Bình Dương phát triển công nghiệp xanh, bền vững
Tỉnh Bình Dương đang tập trung phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với vành đai công nghiệp dọc hành lang 3, 4 và các tuyến cao tốc.
>> Bình Dương xây dựng chính quyền phục vụ
Tỉnh Bình Dương cũng đề ra 2 giai đoạn phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ - thông minh - bền vững, xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, BigData…
Phát triển các khu công nghiệp thông minh
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ngày 26/11, tại TP. Vũng Tàu, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương đang tập trung phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với vành đai công nghiệp dọc hàng lang 3, 4 và các tuyến cao tốc.
Là địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao của cả nước đã đặt Bình Dương đứng trước thách thức phải sớm đương đầu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Xác định đây không chỉ là bài toán về năng suất lao động, phát triển kinh tế, mà còn là bài toán phát triển bền vững, bài toán bình đẳng xã hội, phát triển bao trùm và đồng đều, bài toán đô thị hóa, kết nối, hội nhập phát triển.
Theo ông Võ Văn Minh, Bình Dương đã xây dựng chiến lược 6 trụ cột để vượt qua bẫy thu nhập trung bình thông qua việc vượt qua 6 bẫy thành phần gồm: Vượt bẫy phát triển gián đoạn thông qua phát triển kế thừa; vượt bẫy năng suất lao động tổng hợp thông qua phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo; vượt bẫy đô thị hóa thông qua phát triển tích hợp; vượt bẫy môi trường sinh thái thông qua phát triển bền vững; vượt bẫy phụ thuộc thông qua phát triển đa phương; vượt bẫy bất bình đẳng thông qua phát triển bao trùm, đồng đều.
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp mới, gắn liền với mạng lưới công nghiệp của vùng Đông Nam bộ.
Bình Dương xác định tiếp tục nâng cấp mô hình phát triển công nghiệp của tỉnh nhằm từng bước rời xa thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai. Thông qua việc chuyển đổi mô hình phát triển từ công nghiệp - đô thị - dịch vụ sang các mô hình phát triển mới, gồm 2 giai đoạn.
Giai đoạn I, phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ - thông minh - bền vững, xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, BigData...để giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh trong hệ sinh thái của Bình Dương một cách nhanh chóng và hiệu quả, nhằm gia tăng năng suất lao động và thu hút các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.
Giai đoạn II là phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ quốc tế - đổi mới sáng tạo - khoa học công nghệ xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ thu hút các viện, trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số nhằm thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Đẩy mạnh liên kết vùng
Để đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ và nâng cao tính năng động của các địa phương trong vùng như tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Dương đã kiến nghị sớm hoàn thành quy hoạch vùng làm cơ sở triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối; có các chính sách để các địa phương phối hợp trong công tác đào tạo, thu hút và cung ứng lao động; xem xét cơ chế thúc đẩy, phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp với điều kiện từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam bộ trong điều tiết ngân sách cũng như quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho các tỉnh trong vùng nói chung và Bình Dương nói riêng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực...
Để tăng hiệu quả kinh tế và tính liên kết của các địa phương trong vùng, tỉnh Bình Dương kiến nghị bổ sung phạm vi nghiên cứu tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối đến ga An Bình được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt quy hoạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Bổ sung định hướng quy hoạch khu vực ga An Bình (TP.Dĩ An) trở thành ga trung tâm mang tính lưỡng dụng của cả khu vực phía Nam dựa trên cơ sở nghiên cứu Quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành tuyến ga, Quy hoạch đường sắt khu vực đầu mối TP.Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, nhằm hình thành trục giao thông Đông Tây kết nối vùng từ cửa khẩu Hoa Lư đến các khu công nghiệp của huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đến cảng thủy nội địa An Tây, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, tỉnh Bình Dương kiến nghị bổ sung tuyến đường phía tây Quốc lộ 13 - Khu công nghiệp Bàu Bàng đến đường ĐT 749A - Khu công nghiệp Rạch Bắp dài khoảng 22,6km, với quy mô đầu tư mặt cắt ngang 48m, 8 làn xe. Ước tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện công trình này khoảng là 4.965 tỷ đồng.
Để chia sẻ gánh nặng với giao thông đường bộ của tỉnh và của Vùng, đặc biệt là giải quyết vấn đề về vận tải hàng hóa xuyên suốt từ các tỉnh phía Bắc của Vùng với hệ thống cảng biển phía Nam ở TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai, tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị bổ sung quy hoạch hệ thống các cảng biển đường sông như Cảng An Tây và Cảng Thạnh Phước giai đoạn II vào quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.
Qua 25 năm hình thành và phát triển, quy mô kinh tế của tỉnh Bình Dương tính đến cuối năm 2021 đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần so với năm 1997, đứng thứ 03 cả nước sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong đó, nông nghiệp tăng 14,2 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần, và đặc biệt công nghiệp tăng 140,6 lần. Bình Dương đứng đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người, thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) sau TP. Hồ Chí Minh, đứng thứ 03 về tổng thu nội địa và về tỷ lệ trích nộp vào ngân sách Trung ương (64%)...Thành quả trên đã đưa Bình Dương đã trở thành một trong những địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao, với GRDP bình quân đầu người 7.000 USD/người/năm.
Quá trình phát triển đó đã giúp Bình Dương bước đầu tích lũy được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị tương đối đồng bộ, thể hiện qua việc sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc tuyến đường Vành đai 3 và một số đoạn thuộc đường Vành đai 4 đi qua tỉnh, kết nối trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh như Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế.
Có thể bạn quan tâm