Bình Phước: 3 chương trình đột phá thu hút đầu tư
Với kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ, môi trường đầu tư thông thoáng... Bình Phước đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tin tưởng, đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh.
>> Bình Phước tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với Italia
Với kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ, môi trường đầu tư thông thoáng, chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn cùng những cam kết giải quyết thủ tục đầu tư nhanh nhất, Bình Phước đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tin tưởng, đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh.
Để thu hút đầu tư, Bình Phước ưu tiên triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình đột phá quan trọng về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
Trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, Bình Phước ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng; phát triển đường giao thông liên huyện; thường xuyên duy tu, sửa chữa các tuyến giao thông trọng điểm; Ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số; Phát triển mạng lưới truyền tải điện cung cấp cho các khu, cụm công nghiệp, nhà máy và sản xuất, sinh hoạt của người dân; đồng thời xây dựng hệ thống cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp.
Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 6.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 53,5%. Giai đoạn 2021-2030, tỉnh đã lập hồ sơ mở rộng thêm 3 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.500 ha và đang quy hoạch mới một số khu công nghiệp phía Nam Đồng Phú với tổng diện tích 6.800 ha. Tỉnh còn có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư với diện tích 28.000 ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Bình Phước cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, nhất là cơ sở vật chất trường học, y tế phục vụ nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bình Phước sẽ thu hút đầu tư, thực hiện 18 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với diện tích khoảng 173 ha, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 156.000 người. Các khu vực ưu tiên đầu tư phát triển nhà ở xã hội là những nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế như: Chơn Thành, Đồng Phú, Hớn Quản, Phú Riềng, Lộc Ninh, Bình Long.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật gắn với quy hoạch và phát triển du lịch; Chủ động kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án mũi nhọn có tính đột phá trong lĩnh vực du lịch, tạo sự lan tỏa và thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển.
Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao; nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, có kỹ năng phục vụ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm cao phục vụ người dân và doanh nghiệp; Phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và sử dụng có hiệu quả nhân tài, thu hút người tài và người Bình Phước thành đạt ở trong và ngoài nước về đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại tỉnh.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư
Ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Bình Phước cho biết, thời gian qua, để thu hút đầu tư, Bình Phước đã xác định công tác cải cách hành chính cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược. Bình Phước đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh... Tỉnh đã triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Bình Phước, nâng cao chỉ số nâng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Hiện nay, Bình Phước xếp thứ nhất cả nước về kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức 3, mức 4. Việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính đang được đẩy mạnh, 100% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp tỉnh, huyện có phát sinh giao dịch thanh toán phí, lệ phí trực tuyến.
Hoạt động chuyển đổi số tại tỉnh được đẩy mạnh toàn diện, chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2021 của tỉnh xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố cả nước. Hạ tầng số tại Bình Phước đã được cải tạo, nâng cấp mạng 4G phủ sóng 100% diện tích của tỉnh; Chính quyền số được phát triển với việc hiện đại hóa hoạt động hành chính, ứng dụng ký số, sử dụng văn bản điện tử, họp không giấy...
Bình Phước tiếp tục sửa đổi, bổ sung phát huy hiệu quả chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh. Cùng với những ưu đãi về thuế, đất đai theo quy định của Chính phủ, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù riêng cho các lĩnh vực như: Xã hội hóa giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, môi trường, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10.516 doanh nghiệp, với tổng vốn 185.154,75 tỷ đồng, 1.220 dự án đầu tư trong nước với số vốn 116.908 tỷ đồng, 364 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 3,43 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm
Khởi sắc kinh tế Bình Phước
08:03, 19/11/2022
Bình Phước và Viettel hợp tác trong chuyển đổi số
15:40, 18/11/2022
Bình Phước phát triển giao thông kết nối vùng
13:23, 17/11/2022
Bình Phước tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với Italia
19:04, 08/11/2022
Bình Phước bứt phá chuyển đổi số
18:50, 05/11/2022
Cục thuế Bình Phước: Đẩy mạnh chuyển đổi số
11:11, 28/10/2022