Hải Dương kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, gia hạn nhiều lần

LAN VŨ 26/11/2022 10:09

Hải Dương sẽ kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, gia hạn nhiều lần gây lãng phí, vi phạm quy định pháp luật và xử lý nghiêm các doanh nghiệp sau cổ phần hoá vi phạm trong sử dụng đất.

>>>Nghệ An thu hồi nhiều dự án chậm tiến độ ở đô thị biển Cửa Lò

Nhiều dự án chậm tiến độ

Tại buổi làm việc của Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương với UBND tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất của các doanh nghiệp sau chấp thuận đầu tư và công tác quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hoá, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương cho biết, đã thành lập 2 Đoàn giám sát, tiến hành giám sát trực tiếp tại 4 UBND cấp huyện và khảo sát tại 12 dự án trên địa bàn tỉnh.

Kết quả giám sát cho thấy, giai đoạn 2016-2022, trên địa bàn tỉnh đã thu hút 815 dự án đầu tư với tổng diện tích đất theo quyết định đầu tư là hơn 5.102 ha. Trong đó có 75 dự án khu dân cư, khu đô thị (chiếm 63,5% diện tích), còn lại là các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp.

sau hơn 10 năm kể từ lễ khởi công, dự án của Công ty Cổ phần Vinamit vẫn để “treo”, dù nhiều lần được gia hạn tiến độ.

Sau hơn 10 năm kể từ lễ khởi công, dự án của Công ty Cổ phần Vinamit vẫn để “treo”, dù nhiều lần được gia hạn tiến độ (ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Đến nay, 289 dự án chưa được bàn giao đất (trong đó số dự án chưa hết thời hạn thực hiện là 243 dự án; 42 dự án chậm tiến độ, diện tích sử dụng trên 144ha)  và 54 dự án chưa triển khai thực hiện hoặc mới thực hiện một phần. Nhiều dự án phải tạm dừng, giãn hoãn tiến độ và điều chỉnh nhiều lần hình nhưng vẫn chưa thực hiện được gây lãng phí nguồn lực đất đai. Có dự án điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giãn tiến độ thực hiện, thay đổi chủ đầu tư... nhưng hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Một số chủ đầu tư lập dự án với mục đích đầu cơ, chuyển nhượng dự án, cố tình chây ì không thực hiện dự án hoặc thực hiện cầm chừng để kéo dài thời gian thực hiện chuyển nhượng.

Bên cạnh đó còn một số dự án khu đô thị thu hồi đất nông nghiệp diện tích lớn, nhưng chậm được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, không phát huy hiệu quả sử dụng đất. Một số khu đô thị, khu dân cư đã đầu tư cơ bản về kết cấu hạ tầng nhưng việc xây dựng nhà ở trên thực tế còn rất ít.

>>Hải Phòng sẽ thu hồi đất “vàng” của Công ty May Hai

>>Hà Nội sẽ thu hồi 7 ô đất bỏ hoang để xây trường học

Tính đến 30/9/2022, trên địa bàn tỉnh có 62 doanh nghiệp cổ phần hóa và 3 doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa với tổng diện tích đất sử dụng hơn 687ha. Hầu hết các doanh nghiệp cổ phần hóa có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, sử dụng đất đúng mục đích... Tuy nhiên, có 16 doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định, 2 doanh nghiệp để hoang hóa không sử dụng hết diện tích đất được giao, 17 doanh nghiệp không có phương án sản xuất kinh doanh mà cho thuê lại đất không đúng nội dung đề án đã phê duyệt, 6 doanh nghiệp tự ý chuyển mục đích từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở kết hợp với kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương cho biết, còn một số hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất của các doanh nghiệp sau chấp thuận đầu tư và công tác quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, như: cơ cấu chấp thuận dự án của tỉnh chưa hợp lý vì các dự án khu dân cư, đô thị chiến diện tích lớn; nhiều dự án tạm dừng, giãn hoãn tiến độ chưa được triển khai; doanh nghiệp không sử dụng đất “vàng” đúng mục đích gây hệ lụy về cảnh quan, môi trường, gây lãng phí nguồn lực…

Giao trách nhiệm người đứng đầu

Ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, UBND tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, gia hạn nhiều lần gây lãng phí, vi phạm quy định pháp luật và xử lý nghiêm các doanh nghiệp sau cổ phần hoá vi phạm trong sử dụng đất. 

UBND tỉnh Hải Dương giao trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, phân loại các dự án tồn đọng và lên phương án xử lý cụ thể, đặc thù trong từng nhóm vấn đề được Đoàn giám sát nêu ra. Bên cạnh đó, cần kiểm tra thực tế triển khai các dự án, nhất là các dự án đã bàn giao đất nhưng chưa triển khai, triển khai sai mục đích, chậm tiến độ, dừng thực hiện.

Ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, sẽ

Ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, sẽ kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, gia hạn nhiều lần (ảnh: Báo Hải Dương)

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đề nghị Đoàn giám sát kiến nghị Trung ương sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong chính sách, quy định pháp luật liên quan đến cổ phần hoá doanh nghiệp và sử dụng đất.

Đồng tình với quan điểm của ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh này cũng đề nghị, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ gây lãng phí, ưu tiên thu hút dự án quy mô lớn, tạo nguồn lực phát triển kinh tế vùng. Trước mắt, tỉnh cần xem xét thu hồi một số dự án chậm tiến độ trong nhiều năm, đã điều chỉnh nhiều lần nhưng chưa thực hiện gây bức xúc trong dư luận như Dự án Nhà máy chế biến, tổng kho rau củ quả xuất khẩu của Công ty CP Vinamit...

Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Hải Dương quan tâm, bố tri kinh phí nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong thống kê, lưu trữ dữ liệu đất đai, nâng cao chất lượng thẩm định dự án. Ngành thuế cần thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp, đặc biệt tại các dự án chậm tiến độ. 

Đến thời điểm này, Công ty CP Vinamit có diện tích đất vi phạm lớn nhất, đó là tại dự án Nhà máy chế biến - Tổng kho bảo quản rau, củ quả và mô hình giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp khi để hoang hóa gần 350.000m2 đất tại thôn Phú Lương, xã Nam Đồng, thành phố Hải Dương.

Được biết, dự án dự án Nhà máy chế biến - Tổng kho bảo quản rau, củ quả và mô hình giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp của Công ty CP Vinamit được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào cuối năm 2007.

Theo kế hoạch, ở đây sẽ xây dựng nhà máy sản xuất nước ép đóng chai quy mô 500 lít/giờ; chế biến nông sản; kho cấp đông, trữ đông quy mô từ 3.000 - 4.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn có mô hình giới thiệu quy trình sản phẩm nông nghiệp.

Ngày 15/7/2011, tại xã Nam Đồng, thành phố Hải Dương, Công ty Cổ phần Vinamit tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm kể từ lễ khởi công, dự án của Công ty CP Vinamit vẫn để “treo”, dù nhiều lần được gia hạn tiến độ.

Có thể bạn quan tâm

  • Gỡ khó thu hồi đất

    Gỡ khó thu hồi đất

    11:00, 20/11/2022

  • Nghệ An thu hồi nhiều dự án chậm tiến độ ở đô thị biển Cửa Lò

    Nghệ An thu hồi nhiều dự án chậm tiến độ ở đô thị biển Cửa Lò

    03:00, 09/11/2022

  • GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: 7 giải pháp gỡ khó trong thu hồi đất

    GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: 7 giải pháp gỡ khó trong thu hồi đất

    03:00, 07/11/2022

  • Hải Phòng sẽ thu hồi đất “vàng” của Công ty May Hai

    Hải Phòng sẽ thu hồi đất “vàng” của Công ty May Hai

    15:00, 31/10/2022

LAN VŨ