Doanh nghiệp Đà Nẵng “lao đao” vì thiếu đơn hàng
Những tháng đầu năm nay, số lượng đơn hàng tại các doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn chưa phục hồi, dẫn đến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 2 tháng đầu năm 2023 sụt giảm mạnh.
Tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất bắt đầu từ quý IV/2022 kéo dài đến nay và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Đơn hàng chưa phục hồi
Đầu năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng quay trở lại sản xuất với tâm thế phát triển mới sau giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn đang gặp khó khăn về các đơn hàng sản xuất khiến hoạt động gián đoạn. Nhiều đơn vị khá hơn đang sản xuất theo các đơn hàng cũ, tiếp tục chờ đơn hàng mới từ đối tác truyền thống trở lại bên cạnh việc nỗ lực kết nối thêm nhiều đối tác mới.
Nguyên nhân được đưa ra là do nền kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh. Ngoài ra, nhiều đối tác tại nước ngoài cũng đã giảm nhu cầu sản xuất, liên kết nên các doanh nghiệp đành phải chờ đợi.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết các đơn hàng của đơn vị vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn. Trong giai đoạn đầu năm nay, các đơn hàng chỉ ở mức vừa đủ, vì vậy, đơn vị đang sản xuất cho những đơn hàng đã ký kết từ trước và đợi thêm nhiều đơn hàng mới.
Theo Cục thống kê Đà Nẵng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 2 tháng đầu năm 2023 sụt giảm mạnh do nhiều doanh nghiệp không có đơn đặt hàng mới, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao, thị trường xuất khẩu không thuận lợi. Qua khảo sát tại một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo đóng trên địa bàn TP. Đà Nẵng cho thấy, sự biến động bất lợi từ thị trường thế giới dẫn đến khó khăn trong xuất khẩu, đơn hàng giảm cả về số lượng và quy mô ở cả trong nước và nước ngoài... buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, điều chỉnh thời gian làm việc, tạm ngừng dây chuyền sản xuất để duy trì bộ máy hoạt động.
“Tính chung 02 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 1,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 10,4%, ngành sản xuất và phân phối điện giảm 11,0%”, Cục thống kê Đà Nẵng thông tin.
Cần giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Cũng theo Cục thống kê Đà Nẵng, trong 2 tháng đầu năm 2023, một số sản phẩm sản xuất chủ lực có mức giảm khá sâu so với cùng kỳ năm ngoái, điển hình như thịt cá đông lạnh giảm 51,1%; Bộ quần áo cho người lớn dệt kim hoặc đan móc giảm 29,6%; lốp hơi mới bằng cao su, loại dùng cho xe buýt, xe tải hoặc máy bay giảm 21,4%... Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tháng 2 năm 2023 giảm khoảng 3% so với cùng kỳ, tính chung 02 tháng giảm 15,2%.
Trong đó, một số doanh nghiệp không có đơn hàng xuất kho tiêu thụ buộc phải cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm việc, cho người lao động nghỉ việc luân phiên như Công ty CP Dệt May 29-3, Công Ty CP SXTM Hữu Nghị Đà Nẵng, Công Ty CP Cao Su Đà Nẵng,... Chỉ số sử dụng lao động ước tính tháng 2 năm 2022 giảm lần lượt 0,7% và 2,6% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh so với cùng kỳ (-12,4%).
Các chuyên gia cho rằng, để ngành công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế TP. Đà Nẵng trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Chính quyền thành phố cần đề ra các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, có chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư đối với ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm, như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu, kích cầu tiêu thụ trong nước,... để tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khu vực, trong và ngoài nước.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng kiến nghị TP. Đà Nẵng cần tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các hoạt động kết nối giao thương, các chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu,… phù hợp với bối cảnh và tình hình khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, cần có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi của doanh nghiệp để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thực sự phát huy hiệu quả. Ngoài ra, cần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm