Định vị Cà Mau trên “bản đồ” chuyển đổi số
Cà Mau đã và đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chuyển đổi số đạt hiệu quả cao nhất, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Cà Mau với với DĐDN.
>> Cà Mau: Dấu ấn chuyển đổi số
Cà Mau xác định chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể, căn bản và toàn diện hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cả hệ thống chính trị, phương thức sản xuất, kinh doanh, phương thức sống, làm việc của người dân dựa trên công nghệ số, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương.
- Thưa ông, chuyển đổi số đã tác động và làm thay đổi những vấn đề cụ thể ở địa phương ra sao?
Cà Mau đã ban hành các văn bản cụ thể hóa, tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số theo ngành, lĩnh vực, bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Theo đó, hạ tầng mạng viễn thông được phủ rộng từ tỉnh đến cơ sở; hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã kết nối, liên thông 03 cấp và kết nối với Trung ương; 100% cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đã triển khai Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử, phục vụ cho việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; các ứng dụng triển khai trên nền tảng di động phục vụ tổ chức, người dân, doanh nghiệp bước đầu được xây dựng đưa vào vận hành như: Ứng dụng chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G), chữ ký số, phòng họp trực tuyến…
Cà Mau đang triển khai thực hiện đầu tư Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, bao gồm các chức năng nền tảng như: Nền tảng giám sát, điều hành thông minh; Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; Nền tảng giám sát dữ liệu trực tuyến...
- Trên trụ cột kinh tế số, Cà Mau đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã triển khai xây dựng “Phần mềm Cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Cà Mau” cho phép lưu trữ, quản lý dữ liệu của ngành nông nghiệp, kết hợp với ứng dụng “Nông nghiệp Cà Mau” sử dụng trên thiết bị di động cung cấp thông tin, dữ liệu trên tất cả các lĩnh vực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh.
Lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đã thực hiện chuyển đổi toàn bộ dữ liệu địa chính của 06 huyện, thành phố từ phần mềm quản lý đất đai Vilis sang Hệ thống thông tin quản lý đất đai VNPT iLIS, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính và tra cứu thông tin về đất đai cho người dân, doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực du lịch, Cổng thông tin Du lịch Cà Mau đã cập nhập dữ liệu thông tin 49 cơ sở lưu trú; 15 nhà hàng; giới thiệu 126 món ẩm thực đặc sản Cà Mau, 13 tour du lịch được đăng bán và 117 điểm đến du lịch trong tỉnh. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 35.500 lượt truy cập, tìm hiểu và mua dịch vụ thông qua Cổng thông tin Du lịch Cà Mau.
Trong lĩnh vực thương mại, Sàn thương mại điện tử tỉnh (madeincamau.com) đã thu hút được 460 tài khoản thành viên, 202 gian hàng và 542 sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Trên 130 gian hàng với 539 sản phẩm OCOP, nông sản của tỉnh được giới thiệu trưng bày trên các sàn thương mại điện tử: voso.vn, postmart.vn.
Đến nay, 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và 939 hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử; dịch vụ Mobile Money của VNPT và Viettel hiện nay có trên 21.000 tài khoản của người dân đăng ký sử dụng để thanh toán không dùng tiền mặt; có hơn 19.580 chữ ký số cá nhân đã triển khai trong các đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Thời gian tới, Cà Mau sẽ tập trung kế hoạch chuyển đổi số ở các lĩnh vực nào, thưa ông?
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; phát triển kinh tế số, xã hội số; đảm bảo an toàn thông tin mạng và an ninh mạng… Đồng thời, ưu tiên chuyển đổi số ở các lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, thương mại, du lịch, giao thông vận tải, tài chính – ngân hàng, y tế, giáo dục, lao động, việc làm...
Theo đó, Cà Mau sẽ xây dựng nền hành chính phục vụ tận tâm, hiệu quả thông qua các app và nền tảng công nghệ số, đẩy mạnh công tác kết nối người dân, doanh nghiệp và chính quyền, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức... Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực ưu tiên nhằm gia tăng nhanh chóng tỷ trọng kinh tế số trong thời gian tới.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đến năm 2025, Cà Mau cơ bản hoàn thành số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đến năm 2030, số hóa toàn diện các lĩnh vực, kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, chiếm 20% GRDP của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm