“Nút thắt” thương mại vùng biên Nghệ An
Hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa Nghệ An và Lào còn đơn điệu, chưa bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế hai bên trong thời gian qua.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 468.281 km đường biên giới quốc gia trên đất liền với 105 mốc quốc giới, 44 cọc dấu đi qua 6 huyện, 27 xã khu vực biên giới, tiếp giáp 21 bản, 6 huyện thuộc 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay của Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Thương mại còn nhỏ lẻ
Trên tuyến cửa khẩu biên giới đất liền của Nghệ An với Lào có 1 cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn; 1 cửa khẩu chính Thanh Thủy; 3 cặp cửa khẩu phụ: Thông Thụ/Quế Phong, Tam Hợp/Tương Dương, Cao Vều/Anh Sơn; 4 lối mở biên giới (Ta Đo/ Mường Típ; Buộc Mú/ Na Ngoi, Keng Đu/xã Keng Đu và Xiềng Trên/xã Mỹ Lý thuộc huyện Kỳ Sơn). Bên cạnh đó, Nghệ An hiện có 4 lối mở chủ yếu dành cho cư dân biên giới hai bên qua lại thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt suốt thời gian qua.
Đến nay, ngoại trừ Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn được đầu tư khá bài bản, khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới giữa Nghệ An và nước bạn Lào còn nhiều hạn chế. Hiện có khoảng 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hoạt động thương mại biên giới với hàng hoá nhỏ lẻ, mang tính chất thương vụ, chưa mang tính lâu dài.
Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, chợ phiên biên giới Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn họp vào Chủ nhật hàng tuần, nhờ đó lượng khách du lịch qua lại huyện Kỳ Sơn đang tăng lên đáng kể. Cư dân biên giới tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn có nhiều hoạt động trao đổi hàng hóa với cư dân biên giới của Lào. Tuy nhiên, số lượng và giá trị còn nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng biên.
Tại Nghệ An, ngoài Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn thì Cửa khẩu Thanh Thủy cũng có vị trí rất thuận lợi để phát triển giao thương với nước bạn Lào vì chỉ cách TP. Vinh khoảng 50 km, cách Cảng Cửa Lò và Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An khoảng hơn 60 km. Tuy nhiên đến nay, hoạt động thương mại ở Cửa khẩu Thanh Thuỷ vẫn chủ yếu ở dạng tiềm năng.
Ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu Sở Công Thương Nghệ An cho rằng: “Việc phát triển thương mại biên giới giữa Nghệ An và các tỉnh của nước bạn Lào trong những năm qua còn nhiều khó khăn, thách thức. Trên thực tế, hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa Nghệ An và Lào còn đơn điệu, chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế hai bên. Các mặt hàng lưu thông giữa hai bên chủ yếu là hàng nông sản, vật liệu xây dựng có giá trị và mức thu thuế thấp”.
Vướng ở hạ tầng kinh tế
Tiềm năng, lợi thế phát triển thương mại vùng biên tỉnh Nghệ An là vậy, tuy nhiên, theo Sở Công Thương Nghệ An, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Nghệ An sang Lào chỉ chiếm 1,7% tổng kim ngạch toàn tỉnh. Từ năm 2018 đến quý I/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Nghệ An và Lào đạt hơn 139 triệu USD.
Đại diện một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho rằng, do hàng hóa giao thương qua các khu vực này rất hạn chế, nên giá trị kinh tế mang lại còn chưa cao.
Chẳng hạn, khoảng cách từ Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đến Viêng Chăn (Lào) và sang Thái Lan có khoảng cách trên 500 km, nên các loại hàng hóa có giá trị xuất, nhập khẩu cao không về qua con đường này. Vì vậy, hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn chủ yếu là các mặt hàng thô sơ có thuế suất bằng không.
Thương mại vùng biên ở Nghệ An vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa có vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ. Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh còn yếu. Chưa kể, hệ thống hạ tầng giao thông chưa phát triển, dẫn đến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, hạ tầng công nghiệp, thương mại khu vực biên giới chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển, thiếu trung tâm logistics, kho hàng, chợ, trung tâm thương mại đều chưa hoạt động tốt.
Được biết, nhằm gỡ “nút thắt” hạ tầng, thúc đẩy giao thương, ngoài Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, thì từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nâng cấp Cửa khẩu Thanh Thủy, thành cửa khẩu Quốc gia. Và đến năm 2013, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch Cửa khẩu Thanh Thủy với tổng diện tích 21,97 ha để xây dựng các khu chức năng.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 cũng đã xác định: Đẩy mạnh phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy, nâng cấp Cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy thành cửa khẩu quốc tế, trở thành đầu mối giao thương quan trọng với Lào, Thái Lan, Myanmar.
Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho rằng, tiềm năng, cơ hội giao thương khu vực cửa khẩu của Nghệ An rất lớn; chủ trương về phát triển cửa khẩu, thương mại biên giới được Đảng, Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, việc thực hiện rất khó khăn, đòi hỏi giải pháp tổng thể, đồng bộ. Trong đó, một trong những khó khăn đặt ra hiện nay là vấn đề phát triển hạ tầng kinh tế các cửa khẩu.
Mới đây, khi tiến hành thị sát khu vực cửa khẩu Thanh Thuỷ, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương khảo sát thực tế phục vụ tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW đã đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục thống kê đầy đủ các thông tin có liên quan về phát triển cửa khẩu Thanh Thủy để có cơ sở đề xuất những vấn đề cần thiết đối với cấp có thẩm quyền.
Có thể bạn quan tâm