Hải Phòng: Khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế
Không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, mà Hải Phòng còn được xác định là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước.
>>>Hải Phòng: Thúc đẩy các sản phẩm tinh hoa hàng Việt
Động lực tăng trưởng
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, Hải Phòng đã có những bước phát triển đột phá, nhất là trên lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị, cũng như phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội, đây là những tiền đề hết sức quan trọng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động và phát triển.
Chính quyền thành phố chú trọng xây dựng niềm tin của các nhà đầu tư thông qua việc thực hiện đảm bảo các cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng; thông qua việc chung tay tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố của các nhà đầu tư.
Đến nay, thành phố Hải Phòng tiếp tục là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội luôn đạt giá trị cao và đứng trong tốp đầu cả nước. Các dự án FDI lớn chủ yếu là các dự án đầu tư của các nhà đầu tư uy tín, có năng lực tài chính, thái độ đầu tư nghiêm túc đến từ các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Hồng Kông, Singapore…
Đồng thời với việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thành phố đã mời gọi được các tập đoàn kinh tế lớn trong nước đến đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội như: Vingroup, Sun Group, Geleximco, Flamingo... Cùng với những thay đổi từng ngày về diện mạo đô thị, thành phố đã có bước đột phá mạnh mẽ về tăng trưởng kinh tế. Năm 2022, tổng sản phẩm GRDP tăng 12,3% so với cùng kỳ, gấp khoảng 1,5 lần bình quân chung cả nước, quy mô kinh tế đứng thứ 6 cả nước.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác điều hành kinh tế không chỉ ở chính quyền cấp tỉnh mà còn ở các cơ quan tham mưu cấp tỉnh và ở chính quyền cấp quận, huyện, từ năm 2020, thành phố Hải Phòng bắt đầu triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI).
Kết quả khảo sát DDCI đánh giá tính sáng tạo và công tác điều hành kinh tế của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, là cơ sở đề xuất các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng trong công tác điều hành kinh tế tại các ngành, các cấp; đồng thời là căn cứ để Ủy ban nhân dân thành phố đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm củng cố điểm số và thứ hạng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong các năm tiếp theo.
Việc triển khai DDCI của Hải Phòng thể hiện sự quyết tâm của chính quyền thành phố trong việc nâng cao chất lượng quản lý và điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại các Sở, ban, ngành và địa phương. Đây chính là một trong những yếu tố kết hợp để đưa PCI năm 2021 của thành phố thăng hạng lên vị trí Á quân trong bảng xếp hạng và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt.
Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của TP. Hải Phòng được quan tâm đầu tư phát triển mạnh, nhất là hạ tầng giao thông với hàng loạt công trình đường và cầu lớn như cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Rào... và các cầu trên hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh như cầu Dinh, Quang Thanh, Sông Hóa... Các công trình giao thông lớn này không chỉ từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nội bộ, mà còn tăng tính kết nối vùng.
Về mục tiêu phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, quy hoạch đặt ra các chỉ tiêu: tỷ trọng đóng góp GRDP của Hải Phòng vào tổng sản phẩm của cả nước đến năm 2030 phải đạt 10,9 - 11,9%; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 13,5 - 14,5%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt 498 - 543 triệu đồng (giá hiện hành); kinh tế số chiếm 35% GRDP Thành phố; tỷ lệ đô thị hóa đạt 74 - 76%, phát triển không gian đô thị theo mô hình “đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”...
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch có bước phát triển mới, không gian đô thị được mở rộng; kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ. Khu vực đô thị trung tâm Thành phố đã được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, như Khu đô thị Vinhomes Imperia, Vinhomes Marina, khu đô thị ven sông Lạch Tray, Trung tâm thương mại AEON Mall. Các ngõ phố, hè đường được chỉnh trang đồng bộ, hình thành một số cầu vượt, nút giao thông hiện đại.
Hoàn chỉnh để phát triển
Theo ông Lê Trung Kiên – Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng: Trong thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã trở thành một địa chỉ tin cậy, hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước; là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với lợi thế về vị trí địa lý, thành phố luôn nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua các hoạt động: cải cách hành chính, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển hạ tầng, xây dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư thông qua việc thực hiện đảm bảo các cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng, chung tay cùng các nhà đầu tư tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố. Năm 2021, thành phố Hải Phòng là điểm sáng của cả nước và trở thành địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định: Thành phố là một trong số ít địa phương hội tụ đủ 5 loại hình đường giao thông, trong đó nổi bật là tuyến đường ô tô cao tốc hiện đại nối Hải Phòng với Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), đường và cầu ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu container lên tới 12.000 TEU, tương đương 132.000 DWT và Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, thành phố Hải Phòng vẫn đang tiếp tục tập trung nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm như: dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng từ ĐT.353 đến cầu Thái Bình; dự án Mở rộng sân đỗ máy bay và xây dựng nhà ga hành khách số 2 (T2) sân bay Cát Bi, các tuyến đường vành đai thành phố và dự án đầu tư các bến mới tại cảng nước sâu Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng...
Bên cạnh đó, khi đến đầu tư tại Hải Phòng, các nhà đầu tư có thể nhanh chóng tìm được địa điểm đầu tư với ưu đãi lớn nhất tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với tổng diện tích khoảng 22.540 ha và 14 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên là 5.669,75 ha. Đến năm 2025, thành phố sẽ tập trung phát triển và mở rộng 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.418 ha, giai đoạn đến năm 2030 phát triển thêm 1.433 ha diện tích đất khu công nghiệp.
Hiện nay, tại thành phố đã có một số nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp định hướng xây dựng và triển khai khu công nghiệp sinh thái để sẵn sàng quỹ mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư thứ cấp hướng đến mô hình doanh nghiệp xanh gắn với phát triển bền vững.
Ngoài ra, với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, đầy đủ: Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2 với tổng công suất 1.200 MW, hệ thống nhà máy cung cấp nước sạch chất lượng hàng đầu Việt Nam và nguồn lao động lành nghề đến từ 55 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố, các dự án đầu tư tại Hải Phòng sẽ được đáp ứng nhanh và thuận lợi nhất các điều kiện để đi vào hoạt động, kịp thời nắm bắt các cơ hội kinh doanh.
Nhằm hỗ trợ hiệu quả và luôn đồng hành với nhà đầu tư, thành phố đã thành lập và đang vận hành hoạt động rất tốt hai tổ công tác: Tổ công tác giải quyết trình tự, thủ tục của các dự án quan trọng trên địa bàn thành phố và Tổ công tác giải quyết trình tự, thủ tục của các dự án phát triển du lịch. Thành viên các Tổ công tác là các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và lãnh đạo các Sở, ngành. Các Tổ công tác này luôn bám sát các dự án, kịp thời tháo gỡ toàn diện, triệt để các khó khăn, vướng mắc phát sinh, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án của các nhà đầu tư.
Bên cạnh Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, UBND TP đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư kết hợp với nội dung kết nối đầu tư kinh doanh nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI của nhà đầu tư từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đang thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố thông qua hoạt động kết nối nhu cầu tìm kiếm đối tác đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất, xuất - nhập khẩu, logistics, cung ứng sản phẩm đầu vào... v.v, góp phần làm giảm chi phí sản xuất của các nhà đầu tư/doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như tăng năng lực sản xuất, quản lý của doanh nghiệp trong nước tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm