Nghệ An thu hút dự án đầu tư thân thiện với môi trường

NGỌC THÁI 23/02/2023 15:56

“Quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế và phải đảm bảo phát triển theo hướng bền vững…”

p/Để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và giữ quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, thời gian tới, Nghệ An sẽ sàng lọc, thu hút các dự án đầu tư gắn với thân thiện với môi trường (ảnh chụp một góc KCN Nam Cấm thuộc KKT Đông Nam Nghệ An)

Để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và giữ quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, thời gian tới, Nghệ An sẽ sàng lọc, thu hút các dự án đầu tư gắn với thân thiện với môi trường (ảnh chụp một góc KCN Nam Cấm thuộc KKT Đông Nam Nghệ An)

Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định như vậy và chỉ đạo ngành Tài nguyên Môi trường phải giám sát, đôn đốc thực hiện Luật Môi trường, kịp thời xử lí các vấn đề ô nhiễm và không chấp thuận các dự án nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Cùng với đó, Nghệ An cũng sẽ “sàng lọc” các dự án đầu tư gắn với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững, ổn định lâu dài để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện.

“Nói không” với dự án có nguy cơ ô nhiễm

Cụ thể, riêng đối với Khu kinh tế Đông Nam, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu đơn vị này phải đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường gắn với chính sách thu hút đầu tư để xây dựng các nhà máy, KCN…

Theo ông Hồ Uyên Vũ – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường (Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An) cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn có 138 doanh nghiệp đi vào hoạt động, với tổng doanh thu ước tính đạt 58.514 tỷ đồng, giải quyết được việc làm cho hơn 30 nghìn lao động.

Các KCN đang hoạt động như: KCN Bắc Vinh, KCN Nam Cấm, KCN VSIP Nghệ An, KCN WHA Nghệ An, KCN Đông Hồi, KCN Hoàng Mai I) đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ, có hệ thống xử lý nước thải tập trung để hoạt động. Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN nói trên cũng đáp ứng được yêu cầu trong công tác bảo vệ môi trường theo quy định, chuẩn mực hiện hành.

Tuy nhiên, để từng bước giám sát, tránh sự cố phát sinh gây nguy hại đến môi trường, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, huy động và phát huy mọi nguồn lực, chung tay bảo vệ môi trường. Cùng với đó, việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường theo định kỳ hoặc đột xuất đặc biệt đối với nhóm dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường, nguy cơ cao xẩy ra sự cố môi trường cũng được thường xuyên triển khai thực hiện.

Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, trong nhiệm vụ điều chỉnh tổng thế quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040, Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Nghệ An đánh giá và nghiên cứu về vấn đề bảo vệ môi trường, đề xuất giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường du lịch biển Cửa Lò.

Đặc biệt, trong thu hút đầu tư, Nghệ An cần rà soát, đánh giá và lồng ghép quy hoạch ngành với kế hoạch bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, địa phường cần phải đề xuất các giải pháp lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu trong quy hoạch xây dựng Khu kinh tế và tăng cường khả năng thích ứng, năng lực giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Nhiều “ông lớn” vốn FDI về “làm tổ”

Trong năm 2022, Nghệ An được xếp vào tốp 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước. Đáng quan tâm, hiện Nghệ An đã có nhiều đổi mới và đạt được kết quả tích cực trên cả 5 phương diện trên lĩnh vực đầu tư gồm: Số lượng dự án FDI tăng mạnh; cơ cấu thu hút đầu tư chuyển dịch theo hướng tăng số lượng dự án và vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài; vốn đăng ký đầu tư vượt mục tiêu đề ra; lĩnh vực đầu tư chuyển mạnh sang sản xuất công nghiệp và địa bàn thu hút đầu tư chủ yếu tập trung vào Khu kinh tế Đông Nam và các KCN.

Chính vì vậy, nhiều “ông lớn” đến từ các tập đoàn kinh tế ngoài nước đã lựa chọn Nghệ An để triển khai xây dựng các nhà máy, xí nghiệp quy mô vốn đầu tư hàng triệu USD, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Đơn cử, dự án sản xuất linh kiện điện tử của Luxshare ICT có công suất thiết kế 74 triệu sản phẩm/năm, tương đương 3.440 tỷ đồng, dự kiến bắt đầu khởi công vào quý I năm 2023 và chính thức đi vào sản xuất vào tháng 3/2024 sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 14.000 lao động. Tại KCN VSIP Nghệ An, Luxshare ICT đã đầu tư 140 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử đã đi vào hoạt động từ vài năm nay và là một trong ba ông lớn sản xuất gia công cho Apple.

Tiếp đến, Goerteck cũng được biết đến là Tập đoàn lần đầu tiên đầu tư dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại KCN WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An có vốn đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD. Sau hơn một năm thực hiện, Tập đoàn Goertek đã quyết định đầu tư tăng thêm 400 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 500 triệu USD và trở thành dự án FDI có quy mô vốn đầu tư lớn nhất tỉnh Nghệ An.

Đến nay, Nghệ An đã có 4 ông lớn là Luxshare, Goertek, Everwin và Ju Teng đã rót hơn 1,2 tỷ USD vào Nghệ An, dự kiến tạo ra 65.000 - 68.000 việc làm cho người lao động.

Với những bước đột phá trong thu hút đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn FDI, Nghệ An được kỳ vọng sẽ tạo ra những “kỳ tích” để phát triển kinh tế - xã hội nếu duy trì tốt công tác cải cách hành chính, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại…

[  Nghệ An không thực hiện thu hút đầu tư bằng mọi giá mà có sự sàng lọc kỹ càng. Nghệ An cũng sẵn sàng “nói không” với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, tác động tiêu cực đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.  ]

NGỌC THÁI