Quảng Nam và chiến lược “sửa tổ chờ đại bàng”
Vùng động lực kinh tế được lãnh đạo Quảng Nam xác định 9 huyện ven biển đồng bằng làm “đầu tàu” để kéo 9 huyện miền núi tạo thế phát triển cân bằng bền vững.
>>Hành trình “vượt sóng” của Quảng Nam
Con đường 4 làn xe xuyên vùng hoang mạc ven biển kết nối Đà Nẵng với Khu kinh tế mở Chu Lai sắp hoàn thành. Đây là tuyến đường "5 sao" và tương lai không xa sẽ là hành lang kinh tế kết nối xuyên miền ven biển từ Đà Nẵng đến Chu Lai.
Ước mơ trong tầm tay
Hàng loạt dự án quy mô lớn với kinh phí đầu tư hàng tỉ USD như khu phức hợp nghỉ dưỡng Hoiana, khu phức hợp Vinpearl Nam Hội An...đi vào hoạt động cùng nhiều dự án được triển khai đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, đời sống người dân địa phương được cải thiện. Nói như “thuyền trưởng” Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh, rằng: “Vùng đất hoang mạc từ Chu Lai đến Hội An đang được đánh thức sau triệu năm ngũ yên, hồi sinh và bắt đầu cho những mùa quả ngọt”.
Khởi đầu năm 2016, khi cầu Cửa Đại nối 2 bờ sông Thu Bồn và tuyến đường Võ Chí Công kéo dài từ TP Hội An vào đến Chu Lai được đầu tư đã giúp vùng ven biển Quảng Nam phát triển mạnh mẽ. Tương lai không xa, một tuyến tàu điện cao tốc sẽ được đầu tư kết nối sân bay Chu Lai với Đà Nẵng. Hãy tưởng tượng với tốc độ cao của tàu điện, hành khách xuống sân bay Quốc tế Chu Lai về Đà Nẵng khoảng chừng 15-20 phút chắc chắn sẽ thành hiện thực trong tương lai không xa.
Với khát vọng biến vùng đất rộng hàng chục nghìn ha kéo dài hơn 40 km ven biển trở thành khu vực phát triển bậc nhất miền Trung, tỉnh Quảng Nam đã lập qui hoạch tổng thể vùng đông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học - công nghệ.
Đây là vùng động lực của tỉnh có khả năng tiếp nhận đầu tư phát triển chuỗi đô thị; trung tâm dịch vụ, du lịch; công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo Quảng Nam, câu chuyện được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhiều cuộc họp của tỉnh và địa phương đều đồng lòng thực hiện chiến lược “lót ổ đón đại bàng”.
Kiên nhẫn chờ “đại bàng”
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh trong một cuộc trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp đã thừa nhận một thực tế là các dự án lớn tại khu vực vùng Đông từ huyện Duy Xuyên vào Núi Thành, vẫn chưa xứng so với tiềm năng, lợi thế. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh Quảng Nam là phải làm một cách bài bản, không vội vàng, chậm nhưng chắc chắn. Kiên quyết không chia nhỏ dự án.
"Quảng Nam không vội vàng lấp đầy các dự án khu vực vùng Đông vì nếu thế thì không có cơ hội đón đầu các nhà đầu tư lớn. Vừa qua, tỉnh đã tiến hành rà soát những nhà đầu tư đăng ký nhưng chậm hoặc không triển khai thực hiện để thu hồi dự án. Hiện địa phương đang mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có tầm vóc, có thương hiệu quốc gia, quốc tế, hướng tới hình thành các khu đô thị sinh thái, thông minh, không chia nhỏ dự án, manh mún, hạn chế phân lô bán nền. Nếu không có nhà đầu tư lớn thì Quảng Nam vẫn kiên nhẫn đợi chờ” - ông Thanh khẳng định.
Các dự án phát triển khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp phát sinh mới tại vùng Đông cũng như các khu vực khác của tỉnh Quảng Nam giai đoạn từ nay về sau đều làm theo định hướng KCN sinh thái tránh thân thiện với môi trường. Theo Nghị định 52 của Chính phủ về bộ tiêu chí KCN sinh thái, Quảng Nam sẽ nghiên cứu ban hành bộ tiêu chí mới cao hơn, bảo đảm tính bền vững về môi trường và sinh thái, không làm tổn hại về dân cư trong vùng, không gây xung đột, tổn hại đến các ngành kinh tế khác.
Hiện Quảng Nam phối hợp Bộ Giao thông Vận tải cùng với nhà đầu tư nâng cấp cảng biển Chu Lai nhằm đáp ứng để đón tàu 5 vạn tấn theo như quy hoạch của Chính phủ. Ngoài ra, tỉnh cũng đang phối hợp Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam để thúc đẩy việc nâng cấp, sửa chữa sân bay Chu Lai trở thành cảng hàng không quốc tế và trong tương lai gần thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế.
Ông Thanh cũng như lãnh đạo Quảng Nam kỳ vọng trong tương lai gần, với điều kiện giao thông thuận lợi và đồng bộ gồm cả đường bộ, hàng không, đường thủy, sẽ là nơi lý tưởng cho những cánh "chim đại bàng" trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng và công nghiệp “sạch” an cư lạc nghiệp.
Có thể bạn quan tâm