“Thúc” miền Trung “đứng dậy” xứng tầm
Vẫn còn nhiều thách thức, song nếu các địa phương tại miền Trung biết tận dụng cơ hội, liên kết bền chặt sẽ tạo đà phát triển vùng xứng tầm với lợi thế vốn có.
Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung (KTTĐMT) được định hướng trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Bỏ qua thách thức
Vùng KTTĐMT là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Là vùng công nghiệp gắn với biển và các trung tâm dịch vụ hiện đại,... Tuy nhiên, các thỏa thuận liên kết trong vùng còn mang tính hình thức, hành chính, nặng về quyết tâm chính trị, chưa có sự phối hợp thực chất.
Một nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên là vì quy mô, sức mua thị trường còn thấp, quy mô doanh nghiệp có xu hướng nhỏ hóa khi số vốn, số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới hằng năm ngày càng giảm. Cùng với đó, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh tại khu vực chưa theo kịp nhu cầu phát triển
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) nhận định Vùng KTTĐMT có với vai trò, vị trí rất quan trọng đối với công cuộc phát triển chung của đất nước.
Thời gian qua, ông Quang cho rằng chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã có nhiều nỗ lực “thoát khó, thoát nghèo” để vươn lên nhưng kinh tế khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế về tốc độ phát triển còn chậm, quy mô kinh tế còn nhỏ, tính bền vững chưa cao,...
“Cho dù khu vực này có nhiều cảng biển, cảng hàng không và là trung điểm giao thông đường bộ của cả nước nhưng chi phí logistic còn cao, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chưa phát triển, nguồn nhân lực cao cấp còn thiếu...Đặc biệt, đại dịch Covid- 19 vừa qua là phép thử liều cao về sự phát triển, tính bền vững của doanh nghiệp, nền kinh tế tại khu vực này đã bộc lộ những hạn chế rõ hơn bất cứ lúc nào...”, ông Nguyễn Tiến Quang nhìn nhận.
Theo TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách (Bộ Tài Chính): Thực tiễn xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cho thấy, một mặt các địa phương đều rất ít chú ý tới ý kiến của các địa phương liền kề đối với bản quy hoạch của tỉnh mình, mặt khác các địa phương ít quan tâm đến bản quy hoạch của địa phương khác và cũng e ngại động chạm tới lợi ích của nhau nên các góp ý không mang tính thực chất, trừ khi có sự đụng chạm trực tiếp tới lợi ích của địa phương mình. Chính vì thế, quy hoạch các tỉnh trong vùng về bộ khung xây dựng gần giống nhau, dẫn đến việc thừa năng lực sản xuất, đầu tư dàn trải, trùng lắp tại các địa phương trong vùng.
Liên kết cùng phát triển
TS. Huỳnh Huy Hòa Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho rằng vùng KTTĐMT đã đạt được một số thành tựu phát triển nhất định nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, đóng góp của Vùng vào quy mô chung của cả nước vẫn còn thấp, năng lực nội sinh của Vùng còn yếu nên chưa thể hiện rõ vai trò là vùng kinh tế động lực.
“Trong bối cảnh chung về cơ hội phát triển nhanh và bền vững của đất nước, Vùng KTTĐMT cần có quyết tâm chính trị cao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để biến những địa phương nhiều tiềm năng nhưng chậm phát triển thành vùng đất phồn vinh trong 15-20 năm tới, rút ngắn khoảng cách phát triển so với kinh tế hai đầu Bắc, Nam. Trong 10-15 năm tới cần huy động mọi nguồn lực để đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9-10%/năm, nếu không muốn tiếp tục trở thành vùng trũng trong sự phát triển chung của đất nước, trở thành địa bàn rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” sớm nhất”, TS. Hòa kiến nghị.
Trong khi đó, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng miền Trung cần có một “nhạc trưởng” để điều hành phát triển của Vùng. Theo TS. Lộc, miền Trung cần có một “ban nhạc” chung và phải có người điều phối để tạo động lực phát triển. “Từ đó khu vực mới cải thiện được bức tranh liên kết các địa phương, tránh được hiện trang xung đột, triệt tiêu lẫn nhau và làm mất đi năng lực canh tranh giữa các vùng”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.
Một hiện trạng khác là doanh nghiệp tại Vùng KTTĐMT đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ đến mức “không nhìn thấy được” nên rất khó cải thiện việc liên kết. Vì vậy, cần những doanh nghiệp lớn, đủ mạnh, đủ sức lan tỏa đến khu vực để có sự chi phối, điều tiết các hoạt động.
Thời gian tới, các chuyên gia đề xuất Vùng KTTĐMT cần thể hiện sự liên kết rõ nét để thu hút đầu tư. Các nhà đầu tư triệu đô sẽ là đầu mối để các doanh nghiệp vệ tinh lựa chọn miền Trung làm điểm đến đầu tư, từng bước “vực dậy” bức tranh kinh tế Vùng theo đúng kỳ vọng.
Đâu là giải pháp để vùng kinh tế trọng điểm miền trung phát triển đúng với tiềm năng? Đây luôn là sự trăn trở của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, người dân khu vực này. |
Có thể bạn quan tâm