Sóc Trăng hút đầu tư bằng tiềm năng khác biệt
Thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là thành công của địa phương. Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng.
>> 5 DỰ ÁN GIAO THÔNG LỚN ĐƯỢC QUỐC HỘI XEM XÉT (Bài 3): Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tạo sức lan toả cho ĐBSCL
Trao đổi với DĐDN, ông Trần Văn Lâu - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng đang phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời giải quyết khó khăn trong quá trình triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.
- Theo ông, đâu là điểm nhấn trong tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh của Sóc Trăng, thời gian qua?
Xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó thu hút đầu tư là một trong những ưu tiên hàng đầu để huy động các nguồn lực khai thác tiềm năng, thực hiện các mục tiêu phát triển của tỉnh, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp cùng chính quyền các địa phương trong tỉnh “trải thảm đỏ” để đón đầu tư.
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung quyết liệt cho công tác cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, chú trọng xúc tiến đầu tư “tại chỗ” thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp, cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư kịp thời giải quyết khó khăn trong quá trình triển khai từ khi bắt đầu dự án cho đến khi đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh đã xây dựng “Cẩm nang điện tử” để hướng dẫn nhà đầu tư đăng ký kinh doanh qua mạng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện tốt mô hình giải quyết thủ tục hành chính theo hướng một đầu mối…
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua họp mặt, đối thoại doanh nghiệp để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị nhằm kịp thời giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Tỉnh thực hiện ưu đãi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp các chính sách về thuế, tiền thuê đất… Trong năm 2022, Sóc Trăng đã thu hút nguồn vốn đăng ký trên 226.000 tỷ đồng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4.066 doanh nghiệp hoạt động, tổng vốn 52.441 tỷ đồng, trong đó vốn FDI là 1.448,5 tỷ đồng, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,71, cao nhất trong 10 năm qua.
- Theo ông, đâu là lợi thể của Sóc Trăng trong thu hút đầu tư?
Sóc Trăng được xem là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, bởi những tiềm năng khác biệt. Với đặc điểm tự nhiên có 3 vùng sinh thái, là điều kiện phát triển đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi mà trọng tâm vẫn là sản xuất lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản.
Nằm ở hạ lưu sông Mekong, tiếp giáp với biển Đông, lợi thế khác biệt của Sóc Trăng so với các địa phương trong vùng ĐBSCL là tiềm năng phát triển tổng hợp kinh tế biển, với các ngành như: năng lượng sạch, cảng biển, logistics, du lịch biển.
Với bờ biển dài 72km, thời tiết ôn hòa, sức gió nhiều và mạnh, trung bình trên 6 m/s; số giờ nắng trung bình khoảng 2.500 giờ/năm, bức xạ năng lượng mặt trời khoảng 4,8 - 5 kWh/m2/ngày, tiềm năng phát triển năng lượng sạch của Sóc Trăng rất lớn.
Sóc Trăng nằm ở vị trí hết sức thuận lợi, dễ dàng kết nối giao thông với các tỉnh, thành phố cả nước, chỉ cách TP. HCM hơn 200km, TP. Cần Thơ trên 60km… Hạ tầng giao thông của Sóc Trăng sẽ có bước phát triển đột phá trong tương lai, với các dự án trọng điểm đã được quy hoạch và chuẩn bị khởi công như: Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi… Đặc biệt, Cảng nước sâu Trần Đề được quy hoạch tiềm năng là cảng đặc biệt, với định hướng là cảng nước sâu cửa ngõ liên kết vùng ĐBSCL với đường hàng hải quốc tế châu Á - Thái Bình Dương.
- Sóc Trăng sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào những lĩnh vực nào, thưa ông?
Để khai thác tiềm năng, lợi thế hấp dẫn, giai đoạn 2022 – 2025 tỉnh Sóc Trăng xác định thu hút đầu tư theo 4 hành lang kinh tế, gồm: hành lang kinh tế ven biển với trọng tâm là phát triển dịch vụ du lịch, kinh tế biển được kết nối với các tỉnh thông qua tuyến đường bộ ven biển Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu; hành lang kinh tế Bắc - Nam, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, cùng với tuyến Nam Sông Hậu thuận lợi cả đường thủy bộ kết nối khu vực từ cầu Đại Ngãi (nối tuyến Quốc lộ 60) qua vùng cảng biển Trần Đề đến vùng kinh tế biển thị xã Vĩnh Châu; hành lang kinh tế Đông - Tây theo tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây tỉnh Sóc Trăng với trọng tâm phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến; hành lang kinh tế trung tâm với trọng tâm là phát triển dịch vụ chất lượng cao và phát triển đô thị kết nối thành phố Sóc Trăng với các địa phương chiến lược trong tỉnh.
Tỉnh cũng tập trung vào 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng gồm: dịch vụ logistics cảng biển, hạ tầng công nghiệp - đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và năng lượng tái tạo. Với mong muốn đồng hành, hợp tác, phát triển bền vững, tỉnh Sóc Trăng luôn hoan nghênh, chào đón các doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
5 DỰ ÁN GIAO THÔNG LỚN ĐƯỢC QUỐC HỘI XEM XÉT (Bài 3): Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tạo sức lan toả cho ĐBSCL
04:13, 31/05/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Công nhận 33 xã An toàn khu tại tỉnh Sóc Trăng
18:24, 24/02/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thẩm định Báo cáo tiền khả thi Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng
17:49, 04/09/2021