Lâm Đồng xây dựng hệ sinh thái kinh doanh xanh

THUỲ LINH thực hiện 17/11/2022 11:01

Lâm Đồng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

>> Lâm Đồng: Ba trụ cột phát triển nông nghiệp

Chia sẻ với DĐDN, ông Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng sẽ phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh Lâm Đồng; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện thứ hạng Chỉ số PCI… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh, bền vững. 

- Theo ông, đâu điểm nổi bật của Lâm Đồng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh?

Để thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và cam kết với cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo với các giải pháp cụ thể cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ tiếp cận tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ, khuyến công, hỗ trợ khởi nghiệp, tăng cường hiệu quả công tác đối thoại, triển khai khảo sát, đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp thông qua bộ chỉ số DDCI...

Năm 2021, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh xếp thứ 29/63 tỉnh, thành, tăng 3 bậc; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính xếp thứ 27/63 tỉnh, thành, tăng 3 bậc; chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng mạnh, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành, tăng 45 bậc so với năm 2020. Chỉ số PCI của tỉnh Lâm Đồng xếp ở vị trí 15/63 tỉnh thành, nằm trong top khá của bảng xếp hạng PCI.

 Festival hoa Đà Lạt lần thứ IX năm 2022 chủ đề

Festival hoa Đà Lạt lần thứ IX năm 2022 chủ đề "Đà Lạt-thành phố bốn mùa hoa" diễn ra từ tháng 11 đến hết tháng 12 với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Lâm Đồng cũng kiên trì thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện căn bản môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu đưa tỉnh Lâm Đồng đứng vào nhóm 20 tỉnh, thành phố , dẫn đầu Bảng xếp hạng PCI của cả nước. Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là về giải phóng mặt bằng, giao đất, thuế, hải quan... Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện, đồng bộ trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch về quy hoạch, thủ tục hành chính và chính sách thu hút đầu tư.

Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Tổ công tác giải quyết kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp với thành viên khác là đại diện lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương. Tổ công tác có nhiệm vụ tiếp nhận, tổng hợp những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp và trực tiếp giải quyết theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tổ chức các buổi làm việc, các chương trình đối thoại theo địa bàn, chuyên đề, lĩnh vực với các hiệp hội, hội, chi hội, các doanh nghiệp để trực tiếp giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành Quyết định số 1773/QĐ-UBND phê duyệt trình tự và danh mục một số thủ tục hành chính thực hiện cắt, giảm thời gian giải quyết của 60 thủ tục hành chính ở các lĩnh vực để thu hút đầu tư trên địa bàn như: lĩnh vực kế hoạch - đầu tư có 23 thủ tục; lĩnh vực tài nguyên và môi trường 10 thủ tục, xây dựng lĩnh vực 11 thủ tục...

- Cùng với cải thiện môi trường đầu tư, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong thu hút đầu tư. Vấn đề này được Lâm Đồng thực hiện ra sao thưa ông?

Tỉnh Lâm Đồng đã và đang tập trung xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng gắn với quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ với mục tiêu là khơi thông các tuyến giao thông huyết mạch nhằm thu hút đầu tư, tạo sức bật cho kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Tỉnh sẽ huy động tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thông qua các hình thức đối tác công tư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ: giao thông, đô thị, năng lượng, thủy lợi... gắn với quy hoạch phát triển vùng, tỉnh và huyện.

 Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án Khu Du Lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí dã ngoại Sài Gòn - Đà Lạt.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án Khu Du Lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí dã ngoại Sài Gòn - Đà Lạt.

Điển hình như Dự án Xây dựng tuyến đường ĐT.729 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Bình Thuận và tuyến đường ĐT.722 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đắk Lắk. Dự án này có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng. Vốn bố trí năm 2022 là 245 tỷ đồng; Dự án Nâng cấp, mở rộng đèo Prenn - cửa ngõ ra vào TP Đà Lạt có tổng mức đầu tư trên 552,5 tỷ đồng. UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt dự án đầu tư, dự kiến khởi công dự án vào đầu năm 2023; Dự án Xây dựng đường Cam Ly - Phước Thành cũng là một dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư dự kiến 400 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào đầu năm 2023. Tuyến đường tránh TP Đà Lạt từ chân đèo Prenn đến xã Xuân Thọ cũng đã và đang được quan tâm thúc đẩy sớm thực hiện…

Bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đường vành đai các đô thị lớn, tỉnh sẽ tranh thủ nguồn vốn trung ương đầu tư dự án có quy mô lớn, có tính liên kết vùng như: đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; các quốc lộ: 27, 27C, 28, 28B, 55; đường vành đai, đường tránh đô thị Đà Lạt, Bảo Lộc; nâng cấp Sân bay Liên Khương từ tiêu chuẩn 4D lên 4E...

Các dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đã và sẽ sớm được triển khai, diện mạo về giao thông của Lâm Đồng chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi rất lớn trong vài năm tới. Khi đó, các tuyến đường tỉnh, liên tỉnh, các tuyến đường vành đai cùng với 2 Dự án Cao tốc quan trọng là Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương sẽ đảm bảo tính kết nối với các tỉnh, với các vùng kinh tế trọng điểm, tạo ra động lực lớn để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Hiện dự án đường cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022, với quy mô chiều dài 66km, tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng; dự án đường cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài 73,6km, tổng mức đầu tư khoảng 19.520 tỷ đồng, dự kiến HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Kỳ họp cuối năm 2022 và sẽ khởi công các dự án năm 2023.

- Ông có thể chia sẻ đôi nét về kết quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Năm 2022, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức so với kế hoạch đề ra tại Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh. Tổng sản phẩm trong nước GRDP tăng 11,84%. Trong đó, khu vực nông lâm thủy sản tăng 5,04%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,08%; khu vực dịch vụ tăng 19,75%.

Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 18,1%, bằng 118,2% dự toán địa phương. Tổng kim ngạch xuất khẩu 886,7 triệu USD, tăng 27,3% so cùng kỳ.

Khách du lịch đạt 7 triệu lượt khách, tăng 340% so cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế 150 ngàn lượt khách, đạt 100% kế hoạch, tăng 700%; khách qua đăng ký lưu trú 5,5 triệu lượt khách, đạt 110% kế hoạch, 300% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 35.191 tỷ đồng, bằng 35,1% GRDP. Các công trình, dự án trọng điểm tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 1.295 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 12.434 doanh nghiệp đang hoạt động. Toàn tỉnh thu hút được 23 dự án, vốn đăng ký khoảng 19.690 tỷ đồng, trong đó, thu hút được 02 dự án sản xuất điện từ năng lượng gió với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng; nâng tổng số dự án toàn tỉnh lên 977 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 146.052 tỷ đồng...

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều hướng đến sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, áp dụng vào các quy trình sản xuất góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

- Hướng tới mục tiêu kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh xanh, phát triển bền vững, Lâm Đồng đã đưa ra các giải pháp gì thưa ông?

Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung chỉ đạo triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh đối với các lĩnh vực có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Cụ thể, đối với lĩnh vực dịch vụ tập trung phát triển du lịch chất lượng cao, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, phấn đấu phát triển thành phố Đà Lạt thành trung tâm du lịch lớn cả nước và khu vực; tối ưu hóa khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững.

Lĩnh vực công nghiệp tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp chế biến và sử dụng nguyên liệu từ nông nghiệp của địa phương, phát triển tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch. Đối với lĩnh vực nông nghiệp tập trung phát triển vào các thế mạnh của tỉnh gồm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ nhằm phát triển bền vững và an toàn, đảm bảo chất lượng; hỗ trợ tiêu dùng trong nước và chế biến phục vụ xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bước đầu Lâm Đồng đã hình thành và phát triển cơ cấu “kinh tế xanh” trên cơ sở đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế sử dụng công nghệ tiên tiến, năng lượng tái tạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn, sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, phát thải ít các-bon, chống chịu hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu. Ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất trong các làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn đạt yêu cầu. Các lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm tập trung chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất ra không gây hại cho tài nguyên rừng; bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Việc hình thành và phát triển cơ cấu “kinh tế xanh” nhằm đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao trong khi vẫn bảo đảm duy trì bền vững vốn rừng tự nhiên....

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên đối với dự án sử dụng tiết kiệm tài nguyên, dự án có trình độ công nghệ hiện đại, có tiềm năng tài chính mạnh để đảm bảo phát triển bền vững, xanh, sạch và theo chiều sâu. Thu hút đầu tư đảm bảo hợp lý và hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực và trong nội bộ từng ngành, từng lĩnh vực để chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Tỉnh cũng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dự án đầu tư vào giáo dục và y tế, du lịch và dịch vụ chất lượng cao, các dự án bảo quản nông sản sau thu hoạch…

- Ông có thông điệp nào muốn gửi đến các các nhà đầu tư muốn đầu tư tại địa phương?

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân tích cực phối hợp với chính quyền, thường xuyên có những trao đổi, phản biện, giám sát, góp ý và phản ánh để lãnh đạo tỉnh kịp thời nắm bắt và khắc phục. Đây cũng là cơ sở quan trọng để đánh giá việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau cạnh tranh lành mạnh để cùng phát triển, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, cũng như các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; tôn trọng pháp luật, nêu cao đạo đức kinh doanh vì lợi ích của cả doanh nghiệp và địa phương.

Về phía chính quyền, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư để nhà đầu tư đến và ở lại Lâm Đồng, cùng với tỉnh xây dựng và đưa Lâm Đồng ngày càng phát triển.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

THUỲ LINH thực hiện