Tiền Giang: Phát triển hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư

VIỆT NGA 15/12/2022 21:36

Hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ ở cả 2 lĩnh vực trong tỉnh và liên kết vùng là đòn bẩy tạo đột phá thu hút đầu tư vào Tiền Giang.

>>Phong trào thanh niên khởi nghiệp ở Tiền Giang

Phong trào thanh niên khởi nghiệp ở Tiền Giang

Phong trào thanh niên khởi nghiệp ở Tiền Giang

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết, việc tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông mang tính kết nối liên vùng đã tạo sức bật lớn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Kết nối đồng bộ

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, Tiền Giang đã và đang huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương, các thành phần kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt.

Sở Giao thông vận tải đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp Bộ Giao thông vận tải cùng các sở, ngành đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu; Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre; Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo – giai đoạn 2; Dự án mở rộng các cầu trên Quốc lộ 1; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường đi bộ An Hữu – Cao Lãnh; Dự án Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền); Đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1); Đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định…

>>Tiền Giang tạo “sức bật” cho doanh nghiệp

Đặc biệt, Dự án Đường cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đã đưa vào khai thác sử dụng từ 4/2022 đã mở ra trục không gian phát triển mới cho Tiền Giang.

Trước đó, năm 2021, tỉnh Tiền Giang đã đưa vào sử dụng 05 công trình cầu trọng điểm trên địa bàn với kinh phí đầu tư trên 638 tỷ đồng. Ông Bon nhận cho rằng, việc đầu tư xây dựng công trình 05 cầu trên được đầu tư trên trục giao thông chính của tỉnh tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Tiền Giang. Các công trình này không chỉ giúp việc giao thông của người dân địa phương thuận lợi mà còn góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông giữa các vùng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng của địa phương.

Khơi thông nguồn lực

Với nền tảng đã có, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết: Trong năm 2023 và những năm tiếp theo Tiền Giang sẽ tập trung giải quyết thủ tục đầu tư các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn đầu tư công để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần đảm bảo an toàn giao thông. “Sở luôn lựa chọn nhà thầu thi công đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện thi công các dự án, đồng thời nâng cao trách nhiệm quản lý của chủ đầu tư nhằm đảm bảo quá trình thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Chúng tôi cũng sẽ linh động điều chuyển vốn giữa các dự án với nhau, điều chuyển vốn giữa các chủ đầu tư với nhau để ưu tiên chuyển bố trí vốn cho các dự án, các chủ đầu tư có khối lượng hoàn thành đủ điều kiện giải ngân vốn”- ông Trần Văn Bon nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Bon: Hiện nay, đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chủ yếu từ nguồn đầu tư công từ phía Nhà nước, chưa thu hút được nhiều các nguồn vốn tư nhân, số ít các dự án giao thông được đầu tư nhưng theo hình thức giao thông đô thị kết hợp với khai thác quỹ đất hai bên đường, chính vì vậy ngoài sử dụng nguồn vốn đầu tư công, giai đoạn tiếp theo Tiền Giang sẽ tạo các điều kiện để thu hút các nguồn vốn khác, đặc biệt là nguồn vốn tư nhân.

>>Vincom đồng loạt khai trương 2 trung tâm thương mại mới tại Tiền Giang và Bạc Liêu

Để có thể làm được điều này, phát triển giao thông sẽ gắn liền với định hướng phát triển chung, đặc biệt là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để mời gọi đầu tư, kết hợp với đường giao thông kết nối từ các tuyến giao thông trục chính như Quốc lộ, đường tỉnh đến các KCN, CCN; lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường giao thông mới mang tính chiến lược phát triển kinh tế của địa phương.

Ngoài ra, Tiền Giang sẽ chủ động hơn nữa trong công tác tiếp xúc , đối thoại, mời gọi các nhà đầu tư; có giải pháp đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận các nguồn vốn hợp pháp.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ chế chính sách trên lĩnh vực quản lý nhà nước về giao thông vận tải theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo nguyên tắc “3 giảm, 4 tại chỗ, 8 công khai”; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải; tăng cường giải quyết dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân lưu thông hàng hóa thuận tiện, an toàn.

Khi các dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tiền Giang hoàn thành sẽ tạo “bệ phóng” bứt tốc phát triển đô thị thông minh, góp phần xây dựng Tiền Giang trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, là một trong những tỉnh top đầu của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long vào năm 2045.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiền Giang sẵn sàng… “đất sạch”

    Tiền Giang sẵn sàng… “đất sạch”

    20:04, 01/12/2022

  • Bộ chỉ số DDCI Tiền Giang: Đòn bẩy giúp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

    Bộ chỉ số DDCI Tiền Giang: Đòn bẩy giúp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

    14:00, 28/11/2022

  • Tiền Giang mở rộng không gian phát triển kinh tế

    Tiền Giang mở rộng không gian phát triển kinh tế

    20:57, 26/11/2022

VIỆT NGA