Cà Mau: Dấu ấn chuyển đổi số

THÙY LINH 12/02/2023 14:14

Chuyển đổi số đã giúp thay đổi một cách toàn diện về nhận thức, quy trình làm việc, phương thức điều hành, lmang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

>> Cà Mau: Chuyển đổi số tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau cho thấy, điểm mới, khác biệt so với các tỉnh, thành cả nước trong công tác chuyển đổi số đó là Cà Mau thực hiện chuyển đổi số cho cả hệ thống chính trị. Tức là, bên cạnh việc tập trung vào 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tỉnh đã bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị trực tuyến 03 cấp sơ kết 01 năm triển khai “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) và công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2022.

UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị trực tuyến 03 cấp sơ kết 01 năm triển khai “Đề án 06 và công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2022.

Năm 2022, tỉnh Cà Mau đã tích cực triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa nâng cao nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển 03 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đối với công tác chuyển đổi số, dấu ấn quan trọng năm 2022 chính là sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt và trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh. Hàng loạt văn bản về công tác chuyển đổi số trên địa bàn nhanh chóng được ban hành và khẩn trương đi vào đời sống. Hội nghị Chuyển đổi số cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, với quy mô lớn được tổ chức tại Cà Mau đã nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp, cả hệ thống chính trị về chuyển đổi số tại địa phương.

Việc ký kết hợp tác toàn diện, thực hiện chuyển đổi số giữa các trường đại học với doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn, thoả thuận hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số ở các lĩnh vực được triển khai đã thúc đẩy phát triển 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đến hết năm 2022, Cà Mau đã hoàn thành 21/24 nhiệm vụ do Trung ương giao; hoàn thành 19/25 nhiệm vụ trong kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh. Chuyển đổi số đã giúp thay đổi một cách toàn diện về nhận thức, quy trình làm việc, phương thức điều hành, lãnh đạo, bộ máy chính quyền, mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.   

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai hệ thống cáp quang Internet và phủ sóng mạng di động 3G/4G. 100% cơ quan, đơn vị nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có hệ thống mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao; 99% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính phục vụ công việc chuyên môn. Hệ thống Mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan đảng, nhà nước đã kết nối đến 100% cơ quan cấp xã.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Quốc Chính thông tin khái quát về tình hình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ thông tin tình hình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã thực hiện tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.805/1.851 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đã tích hợp 28 ứng dụng và 19 tiện ích vào Ứng dụng Chính quyền điện tử CaMau-G.

Tính đến nay, ứng dụng CaMau-G đã có trên 10.000 lượt cài đặt. Ứng dụng này không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng sử dụng các dịch vụ số của chính quyền cung cấp mà còn thực hiện tương tác về những điều mắt thấy tai nghe của người dân, doanh nghiệp với chính quyền thông qua chức năng phản ánh hiện trường. Sau hơn 5 tháng triển khai Ứng dụng phản ánh hiện trường CaMau-G, đã tiếp nhận, xử lý hơn 300 phản ánh của người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập tại 45/101 xã, phường, thị trấn, với 343 tổ/1.610 thành viên, đã trực tiếp làm mẫu, hướng dẫn cho khoảng trên 26% số hộ gia đình trong ấp, khóm thuộc xã, phường, thị trấn đã được triển khai, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau Trần Quốc Chính cho biết, công tác truyền thông chuyển đổi số được tăng cường trên các phương tiện truyền thông, qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu, thấy được lợi ích của chuyển đổi số mang lại. Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, làm cho người dân thấy được việc áp dụng công nghệ số là dễ dàng, thiết thực, hữu ích trong đời sống xã hội. Bên cạnh việc xây dựng triển khai các kênh truyền thông phục vụ cho tuyên truyền về chuyển đổi số trên các phương tiện thông tin đại chúng, tỉnh còn có các kênh truyền thông như: “Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau” trên zalo, “Trang thông tin tỉnh Cà Mau” trên Facbook hỗ trợ cho việc tuyên truyền, quảng bá các hình ảnh, sự kiện chuyển đổi số nổi bật của tỉnh...

đại diện lãnh đạo 22 đơn vị được giao chủ trì tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 và CĐS trên địa bàn tỉnh đã ký cam kết triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã ký cam kết triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh cho biết, năm 2023 là năm Dữ liệu số, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu nhằm tạo ra sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cà Mau đặt mục tiêu trọng tâm là tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới trong các ngành, lĩnh vực: dịch vụ công, nông nghiệp, đất đai, giao thông, xây dựng, công thương, du lịch, lao động và việc làm...

"Tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, có đánh giá kết quả hoạt động thí điểm của các Tổ công nghệ số cộng đồng, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện chuyển đổi số… đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân" - ông Nguyễn Minh Luân nhấn mạnh.

Về kinh tế số, trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã triển khai xây dựng “Phần mềm Cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Cà Mau” cho phép lưu trữ, quản lý dữ liệu của ngành nông nghiệp, kết hợp với ứng dụng “Nông nghiệp Cà Mau” sử dụng trên thiết bị di động cung cấp thông tin, dữ liệu trên tất cả các lĩnh vực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang phối hợp với dự án GCF xây dựng phần mềm Truy xuất nguồn gốc thủy sản và đang trong thời gian chạy thử nghiệm; phối hợp với Viettel xây dựng bản đồ số GIS trong nông nghiệp kết hợp với phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp sẵn có.

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thực hiện chuyển đổi toàn bộ dữ liệu địa chính của 06 huyện, thành phố từ phần mềm quản lý đất đai Vilis sang Hệ thống thông tin quản lý đất đai VNPT iLIS, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính và tra cứu thông tin về đất đai cho người dân, doanh nghiệp.

Cổng thông tin Du lịch Cà Mau đã cập nhập dữ liệu thông tin 49 cơ sở lưu trú; 15 nhà hàng; giới thiệu 126 món ẩm thực đặc sản Cà Mau, 13 tour du lịch được đăng bán và 117 điểm đến du lịch trong tỉnh. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 35.500 lượt truy cập, tìm hiểu và mua dịch vụ thông qua Cổng thông tin Du lịch Cà Mau.

Sàn thương mại điện tử tỉnh (madeincamau.com) đã thu hút được 460 tài khoản thành viên, 202 gian hàng và 542 sản phẩm hàng hóa, dịch vụ... Ngoài ra, trên 130 gian hàng với 539 sản phẩm OCOP, nông sản của tỉnh được giới thiệu trưng bày trên các sàn thương mại điện tử: voso.vn, postmart.vn.

100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và 939 hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử; dịch vụ Mobile Money của VNPT và Viettel hiện nay có trên 21.000 tài khoản của người dân đăng ký sử dụng để thanh toán không dùng tiền mặt; có hơn 19.580 chữ ký số cá nhân (chữ ký số công cộng) đã triển khai trong các đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Cà Mau mời gọi đầu tư 14 dự án

    Cà Mau mời gọi đầu tư 14 dự án

    17:36, 18/11/2022

  • Cà Mau tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân

    Cà Mau tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân

    07:19, 13/10/2022

  • Cà Mau kiến nghị nâng cấp, mở rộng đường về Đất Mũi

    Cà Mau kiến nghị nâng cấp, mở rộng đường về Đất Mũi

    08:18, 27/09/2022

  • Cà Mau: Chuyển đổi số tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

    Cà Mau: Chuyển đổi số tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

    19:02, 14/09/2022

  • Cà Mau: Xử lý kịp thời những kiến nghị qua app phản ánh hiện trường

    Cà Mau: Xử lý kịp thời những kiến nghị qua app phản ánh hiện trường

    15:56, 25/08/2022

THÙY LINH