoạn Vành đai 2 đi qua TP Thủ Đức, dài hơn 6 km, nay Sở GTVT sẽ đề xuất đầu tư dự án này bằng ngân sách với tổng vốn hơn 17.000 tỷ đồng. Và đây là hai trong số 7 dự án quan trọng được Sở Giao thông Vận tải dự kiến trình HĐND TP HCM thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp cuối năm nay.
Theo dự kiến, dự án sẽ được chia làm 2 phần, gồm: đoạn 1 dài 3,5 km, bắt từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dự kiến vốn đầu tư giai đoạn một gần 8.600 tỷ đồng; đoạn 2 dài 2,8 km, từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng, tổng vốn hơn 8.400 tỷ đồng.
Về phương thức thực hiện, giai đoạn đầu, cả hai dự án được giải phóng mặt bằng toàn bộ theo thiết kế; làm trước đường song hành hai bên và xây dựng hoàn chỉnh các nút giao.
Theo thông tin, dự án Vành đai 2 TP HCM được quy hoạch cách đây 15 năm với tổng chiều dài hơn 64 km, đến nay mới 50 km hoàn thành. Ngoài hai đoạn trên, tuyến còn hai đoạn khác dài khoảng 8 km chưa khép kín. Trong đó, đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Thủ Đức), dài 2,7 km, đã triển khai nhưng chưa xong; đoạn còn lại dài 5,3 km, từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh ở phía nam thành phố chưa được xây dựng, dự tính đầu tư với tổng vốn hơn 9.200 tỷ đồng.
Trước đây với các đoạn còn lại chưa khép kín, TP HCM dự tính triển khai theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Tuy nhiên, các hình thức không khả thi nên phải chuyển qua đầu tư công.
Ngoài 2 dự án trên, Sở Giao thông Vận tải cũng dự tính trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư 5 công trình khác tại kỳ họp sắp tới, gồm: xây dựng hệ thống quan trắc phục vụ khai thác, vận hành Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); nâng tĩnh không hai cầu Bình Triệu 1 và cầu vượt Bình Phước 1; lắp hệ thống thang máy cầu bộ hành các nhà ga trên cao Metro số 1; đóng mới hai ponton chốt kiểm soát trên sông Đồng Nai.
>>TP.HCM: Kiến nghị mở tuyến kết nối đường Vành đai 3 với cảng Cát Lái - Phú Hữu
Đáng chú ý, trước đó, Đoạn 2,8 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, thuộc Vành đai 2 sau gần hai năm dừng thi công phát sinh lãi hơn 230 tỷ đồng, và thành phố phải chi trả.
Con số hơn 230 tỷ đồng lãi phát sinh nêu trên được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), đề cập sau khi Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (nhà đầu tư) tính toán từ lúc công trình dừng thi công hồi tháng 3/2020.
Đây là dự án triển khai theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (hợp đồng BT), tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng. Cuối năm 2017, dự án khởi công và tạm dừng khi đạt gần 44% khối lượng.
Nguyên nhân ngưng thi công được nhà đầu tư đưa ra do giải phóng mặt bằng chậm, đồng thời phải chờ TP.HCM ký phụ lục hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, định giá các lô đất để thanh toán cho đầu tư công trình... Đến nay, dự án đã được TP Thủ Đức bàn giao gần 74% diện tích đất cần giải tỏa.
Theo TCIP, dự án dừng thi công khiến thời gian hoàn thành công trình kéo dài, phát sinh lãi vay trong quá trình thực hiện. Cơ quan này hiện kiến nghị UBND TP.HCM sớm chỉ đạo sở ngành giải quyết vướng mắc liên quan điều chỉnh dự án, thời gian thực hiện, thanh toán đất đối ứng... Điều này giúp tránh hệ luỵ phát sinh lãi vay, lãng phí ngân sách, ảnh hưởng môi trường đầu tư ở thành phố.
Liên quan quỹ đất đối ứng của dự án, hồi tháng 7 Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND thành phố 5 khu đất, với tổng diện tích gần 27.000 m2 để thanh toán cho nhà đầu tư. Hiện, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét. Riêng các thủ tục điều chỉnh dự án, phụ lục hợp đồng BT, các sở ngành đang đẩy nhanh để hoàn tất các thủ tục...
Vành đai 2 TP HCM dài hơn 64 km, đến nay hoàn thành 50 km. Ngoài đoạn gần 3 km nói trên, tuyến còn hơn 11 km chưa được đầu tư, chia làm ba đoạn. Trong đó hai đoạn đi qua TP Thủ Đức gồm: từ Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (dài 3,5 km, vốn đầu tư gần 8.600 tỷ đồng) và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (dài 2,8 km, tổng vốn hơn 8.400 tỷ đồng). Đoạn còn lại dài 5,3 km, từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (đi qua quận 8, Bình Tân, Bình Chánh), tổng đầu tư ước tính hơn 9.200 tỷ đồng. Tuyến Vành đai 2 bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức), điểm cuối ra quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường vòng quanh TP HCM. Đây là trục đường có vai trò đặc biệt quan trọng giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô. Khi được khép kín, Vành đai 2 tạo thành trục liên kết các tuyến giao thông quan trọng khác như xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1, 13... |
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Đề nghị bổ sung vốn đầu tư công cho dự án đường vành đai 3
00:49, 29/09/2022
Đường vành đai 3 – cú hích cho kinh tế, bất động sản TP.HCM
10:30, 16/09/2022
Điều chuyển hơn 31.000 tỷ vốn đầu tư công trung hạn làm 2 dự án vành đai
05:36, 07/09/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khởi công xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội trước 30/6/2023
20:22, 18/08/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chính phủ quyết nghị khởi công xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM vào 30/6/2023
20:00, 16/08/2022
TP.HCM: Đầu tư 100.000 tỉ đồng đường vành đai 4 theo hình thức đối tác công tư PPP
01:26, 10/08/2022