Nam Định: Đặt mục tiêu cực phát triển quan trọng của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng và cả nước
Nằm trong mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tỉnh Nam Định là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tỉnh phát triển toàn diện, ổn định - bền vững.
>>>Nam Định: Tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư
Phấn đấu đưa Nam Định trở thành một trong những tỉnh khá, là cực phát triển quan trọng của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Định hướng lớn
Ngày 18/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành các Nghị quyết số 04-NQ/TU, 05-NQ/TU, 06-NQ/TU, 07-NQ/TU, 08-NQ/TU khai mở không gian phát triển mới, mạnh mẽ, toàn diện với những đột phá để đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng như mục tiêu Đại hội Đảng bộ lần thứ XX đề ra. Phấn đấu đến năm 2025, Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm khá của cả nước, giai đoạn 2021 - 2025, thu hút đầu tư trên 80.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 2 tỷ USD.
Theo Nghị quyết 04, là xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là nâng cao vai trò chỉ đạo, điều hành, năng động, tiên phong của lãnh đạo các cấp, các ngành, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư.
Nghị quyết 05 đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất của 3 huyện chiếm trên 45% so với toàn tỉnh, thu ngân sách đạt khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Các huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 200 triệu đồng/người/năm. Đô thị Thịnh Long và Rạng Đông là đô thị loại III, thị trấn Hải Phú, Hải Đông (huyện Hải Hậu); Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Hưng) là đô thị loại V.
Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã đề ra như tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, đô thị đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tính kết nối. Phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh, chủ lực như: cảng biển, sản xuất thép, xi măng, đóng tàu, dệt may... công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đẩy mạnh đầu tư mới hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Sớm hoàn thành giai đoạn I Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông và triển khai giai đoạn II.
Phát triển nhanh, đa dạng thương mại, dịch vụ, du lịch. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm cộng đồng gắn với phát triển các địa điểm du lịch như Vườn Quốc gia Xuân Thủy, các khu du lịch Quất Lâm, Thịnh Long... Hình thành các tour du lịch biển gắn với du lịch văn hóa, tâm linh và liên tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng, dịch vụ vận tải biển, hình thành các chuỗi cung ứng vận tải biển, tổng kho phân phối, hoàn thiện hạ tầng logistics kết nối liên thông với các cảng biển lớn của khu vực. Xây dựng lộ trình xây dựng, mở rộng, nâng cấp cảng tiếp nhận các tàu trọng tải lớn, cảng biển chuyên dùng phục vụ Khu kinh tế Ninh Cơ, Khu công nghiệp Rạng Đông...
Tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.
Nghị quyết 06 về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu, đến năm 2025, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn Nam Định giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; xã hội nông thôn dân chủ, đoàn kết, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thực sự là miền quê thanh bình, thịnh vượng.
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, Nam Định đã đề ra 7 giải pháp nhiệm vụ chủ yếu, trong đó trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối liên vùng. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững.
Nghị quyết 07 về xây dựng TP. Nam Định phát triển nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng ngang tầm với các thành phố loại I của cả nước, đến năm 2030, trở thành thành phố thông minh, hiện đại, đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân trên 17%/năm, thương mại, dịch vụ trên 10%/năm. Đến năm 2025, giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, thu ngân sách đạt trên 4.000 tỷ đồng.
Sớm hoàn thành mở rộng địa giới hành chính thành phố theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; nâng cấp ít nhất 2 xã thành phường, đảm bảo quy mô, không gian và các điều kiện đô thị trung tâm vùng.
Chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Theo ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: Năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nam Định đạt cao nhất từ trước đến nay – 9,07%. Nam Định đã có những bước chuyển dịch cơ cấu hiệu quả khi công nghiệp được xác định là động lực kinh tế của tỉnh. Sản xuất công nghiệp tăng 14,3%. Thu ngân sách đạt 8.000 tỷ đồng, bằng 121% dự toán.
Theo ông Nghị, để đạt được những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội như trên, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp như: Tập trung xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả 05 Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số. Thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Năm 2022 cũng là năm đánh dấu mốc đáng nhớ trên bảng xếp hạnh Chỉ số PCI. Chỉ số PCI 2021 của Nam Định đã vươn lên đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố (tăng 16 bậc so với năm 2020), thuộc nhóm xếp hạng khá cả nước.
Trong năm đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, khảo sát, nghiên cứu vào đầu tư. Năm 2022, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 32 dự án trong nước và 6 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 31.187 tỷ đồng và 38 triệu USD. Đặc biệt đã chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, Nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định… với tổng vốn đầu tư 98.900 tỷ đồng.
Đưa vào hoạt động trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện, Nam Định đã tích cực hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để đưa Nam Định thành cực phát triển của Nam Đồng bằng sông Hồng ông Phạm Gia Túc - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho rằng: Nam Định sẽ tiếp tục gia tăng quy mô nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học và công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng chất lượng cao. Chủ động đề ra các giải pháp tổng thể và những giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực, ngành, địa phương, đơn vị để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng mà Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua.
Triển khai hiệu quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững; gắn kết chặt chẽ với phát triển công nghiệp, dịch vụ , quá trình đô thị hóa “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Phấn đấu cơ bản hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án có vốn lớn, công nghệ cao, góp phần phát triển xanh, bền vững, đóng góp nhiều vào ngân sách tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, khối đại đoàn kết toàn dân, tạo đồng thuận trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, triển khai dự án, công trình trọng điểm, đột phá, tăng tốc tạo động lực mới cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm