Giấc mơ xuất khẩu dịch vụ logistics

NHẬT MINH 13/04/2023 13:24

Hải Phòng đã định hướng phát triển dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu dịch vụ logistics ra nước ngoài.

>>Cảng Container Quốc tế Tân cảng Hải Phòng đón TEU 1.000.000 thông qua

 Hải Phòng định hướng trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ logistics của quốc gia và khu vực.

Hải Phòng định hướng trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ logistics của quốc gia và khu vực.

Theo đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hải Phòng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng trung bình dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025 là 16-18%/năm và giai đoạn 2026-2030 là 17%/năm. Định hướng chung phát triển dịch vụ logistics là xây dựng Hải Phòng trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ logistics của quốc gia và khu vực; từng bước hình thành các tập đoàn doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cảng biển với chất lượng cao, đủ năng lực từng bước cạnh tranh với các doanh nghiệp dịch vụ nước ngoài.

Bứt tốc từ quy hoạch

Theo đề án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, dịch vụ logistics với tổng diện tích kho, bãi trên địa bàn thành phố đạt khoảng 701,14ha, hơn 60 kho bãi chính bao gồm hệ thống kho, bãi tại các cảng biển; kho ngoại quan; hệ thống kho bãi tại các điểm thu gom hàng lẻ, địa điểm kiểm tra tập trung và hệ thống kho chứa hàng hóa thông thường và kho lạnh khác...

Mạng lưới logistics của Hải Phòng khoảng 2.200-2.500ha, gồm Trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng ở khu vực Đình Vũ - Cát Hải. Các trung tâm logistics cấp thành phố, trung tâm logistics chuyên dụng, trung tâm logistics hỗ trợ gắn với các đầu mối giao thương chính. Ngoài ra, bố trí các khu logistics gắn với khu vực sản xuất công nghiệp, cảng sông, cảng biển và các trung tâm, đầu mối vận tải khác.

Theo Sở Công Thương, Hải Phòng có khoảng gần 300 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics. Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng trên 50 doanh nghiệp hoạt động tích cực trong lĩnh vực này. Hầu hết các doanh nghiệp đóng vai trò cung ứng một số dịch đơn giản cho các công ty logistics nước ngoài như: làm thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa (chủ yếu bằng đường bộ), cho thuê kho bãi...

Hiện có khoảng 35 công ty, tập đoàn logistics đa quốc gia đang hoạt động tại Hải Phòng như DHL, UPS, FedEx... chiếm tới 70-80% thị phần logistics. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp trong nước chỉ đóng vai trò nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài.

>>Cảng Hải Phòng vượt bão COVID để “về đích” sớm

Hoạch định và phát triển...

Để phát triển dịch vụ logistics trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam đang tăng mạnh, Hải Phòng đã có Kế hoạch 238/KH-UBND phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, Hải Phòng trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, với hàng hóa thông qua cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2025 đạt 15,1%/năm.

Đến năm 2030, thành phố trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 600 triệu tấn…

Hải Phòng là một địa phương tiêu biểu về logistics với hạ tầng đa dạng phục vụ các loại hình vận tải gồm đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đường hàng không, kết nối thuận tiện với các địa phương thuộc Đồng bằng sông Hồng cũng như phương tiện, hàng hóa tuyến Bắc - Nam. Đón đầu xu hướng, Hải Phòng đã định hướng phát triển dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu dịch vụ logistics ra nước ngoài.

Tuy nhiên, tại một số cuộc hội thảo về phát triển ngành dịch vụ logistics do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tại Hải Phòng, nhiều ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh những lợi thế vượt trội và kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn đó hạn chế, “nút thắt” lớn cho việc cải thiện hiệu quả logistics tại Hải Phòng, đó là hạ tầng và công nghệ đang trở nên quá tải và chưa được mở rộng, nâng cấp kịp thời để đáp ứng được yêu cầu của một cửa ngõ về logistics tại khu vực phía Bắc.

Để gỡ “nút thắt” này, nhiều chuyên gia cho rằng, đổi mới quản lý Nhà nước đối với dịch vụ logistics ở cảng Hải Phòng phải hướng tới hình thành mô hình dịch vụ logistics điện tử (E-logistics). Xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ thông tin phục vụ cho cộng đồng dịch vụ logistics ở cảng Hải Phòng. Cần sớm tiêu chuẩn hóa dịch vụ logistics cảng biển, trung tâm logistics tập trung.

Có thể bạn quan tâm

  • Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng

    Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng

    00:10, 25/04/2021

  • Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng

    Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng

    08:30, 23/04/2021

  • [TRỰC TIẾP] Hội nghị

    [TRỰC TIẾP] Hội nghị "Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng"

    08:25, 23/04/2021

NHẬT MINH