“Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”

LƯU VÂN - THÙY LINH thực hiện 25/02/2023 11:23

Hậu Giang sẽ phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện thứ hạng Chỉ số PCI… thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Hậu Giang.

Đó là chia sẻ của ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang với Diễn đàn Doanh nghiệp.

“2 nhanh”, “3 tốt”

- Theo ông, đâu điểm nhấn của Hậu Giang trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh?

Một trong những đột phá chiến lược của Hậu Giang là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Tỉnh đã chuẩn hóa bộ thủ tục, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp. Tỉnh đã ban hành 19 quyết định công bố Danh mục TTHC mới, sửa đổi bổ sung 132, bãi bỏ 24 thủ tục; trong đó, cắt giảm thời hạn giải quyết đối với 62 thủ tục. TTHC được niêm yết công khai đầy đủ và đúng quy định tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu. Các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã từng bước thay đổi tư duy, từ hành chính sang phục vụ; thay vì cho phép, cấp phép sang được phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Với phương châm “2 nhanh” là nhanh giải phóng mặt bằng; nhanh thủ tục đầu tư và “3 tốt” là cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt, cùng với thủ tục hành chính nhanh gọn đã giúp tỉnh trở thành điểm sáng trong thu hút các nhà đầu tư lớn.

Đến nay, toàn tỉnh có 350 dự án đầu tư trong nước, với tổng mức đầu tư 173.000 tỷ đồng, trong đó có 279 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn là 23.778 tỷ đồng... Tỉnh đã thu hút 24 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký gần 607,4 triệu USD. Số doanh nghiệp có hoạt động và kê khai thuế là 3.150 doanh nghiệp.

- Hậu Giang có nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?

Hậu Giang được biết đến là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, thủy sản, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ vận tải, logistics. Tỉnh có vị trí chiến lược nằm trên tuyến lưu thông của Tiểu vùng Tây sông Hậu, cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam sông Hậu với phần còn lại của vùng ĐBSCL và các vùng kinh tế khác. Hậu Giang còn là đầu mối kết nối giao thông quan trọng cả về đường bộ và đường thủy của vùng Nam sông Hậu thông qua 6 tuyến quốc lộ huyết mạch và 2 trục giao thông thủy quốc gia.

Để tạo động lực cho tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, mang tính chiến lược, kết nối các địa phương trong tỉnh và kết nối tỉnh Hậu Giang với các tỉnh, thành trong khu vực. Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh hệ thống logictics mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, thương mại.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm quan bản đồ tích hợp các dự án kêu gọi đầu tư tỉnh Hậu Giang

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm quan bản đồ tích hợp các dự án kêu gọi đầu tư tỉnh Hậu Giang

Sẵn sàng đón nhà đầu tư

- Năm 2022, Hậu Giang đứng đầu vùng ĐBSCL về phát triển kinh tế. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?

Đúng vậy. Doanh nghiệp phát triển đã đóng góp quan trọng vào bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh với những gam màu sáng. Những kết quả này minh chứng cho các đề án, Nghị quyết của tỉnh đi vào cuộc sống, tạo cơ hội thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022 đạt 13,94%, đứng đầu vùng ĐBSCL và vươn lên thứ 4 cả nước, tăng 35 bậc so với năm 2021. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất từ khi thành lập tỉnh đến nay. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, khu vực công nghiệp tăng gần 30%. Thu ngân sách trên địa bàn tiếp tục đà tăng ấn tượng, tăng 27%, vượt 31% dự toán Trung ương giao… Các khu vực kinh tế của tỉnh đều tăng trưởng tốt.

Trong tháng 1/2023, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng so với cùng kỳ và nhiều nhóm ngành vừa đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước, vừa góp phần quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện được 2.660 tỉ đồng, tăng 13,70% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tăng 15,08% so với cùng kỳ.

Chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh Hậu Giang đứng vị trí thứ 38/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 1 bậc so với năm 2020, có 5 chỉ số thành phần tăng điểm, đặc biệt chỉ số gia nhập thị trường từ vị trí 51/63 vươn lên vị trí xếp hạng 2/63.

- Ông có thông điệp nào muốn gửi đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư?

Tỉnh Hậu Giang cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp với khẩu hiệu “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Hậu Giang tiếp tục lan tỏa tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng, cùng tâm thế sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư, để cùng hệ thống chính trị và nhân dân hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đưa Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực và cả nước.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • UBND tỉnh Hậu Giang và FPT ký hợp tác trong chuyển đổi số và giáo dục

    UBND tỉnh Hậu Giang và FPT ký hợp tác trong chuyển đổi số và giáo dục

    08:50, 18/07/2022

  • Hậu Giang: DDCI cấp sở, ban ngành đã có sự cải thiện mạnh mẽ

    Hậu Giang: DDCI cấp sở, ban ngành đã có sự cải thiện mạnh mẽ

    16:38, 15/11/2021

  • Ông Nghiêm Xuân Thành giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

    Ông Nghiêm Xuân Thành giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

    11:30, 03/07/2021

LƯU VÂN - THÙY LINH thực hiện