Ninh Thuận: Đột phá cải thiện môi trường kinh doanh
Tỉnh Ninh Thuận đang triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường ĐT kinh doanh, đặc biệt là công tác cải cách TTHC, tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC cho dân, DN.
>>Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận: Cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp
Chia sẻ với DĐDN, ông Phan Tấn Cảnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh: Với phương châm “CHÍNH QUYỀN PHỤC VỤ VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI DÂN”, tỉnh Ninh Thuận đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Phan Tấn Cảnh cho biết tỉnh Ninh Thuận xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên.
- Tỉnh Ninh Thuận đã có những đột phá như thế nào trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thưa ông?
UBND tỉnh đã chỉ đạo từng ngành, địa phương luôn đổi mới tư duy và hành động, lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm để phục vụ; Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo thuận lợi tối đa và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hướng đến xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Thời gian qua, với nhiều nỗ lực phục hồi kinh tế, cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, Ninh Thuận đã có sự vươn lên mạnh mẽ trên bảng xếp hạng PCI khi tăng 19 bậc, vươn lên vị trí 30 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI năm 2022, tăng 19 bậc so với năm 2021; xếp thứ 7/14 tỉnh Duyên hải miền Trung. Trong đó, một số chỉ số thành phần của tỉnh Ninh Thuận có thứ hạng cao như gia nhập thị trường xếp thứ 3, tính năng động của chính quyền xếp thứ 16. Chỉ số xanh PGI đứng thứ 18, trong đó có một chỉ số về chính sách và dịch vụ hỗ ttợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường đứng thứ 3, thúc đẩy thực hành xanh đứng thứ 13.
- Môi trường đầu tư thông thoáng đã góp phần quan trọng đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, thưa ông?
Đúng vậy. Trong 3 năm 2020-2022, đã có 1.550 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 27.644 tỷ đồng, chiếm 38,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động từ trước đến nay (4.011 doanh nghiệp) và có 73 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với số vốn 35.168 tỷ đồng. Tỉnh cũng chủ động xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 với 39 dự án thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực động lực của tỉnh. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư lớn, có uy tín, năng lực đang tìm hiểu, đăng ký đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hóa chất sau muối, hydrogen, điện khí LNG, tổng kho xăng dầu, sân bay, cảng biển, du lịch...
Hiện tỉnh đang tập trung chỉ đạo xây dựng đồng bộ các quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, quy hoạch sử dụng đất các huyện, thành phố giai đoạn 2021-2030 và tiếp tục xây dựng, hoàn thành phê duyệt quy hoạch phân khu các khu đô thị, quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ để làm cơ sở xúc tiến đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh.
Tỉnh cũng chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối liên vùng, nhất là giao thông, thủy lợi, cảng biển với những dự án trọng điểm như bến cảng tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1, đường giao thông liên vùng lên Lâm Đồng và các tỉnh Nam Tây Nguyên, xúc tiến đầu tư khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Tháp Chàm, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ và liên thông các hồ chứa đang phát huy hiệu quả bước đầu trong phòng, chống bão lũ, thiên tai. Hiện nay tỉnh đang kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc chuyển sân bay quân sự Thành Sơn thành sân bay dùng chung kết hợp giữa quân sự và dân dụng, tạo nhiều động lực mới cho phát triển.
- Ông có thể chia sẻ đôi nét về kết quả phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh?
Kinh tế quý I của Ninh Thuận có nhiều chuyển biến tích cực, GRDP tăng 7,67% (quý I/2022 tăng 4,16%). Một số ngành, lĩnh vực thương mại, du lịch, công nghiệp khai khoáng phục hồi và tăng trưởng cao...
Đến nay, có 16/19 chính sách hỗ trợ đã được thực hiện, trong đó 4 chính sách đã hoàn thành và kết thúc, đã hỗ trợ cho 6.673 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tới tổng kinh phí trên 1.023 tỷ đồng và hỗ trợ 3.705 cá nhân, hộ gia đình với kinh phí 142 tỷ đồng.
Năm 2023, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các KCN Du Long, Phước Nam, Dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1... nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với cảng nước sâu Cà Ná để xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh...
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm