Phân vai cho từng địa phương tại Trung Bộ
Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị đóng vai trò là “kim chỉ nam” trong chặng đường phát triển mới cho các tỉnh Trung Bộ trong đó có Quảng Trị.
>>Quảng Trị: “Đánh đổi” với điện gió
Tại một hội thảo khoa học diễn ra ở Quảng Trị, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung hiến kế: “Quảng Trị nên biết cách tranh thủ sự ủng hộ của trung ương - xuất phát từ đặc điểm lịch sử - đã hy sinh quá nhiều cho chiến tranh và ngay cả thời bình”.
Vai trò địa chính trị của Miền Trung
Hiểu rộng ra, tất cả những gì tàn khốc nhất của các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trong thế kỷ 20 đều xảy ra ở Quảng Trị và các địa phương miền Trung. Yếu kinh tế, kém liên kết là một trong những “kẻ hở” mà kẻ thù thường nhắm đến. Chẳng những thế mà Pháp mở màn xâm lược Việt Nam bắt đầu từ Đà Nẵng để chia nhỏ lãnh thổ.
Những nhà hoạch định chính sách ở Trung ương đã hiểu rằng: Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung có vai trò vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại. Nhất là kinh tế biển gắn với an ninh biển đảo, chủ quyền lãnh thổ.
Thời đại mới, nhưng nguy cơ cũ lại xuất hiện, cũng tại miền Trung với biển, đảo, đất đai chiến lược. Cách phòng trừ tốt nhất là nghĩ cách cho Miền Trung vươn lên, giàu kinh tế, vững chính trị, đậm đà bản sắc văn hóa trên cơ sở đoàn kết thống nhất, ấy chính là phương sách phòng thủ khôn ngoan.
Nói một cách cụ thể, kinh tế biển ngày nay cần được hiện đại hóa, ngư dân đi xa hơn không chỉ tìm kiếm tài nguyên mà còn hiện diện trên bờ cõi Tổ quốc, khẳng định chủ quyền, đập tan âm mưu “mưa dầm thấm lâu” của đối phương.
Tuy nhiên, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển, chưa được khai thác hợp lý, phát huy có hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển.
>>Nắng nóng đỉnh điểm, công suất tiêu thụ điện tại Quảng Trị tăng vọt
Giải bài toán liên kết
Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ban hành. Chỉ rõ tiềm năng, lợi thế cũng như phương sách khắc phục khó khăn ở mắt xích yếu của cả nước.
Một trong những điểm sáng của Nghị quyết là hướng đến không gian nuôi dưỡng động lực tăng trưởng chung. Chấm dứt thời kỳ mạnh ai nấy làm, chia nhỏ sức mạnh vốn đã bị hạn chế bởi các yếu tố địa lý, lịch sử.
Các chuyên gia đã phân tích nhiều về tiềm năng hấp dẫn nhất mà Quảng Trị sở hữu là trung tâm logictics trên hành lang kinh tế Đông - Tây, tuyến vận tải hàng hóa từ Myanmar, Thái Lan, Lào xuống Biển Đông và ngược lại qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
Rõ ràng, chỉ mỗi tỉnh Quảng Trị không đủ tiềm lực xây dựng toàn bộ hệ thống, các nhiệm vụ nên được san sẻ, phân vai cho các địa phương. Đơn cử, phát triển cảng nước sâu ở Huế và Đà Nẵng; kho vận trung chuyển tại Quảng Trị… tạo ra chuỗi cung ứng nội bộ. Nghị quyết nêu rõ: “phân công rõ vai trò nhiệm vụ, trên cơ sở chuyên môn hóa cao phù hợp với lợi thế so sánh từng địa phương”.
Trung tâm năng lượng mới đang hình thành ở Quảng Trị, không chỉ là điện gió mà còn năng lượng hóa thạch trong lòng biển. Nên coi đấy là động lực thúc đẩy ngành nghề, lĩnh vực liên quan.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, mỏ khí Kèn Bầu ở gần bờ biển Quảng Trị có trữ lượng lớn, khi khai thác sẽ cung cấp cho các nhà máy điện khí ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Qua đó, góp phần rất quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế của địa phương.
Quảng Trị với các tỉnh lân cận còn có khả năng liên kết hành lang kinh tế biển, từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Đà Nẵng, bao gồm hệ thống công nghiệp khá đa dạng: luyện kim, xe hơi, năng lượng, du lịch nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh, giáo dục, vận tải đa phương tiện,...
Đặc biệt, hòn ngọc quý của Miền Trung chính là giáo dục, hệ thống Đại học Huế, Đà Nẵng đủ sức đào tạo nhân lực phục vụ chiến lược phát triển lâu dài. Ở đó hội tụ rất đông chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu hoàn toàn có thể tham gia tư vấn chính sách - như mô hình ở Singapore, Thái Lan.
Liên kết và xa hơn là đoàn kết - như tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW mới có thể giúp Quảng Trị tranh thủ được động lực để đi nhanh, đi vững. Đấy không phải là công việc của một người hay một nhiệm kỳ.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Trị: “Đánh đổi” với điện gió
02:00, 15/09/2022
Đằng sau thành công của MDF Quảng Trị
09:59, 06/09/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Lập Hội đồng thẩm định liên ngành dự án thành phần 2 Cảng hàng không Quảng Trị
20:26, 12/10/2022
Kinh tế nông nghiệp Quảng Trị - nhìn từ “chuỗi cung ứng ngắn”
00:00, 25/08/2022
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tri ân tại Quảng Trị
20:38, 13/07/2022