Hải Dương: Gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để chậm giải ngân vốn đầu tư công
Hải Dương đang quyết liệt xử lý triệt để, dứt điểm các vướng mắc, nhất là đối với các công trình, dự án trọng điểm, quy mô vốn lớn để đạt mục tiêu năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%.
>>>Nữ doanh nhân Hải Dương: Lan tỏa tinh thần vì cộng đồng
>>>Hải Dương: Công bố Chỉ số cải cách hành chính của các Sở, ban, ngành
Tỷ lệ giải ngân còn chậm
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, tổng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 của Hải Dương là hơn 7.136 tỷ đồng gồm: vốn đã phân bổ chi tiết về các cấp quản lý ngân sách và phân bổ chi tiết vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh, vốn ngân sách Trung ương là 6.536 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách năm 2021 chuyển nguồn sang năm 2022 bổ sung vào kế hoạch đầu tư công chưa đủ điều kiện phân bổ chi tiết là hơn 600 tỷ đồng.
Ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành cũng như chủ đầu tư trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư. Năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 85,5% kế hoạch vốn thanh toán…
Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của Hải Dương đạt trên 85%, song theo đánh giá, công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức thực hiện các dự án, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Điều này đã làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
>>>Hải Dương: Tập trung tháo gỡ khó khăn 2 dự án đầu tư quan trọng
Theo Ban Thường vụ tỉnh Hải Dương cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm là do dịch bệnh, giá nguyên, vật liệu tăng cao, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật...
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan trên, tỉnh Hải Dương cũng thẳng thắn chỉ rõ, do một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị còn thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chưa phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm nhất là của người đứng đầu; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; năng lực và ý thức một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu xây dựng còn hạn chế…
Cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu
Năm 2023 Hải Dương phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%. Đây là mục tiêu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đề ra tại Chỉ thị số 38-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đầu tư công (năm 2023 vừa được ban hành.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngoài các biện pháp quyết liệt liên quan tới đầu tư thì đơn vị đề xuất cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ giải ngân đến hết năm 2023 không đạt tối thiểu 90% kế hoạch sẽ là tiêu chí xem xét, đánh giá, xếp loại thực hiện nhiệm vụ năm của cán bộ, người đứng đầu cơ quan, địa phương, ban quản lý dự án, chủ đầu tư dự án.
Thực tế, vốn đầu tư công được coi là nguồn lực, động lực phát triển vô cùng quan trọng, nhất là sau 2 năm chống dịch COVID-19. Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân, những năm gần đây, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở Hải Dương luôn đạt thấp so với nguồn vốn được giao. Vì vậy, để đạt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở phải quyết liệt vào cuộc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn ngay từ những tháng đầu năm.
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư công, địa phương này sẽ tập trung quản lý chặt chẽ công tác đầu tư công; bố trí, phân bổ vốn cho các dự án đảm bảo đúng quy định của pháp luật về thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn và thanh, quyết toán dự án hoàn thành. Đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương với tiến độ và kết quả giải ngân vốn đầu tư công thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả công tác đầu tư công để làm căn cứ đánh giá, sắp xếp cán bộ…
Mới đây, tại buổi làm việc giữa Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội và UBND tỉnh Hải Dương về giải ngân vốn đầu tư công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí..., ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời đề nghị đoàn giám sát tiếp tục quan tâm, giúp đỡ để tỉnh Hải Dương thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong công tác dự toán, quyết toán NSNN, báo cáo tài chính Nhà nước; qua đó góp phần đưa Hải Dương trở thành điểm sáng trong tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, năm 2023, tỉnh Hải Dương đã phân bổ, giao hơn 5.800 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các địa phương, ban quản lý dự án, chủ đầu tư. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương dùng để phân bổ cho các dự án, đề án chuyển tiếp, mới khởi công, chuẩn bị đầu tư, trả nợ vốn vay đến hạn, hỗ trợ thị xã Kinh Môn xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường… Nguồn vốn ngân sách Trung ương nguồn trong nước dùng thu hồi vốn ứng trước của 1 dự án, phân bổ cho 5 dự án và đầu tư theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vốn Trung ương nguồn nước ngoài phân bổ cho dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực TP Hải Dương.
Mới đây, Hải Dương đã thống nhất chủ trương đầu tư 2 dự án quan trọng gồm: Dự án xây dựng đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; dự án trạm xử lý nước thải và thiết bị thuộc Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực TP Hải Dương.
Có thể bạn quan tâm