Quảng Ninh và bài toán thu hút nguồn vốn FDI
Mục tiêu thu hút vốn FDI năm 2022 của tỉnh 1,5 tỷ USD là hoàn toàn có cơ sở, tuy nhiên đến nay chưa đạt theo kế hoạch.
>>>Quảng Ninh thúc đẩy giao thương hàng hoá qua biên giới
Theo đó, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nguồn đất san lấp, hạ tầng các KCN còn đầu tư nhỏ giọt đó là những nguyên nhân hút vốn FDI của tỉnh đến nay chưa đạt được kế hoạch đề ra.
Xây dựng KCN đồng bộ hút vốn FDI
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Ninh, cho rằng: “Nguyên nhân việc thu hút nguồn FDI năm 2022 không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, là do tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID; ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine; việc cắt giảm sản lượng xăng dầu thế giới; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu bị đứt gãy; hoạt động xuất, nhập khẩu, thông quan hàng hóa, cước phí vận tải biển cao”.
Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư còn thiếu tính đồng bộ và tính chiến lược; các hình thức xúc tiến đầu tư chưa đa dạng, lực lượng xúc tiến đầu tư mỏng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Công tác hoàn thiện mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật của các KCN, KKT còn chậm.
Vậy vấn đề đặt ra, phải tạo dựng được quỹ đất sạch và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn thiện, hiện đại cho các KCN, KKT. Cùng với đó là việc đổi mới cả nội dung và hình thức công tác xúc tiến đầu tư, cả tại chỗ và đầu tư mới, ở cả cấp địa phương và cấp doanh nghiệp, tránh tình trạng tỉnh, đặc biệt là các cấp lãnh đạo tỉnh quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo nhưng tự thân các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN lại không nhiệt tình... Tỉnh cũng cần tranh thủ sự ủng hộ, trợ giúp của các bộ, ngành Trung ương trong kết nối, giới thiệu; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại ở nước ngoài, ông Cường khẳng định.
Về vấn đề này Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh - Nguyễn Xuân Ký lưu ý, thời gian tới cần triển khai một số giải pháp, đối với 500ha đất sạch chuẩn bị đầu tư, các cơ quan chức năng lên kế hoạch thu hút đầu tư. Đồng thời rà soát lại quy hoạch các KCN. Trong đó, có đánh giá thực trạng về vấn đề quản lý sử dụng đất, vấn đề đầu tư hạ tầng trong và ngoài KCN. Qua đó đảm bảo sự kết nối đồng bộ giữa trong và ngoài KCN với hạ tầng thiết yếu, giao thông, điện, nước, nhà ở cho công nhân lao động. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh tập trung đánh giá lại mô hình cơ quan xúc tiến đầu tư để xây dựng lại cơ quan đầu mối năng lực, đảm bảo hiệu lực hiệu quả hoạt động với sự thống nhất cao nhất; phân định rõ trong và ngoài KCN.
Giải bài toán khan hiếm nguyên vật liệu
Lý do thu thu hút vốn FDI năm 2022 của tỉnh 1,5 tỷ USD là hoàn toàn có cơ sở nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Lý giải thêm về vấn đề này ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: vướng mắc trong GPMB, nguồn đất san lấp, trách nhiệm này thuộc về chính quyền các địa phương liên quan; hạ tầng các KCN còn đầu tư nhỏ giọt, chưa thực sự quyết liệt nên chưa thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư thứ cấp. Trong năm 2023, đồng chí khẳng định trước Kỳ họp sẽ yêu cầu các chủ đầu tư cam kết về tiến độ đầu tư hạ tầng các KCN, đẩy mạnh thu hút đầu tư các nhà đầu tư chiến lược sử dụng công nghệ sạch, tiên tiến, hiện đại, ít lạm dụng, thâm hụt nguồn lực lao động, tài nguyên môi trường.
Lý giải về vấn đề này ông Trần Như Long - Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ninh, cho biết: Thực hiện Luật Khoáng sản từ năm 2019 đến nay, Sở TN&MT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương và ngành Than tham mưu UBND tỉnh và Bộ TN&MT xem xét giải quyết một số cơ chế chính sách cấp phép cho sử dụng đất đá thải mỏ đến nay đã có những kết quả nhất định.
Hiện, trên địa bàn tỉnh đã có 4 trường hợp được Bộ TN&MT đồng ý cho khai thác thu hồi, với tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m3. Thời gian tới, dựa trên nhu cầu thực tiễn và đề xuất của các đơn vị ngành Than, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh triển khai nội dung trên, đồng thời xác định 32 vị trí bãi thải mỏ để khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ có thể làm vật liệu san lấp đưa vào Phương án bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh.
So sánh kinh phí từ việc dùng đất đá thải mỏ và vật liệu san lấp thông thường, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, với 1 m3 đất, đá thải mỏ để đưa ra san nền sẽ gồm 2 nhóm chi phí, gồm: chi phí bốc xếp, vận chuyển đất, đá thải mỏ từ bãi thải mỏ đến điểm tập kết và chi phí từ điểm tập kết đến dự án.
Do đó về giải pháp, ngành đề nghị khi lựa chọn đất, đá thải mỏ phục vụ san lấp phải lựa chọn điểm thuận lợi về chất lượng, khoảng cách, nhất là gần với điểm trung chuyển của ngành Than để giảm chi phí. Đồng thời, xây dựng, tính toán phương án vận chuyển tối ưu hóa để giảm chi phí tối đa, nên tận dụng tối đa các bến bốc xúc của ngành Than. Về phía ngành xây dựng, ngành cũng sẽ có trách nhiệm thẩm tra, công bố đơn giá trần tối đa áp dụng cho 1m3, nguyên tắc là sẽ tính đúng, tính đủ để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, tạo điều kiện thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, ông Trần Như Long - Giám đốc Sở TN&MT cho biết, địa phương này tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả và sự phù hợp của việc thực hiện chủ trương, chính sách tăng cường sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp trong bối cảnh hiện nay, vừa giải quyết được vấn đề khó khăn trong nguồn vật liệu san lấp, hạn chế khai thác đất đồi, hạn chế phá vỡ cảnh quan tự nhiên, đồng thời tiết kiệm, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Đặng Thanh Hải - Tổng giám đốc TKV - việc sử dụng đất, đá thải mỏ vào san lấp mặt bằng các dự án, công trình đạt nhiều mục đích. Trong đó, sẽ góp phần giảm độ cao, diện tích chiếm dụng đất của các bãi thải; đồng thời giảm khai thác, sử dụng các đồi đất tự nhiên, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới cảnh quan, môi trường…
Cũng theo ông Nguyễn Sỹ Hiên, Công ty CP Đầu tư xây dựng TPC (Tập đoàn Vingroup) - đơn vị đang triển khai một số dự án trên địa bàn tỉnh, cho biết: Hiện công ty cần nhu cầu sử dụng 224 triệu m³ vật liệu san lấp một số dự án. Trong đó, đơn vị có thể cân đối 80 triệu m³, còn lại thiếu hơn 140 triệu m³. Doanh nghiệp đang hợp đồng với TKV lấy nguồn đất đá thải mỏ phục vụ san lấp một số dự án. Việc dùng đất đá thải mỏ san lấp các dự án trên địa bàn Quảng Ninh là chủ trương lớn, hướng đi đúng của tỉnh, trong bối cảnh địa phương đang cần số lượng lớn về nguyên liệu san lấp mặt bằng. Điều này giúp địa phương có thể chủ động tìm được nguồn vật liệu phù hợp thay thế dần việc san gạt đồi lấy đất phục vụ san lấp mặt bằng các dự án.
Có thể bạn quan tâm