Bờ biển Quảng Nam sạt lở kéo dài, doanh nghiệp "ngại" đầu tư
Cửa biển tại thôn Trung Phường (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) sạt lở kéo dài ảnh hưởng đến đời sống nhân dân cũng như tình hình đầu tư của doanh nghiệp.
>>5 vấn đề trọng tâm của thị trường bất động sản
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, gần như các địa phương giáp biển đều ít nhiều xảy ra tình trạng sạt lở gây ảnh hưởng tiêu cực.
Sạt lở kéo dài
Những tháng đầu năm, vệt bờ biển tại thôn Trung Phường (xã Duy Hải) lại tiếp tục bị sóng “ngoặm sâu”. Sự việc đã kéo dài qua nhiều năm song vẫn chưa có phương án khắc phục, vì vậy sự việc cứ tiếp diễn ảnh hưởng tiêu cực đến người dân.
Theo người dân địa phương, cứ mỗi năm, mép biển lại tiến sau vào bờ hàng chục mét, đe dọa và “nuốt chửng” nhiều ngôi nhà tại khu vực. Nhiều người phải bỏ đi, có người đã bán đất và người mua cũng đang ăn “trái đắng”.
Chỉ tay về phía ngôi nhà đang ngày càng xa bờ, ông Huỳnh Tài – người dân địa phương cho hay trước kia từ mép sóng đi vào đến ngôi nhà cách nhau hơn 150m. Hiện tại, ngôi nhà dường như đã bị sóng biển bao phủ, ăn thêm vào bờ hàng chục mét khiến ngôi nhà hư hỏng nặng, bị bỏ hoang nơi đầu sóng.
“Trước đây khu vực này có 4 ngôi nhà và đều có người sinh sống, sau đó các hộ dân này đã bán đất để chuyển đến nơi khác. Sau một thời gian dời đi, tình hình xâm thực diễn biến phức tạp khiến các ngôi nhà đều bị sóng đánh hư hỏng, sập đổ nên không sử dụng được. Chưa kể đến, hiện tại người dân tại đây cũng đang ngày đêm lo sợ mất đất, mất nhà khi biển cứ được đà “ăn” sâu vào đất liền”, ông Huỳnh Tài lo lắng.
Đang tháo dỡ ngư cụ, ông Nguyễn Huệ - người dân địa phương cho biết khi bất động sản trở thành cơn sốt, nhiều khu vực đã được định giá đến 9-10 tỷ đồng nhưng người dân nhất quyết không bán. Thế nhưng với tình trạng xâm thực như hiện tại thì chẳng ai muốn mua, ông Huệ cho rằng nhiều người đang mất ăn mất ngủ vì gia sản có thể bị cuốn trôi đi bất cứ lúc nào.
“Sóng cứ thế vỗ mạnh vào bờ khi trời chuyển gió, từng lớp đất cũng từ đó mà trôi ra bồi đắp nơi bãi bồi. Bãi bồi khủng long cứ thế to dần ra, còn khu vực đất liền thì liên tục sạt lở, nếu không đắp bờ kè sớm, tình hình sạt lở sẽ còn diễn biến phức tạp vào mùa đông hàng năm”, ông Huệ thở dài.
Theo người dân địa phương, khu vực bị sạt lở hiện đang có nhiều thuận lợi khi được bãi bồi che chở những cơn sóng ngầm. Vì vậy, những tháng mùa hè rất thích hợp để đắp bờ kè, sau đó bờ biển có thể bồi đắp trở lại giữ được đất cho người dân sinh sống và phát triển kinh tế.
Gặp khó vì kinh phí lớn
Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho hay khu vực đường bờ biển bị sạt lở kéo dài khoảng 1,5km. Vị này thông tin hiện khu vực trên đang có 5 hộ bị ảnh hưởng nặng.
“Trước đó, địa phương đã có vận động người dân di chuyển đến khu tái định cư sống nhằm đề phòng các ảnh hưởng tiêu cực từ việc sạt lở. Tuy nhiên, vì đất vườn rộng và họ muốn chia cho con cái nên không muốn dời đến khu tái định cư có diện tích nhỏ hơn. Ngoài ra, vấn đề kinh tế về mảnh đất cũng đã khiến người người không đồng tình với việc di dời”, ông Thống nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Duy Hải, hiện nay nhiều hộ dân cũng đã đề cập đến việc di dời trở lại và địa phương cũng đang tính lập phương án đề xuất với cấp thẩm quyền. Đối với việc kè biển, ông Thống cho hay địa phương đã nhiều lần đề xuất đến các cấp, song vấn đề kinh phí vẫn là yếu tố gây khó trong việc thực hiện.
Qua tham khảo, vị này cho biết các địa phương từng đắp bờ kè biển đã thông tin rằng với 500m bờ kè sẽ tốn đến gần 100 tỷ. Như vậy gần 1,5km đường bờ biển khu vực bị sạt lở sẽ tốn rất nhiều kinh phí nên địa phương rất khó đủ khả năng thực hiện, phải chờ cấp Trung ương hỗ trợ.
Ngoài ra, vị này cũng cho hay trước đó từng có nhiều doanh nghiệp đến khảo sát tại khu vực bờ biển. Có lẽ vì vấn đề sạt lở mà doanh nghiệp còn nhiều đắn đo.
“Việc kè biển là rất cần thiết, không chỉ bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân mà còn đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư về du lịch. Vì vậy, địa phương mong các cấp thẩm quyền có thể sớm duyệt phương án kè biển để triển khai trong thời gian tới”, ông Thống nói thêm.
Ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cũng thông tin địa phương đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết. Theo ông Phúc, việc kè biển tốn rất nhiều kinh phí nên rất khó được phê duyệt.
“Bức xúc thì cũng đã diễn ra từ lâu, tuy nhiên kinh phí quá lớn nên địa phương cũng phải chờ. Tỉnh Quảng Nam cũng đã có kiến nghị đến Trung ương”, ông Phúc cho hay.
Để bảo quản tài sản, nhiều hộ dân tại khu vực cũng đã tự bỏ kinh phí để gia cố bằng trụ bê tông. Tuy nhiên, về phương án lâu dài, địa phương cần có bờ kè cứng để tránh tình trạng sạt lơ trên diện rộng.
Ngoài khu vực cửa biển tại xã Duy Hải, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn nhiều khu vực bờ biển bị sạt lở nghiêm trong như Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành,... Hiện địa phương này cũng đang gấp rút triển khai phương án kè chắn để giữ được biển phát triển kinh tế, du lịch,...
Có thể bạn quan tâm