“Cú hích” cho chuỗi logistics Bắc Trung Bộ
Các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đã và đang tìm cách thu hút tàu hàng với tải trọng “khủng” vào cập bến, tạo động lực thúc đẩy đồng bộ chuỗi logistics, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
>>Dòng vốn lớn đổ vào logistics và bất động sản công nghiệp
Sở dĩ các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đã phải áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đối với tàu container do lĩnh vực này vẫn còn “lép vế” cho với cả các tỉnh thuộc khu vực khác.
Những rào cản cần tháo gỡ
Trong những năm qua, hệ thống cảng biển ở nhiều địa phương, như Cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; Cảng biển Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Cảng biển TP. HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai gắn với vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam… Đặc biệt, nhiều tỉnh có hệ thống bến cảng đáp ứng được năng lực vận tải đường biển quốc tế như: Hải Phòng có 50 bến cảng, Bà Rịa – Vũng Tàu có 45 bến cảng và TP.HCM với 43 bến cảng…
Thế nhưng, ở khu vực Bắc Trung Bộ từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên – Huế đều có đường bờ biển dài với hệ thống sông ngòi chảy theo hướng từ Tây sang Đông cũng mới chỉ có trên dưới 10 bến cảng dạng tổng hợp. Đáng chú ý, tại một số tỉnh ở khu vực này, dù đã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhưng việc thu hút tàu tải trọng lớn, trong đó có tàu container chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Ngoài ra, việc quy hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng biển của các tỉnh khu vực này chưa được quan tâm kịp thời, đồng bộ cũng khiến năng lực thu hút tàu tải trọng lớn mang tầm quốc tế không thể cập cảng. Cùng với đó, các chính sách về vi mô lẫn vĩ mô về phát triển kinh tế biển của từng địa phương Bắc Trung Bộ chuyển dịch chậm, chưa rõ nét, khiến năng lực vận tải biển ở tầm quy mô quốc tế qua cảng gặp nhiều khó khăn.
Đây cũng là những rào cản khiến khu vực Bắc Trung Bộ lâu nay dù được các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế đặc thù cho địa phương, nhưng biểu đồ tăng trưởng vẫn chậm, thậm chí tụt hậu so với các tỉnh khu vực phía Nam và Đồng bằng Bắc Bộ.
>>Định vị lại bản đồ logistics Việt Nam bằng công nghệ
Cuộc đua hút tàu container
Cách đây tròn 3 năm, để thu hút tàu container cập cảng Vũng Áng, UBND Hà Tĩnh đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về chính sách ưu đãi, hỗ trợ hãng tàu biển được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Vũng Áng theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng, được hỗ trợ 200.000.000 đồng/chuyến vào, ra cảng. Còn đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng, được hỗ trợ 700.000 đồng/container (đối với container 20 feet), 1.000.000 đồng/container (đối với container 40 feet trở lên).
Còn tại tỉnh Thanh Hoá, từ năm 2019 đến nay, địa phương đã áp dụng chính sách hỗ trợ thu hút tài container cập Cảng Nghi Sơn bằng nhiều Nghị quyết. Mới đây nhất, vào ngày 13/7/2022, HĐND tỉnh Thanh Hoá đã thông qua Nghị quyết số 248/NQ-HĐND nâng mức hỗ trợ lên 500 triệu đồng/chuyến, tăng 300 triệu đồng/chuyến so với chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 166/2022/HĐND.
Tại Thừa Thiên - Huế, vào ngày 07/9/2022, HĐND tỉnh này cũng ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây. Qua đó, các hãng vận chuyển container tại cảng với tần suất tối thiểu 2 chuyến/tháng được hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu hàng hóa container đi và đến cảng được hỗ trợ từ 800.000 đến 1,1 triệu đồng/container.
Trong khi đó, tại Nghệ An, cơ chế thu hút tàu container qua cảng Cửa Lò đến thời điểm hiện nay cũng mới chỉ ở dạng văn bản dự thảo và mức hỗ trợ vẫn chưa thể dành nhiều nguồn lực tạo bước đột phá như các tỉnh lân cận…
Nhiều chuyên gia cho rằng, để tiếp tục thu hút tàu container, góp phần thúc đẩy chuỗi logistics khu vực Bắc Trung Bộ, ngoài các chính sách ưu đãi nói trên, cần nâng cao năng lực doanh nghiệp logistics và chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp logistics và giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics. Bởi tính liên kết của các doanh nghiệp ở Bắc Trung Bộ còn yếu. Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics cần mở rộng thị trường, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng, phấn đấu cắt giảm chi phí trong hoạt động logistics…
Có thể bạn quan tâm