Tây Ninh: Điểm đến đầu tư hấp dẫn
Tây Ninh đang nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để duy trì vị thế điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn, thân thiện, hiệu quả.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh với DĐDN.
>> Thúc đẩy mạnh mẽ các dự án kết nối vùng Đông Nam Bộ
- Thưa ông, để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh, Tây Ninh đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như thế nào?
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh luôn thấu hiểu, chia sẻ khó khăn, đồng hành, hỗ trợ, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai dự án, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, gặt hái thành công. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, chuyên nghiệp, thân thiện, có tính cạnh tranh cao.
Một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp” là việc triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI).
Đây là năm đầu tiên tỉnh Tây Ninh triển khai lấy ý kiến doanh nghiệp về đánh giá năng lực của cấp chính quyền tỉnh. DDCI với cách tiếp cận tập trung vào “kết quả thực hiện” công việc của các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố qua đánh giá của doanh nghiệp, sẽ cung cấp thêm một góc nhìn mới, làm rõ hơn về kết quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
DDCI sẽ là một giải pháp hữu hiệu và đồng bộ để cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương, từ đó tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy tỉnh Tây Ninh bứt phá trong cải cách hành chính và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội…
- Ông có thể phác thảo đôi nét về bức tranh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh?
Trên địa bàn tỉnh hiện có 679 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với vốn đăng ký là 116.554 tỷ đồng; trong đó có 345 dự án đi vào hoạt động với số vốn hơn 64.303 tỷ đồng, 77 dự án đang triển khai xây dựng với số vốn 16.942 tỷ đồng... ; 355 dự án FDI với vốn đăng ký 9.136 triệu USD, trong đó có 245 dự án hoạt động với số vốn 7.061 triệu USD; 42 dự án đang xây dựng với số vốn 1.030,5 triệu USD... Toàn tỉnh hiện có 6.810 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 184.207 tỷ đồng...
Đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển mạnh, GRDP năm 2022 tăng trưởng cao 9,56%. Năm 2023, tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu duy trì và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Quý 1/2023, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt một số kết quả tích cực. Điểm nổi bật là lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch tăng trưởng cao. Tổng doanh thu du lịch đạt hơn 980 tỷ đồng, bằng 54,5% so kế hoạch, tăng 88% so cùng kỳ; với 2,5 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, đạt 50% so kế hoạch, tăng 18,3% so cùng kỳ.
- Liên kết vùng là “chìa khóa” để tăng sức mạnh góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?
Tây Ninh có vị trí địa quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại hướng Tây Nam của Tổ quốc, là một trong những cực tăng trưởng, cửa ngỏ quan trọng về kinh tế đối ngoại của Vùng Đông Nam Bộ. Dư địa về đất đai, lao động của tỉnh còn lớn, là yếu tố quan trọng để địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ logistics…
Đặc biệt, tiềm năng du lịch của Tây Ninh đang được khai thác tối đa với mục tiêu đưa Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen trở thành khu du lịch đặc sắc, đẳng cấp, mang tầm quốc tế; phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 7 triệu lượt khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tỉnh Tây Ninh cũng đang triển khai xây dựng quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với định hướng và động lực mới, lấy công nghiệp, đô thị làm động lực chính để dẫn dắt, lan tỏa, đưa Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trở thành Khu kinh tế cửa khẩu tiêu biểu, phát triển năng động, hiệu quả của vùng và quốc gia. Tiềm năng, lợi thế mang tính kết nối, lan tỏa vùng đã được Tây Ninh nhận diện, định hướng rõ trong quy hoạch tỉnh, tạo ra động lực, nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, mang tính đột phá.
Tỉnh đã lên Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chủ động, tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố trong vùng xây dựng các chương trình hợp tác phát triển, cơ chế điều phối liên kết vùng...
Để nâng cao hiệu quả liên kết nội vùng và liên vùng, các tỉnh, thành phố cần phối hợp, thúc đẩy triển khai mạnh mẽ, quyết liệt những dự án trọng điểm, mang tính động lực, lan tỏa, nhất là triển khai nhanh, về đích sớm các dự án giao thông trọng điểm, như: đường vành đai, cao tốc… để hệ thống giao thông vùng phát triển đồng bộ, hiện đại, tạo ra nguồn lực, động lực mạnh mẽ cho sự phát triển; Phối hợp chặt chẽ trong huy động nguồn lực, phát triển nhân lực chung của vùng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, mang tính đột phá của vùng nói chung và từng địa phương nói riêng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm